Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thương hiệu IT của nhà giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Đỗ Minh Hoàng Đức

Khoảng năm 1997, công nghệ thông tin (CNTT) vẫn còn là môn học mơ hồ đối với nhiều người trong ngành giáo dục, quan niệm về công nghệ còn là một thứ gì đó xa xỉ. Song những GV được giao nhiệm vụ không chỉ giảng dạy tốt mà còn làm ra nhiều chương trình, phần mềm ứng dụng hiệu quả. Đến bây giờ khi công nghệ phát triển vượt bậc nhưng một số “sản phẩm” của họ vẫn còn được dùng một cách rộng rãi. 

Hơn một thập kỷ tung hoành của “VNI-ThienHoang”

Nhắc đến font chữ VNI-ThienHoang, GV tiểu học khắp địa bàn TP.HCM biết ngay đó là font chữ của thầy Nguyễn Minh Thiên Hoàng, nguyên GV Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Font chữ sử dụng mã VNI, được thầy Hoàng thiết kế theo mẫu chữ cải cách dành cho HS lớp 1. Dựa vào đây, GV có thể soạn các bài tập, các trang tập viết giúp HS rèn chữ hiệu quả hơn. Hiện tại, nhiều GV vẫn sử dụng VNI-ThienHoang phục vụ soạn giáo án giảng dạy mặc dù có không ít font chữ khác tồn tại song song.

Thầy Hoàng cho biết: “Năm 2003, một người bạn tâm sự nhiều HS viết chữ xấu, rèn qua các cuốn tập tô nhưng không đủ số lượng tập. Vị GV này muốn có một font chữ viết tay, giống như nét chữ HS đang viết để soạn giáo án, các trang tập viết nhằm mang nhiều cơ hội rèn chữ cho HS hơn nữa nhưng không có ai thiết kế. Để giúp bạn, tôi bắt tay vào mày mò, làm thành công chỉ với thời gian ngắn và không ngờ nhiều GV khác cũng tin dùng từ đó đến nay. Thậm chí một số gia đình, phụ huynh cũng sử dụng, in các mẫu chữ để con em tập viết”.

Năm 1997, thầy Hoàng được chuyển về Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm giảng dạy môn tin học mặc dù thầy tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Bấy giờ nhà trường chỉ có 12 máy tính cũ, thường xuyên hỏng hóc khiến thầy đã gặp không ít khó khăn. Đến năm 2000, một hiệu trưởng mới về công tác đã mạnh dạn đầu tư đến hơn 100 máy mới, nhằm mở rộng bộ môn cũng như nâng cao tính ứng dụng. Đây được xem là sự phát triển vượt bậc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dạy, người học. Thầy đã nhanh tay ứng dụng chương trình PowerPoint vào trình chiếu các bài giảng của GV chuẩn bị tham gia GV dạy giỏi, theo đơn đặt hàng của vị hiệu trưởng. Nội dung bài giảng được chuyển tải sinh động, đẹp mắt, tạo hứng thú cho người học nên đã được Ban giám khảo đánh giá cao, xem như một bước đột phá bởi lúc bấy giờ, hầu hết GV chưa biết sử dụng PowerPoint.

Theo thầy Hoàng, thời điểm năm 1997, CNTT vẫn còn là môn học mơ hồ đối với nhiều người trong ngành giáo dục, quan niệm công nghệ là một thứ gì đó xa xỉ. Nhiều phần mềm, chương trình thầy sử dụng như PowerPoint bị một số GV “e ngại đổi mới” phản đối. Họ cho rằng tiết dạy chỉ hiệu quả khi dùng phấn trắng bảng đen. Sau này thiết kế sơ đồ tư duy, MindManager, nhiều chương trình khác… thầy cũng vấp phải không ít rào cản. Tuy nhiên trước những giá trị CNTT mang lại, dần dà họ đã bắt đầu chấp nhận, thay đổi suy nghĩ.

Hiện thầy Hoàng đang công tác tại Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP. Với vai trò chuyên viên, thầy tập trung bồi dưỡng năng lực công nghệ cho GV, tạo ra tài liệu hướng dẫn sử dụng công nghệ, nổi bật phải kể đến tài liệu hướng dẫn sử dụng Adobe Presenter phiên bản 7, 8, 9. Trong cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning mới đây, GV TP.HCM đã sử dụng phiên bản 8, 9, mới hơn cả phiên bản 7 mà hiện nay Cục CNTT vẫn đang sử dụng.

Vui học mầm non 2.0 – 9 năm vẫn dùng tốt

Thầy Nguyễn Minh Thiên Hoàng

Trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện nay, có vô vàn phần mềm dạy học với tính ứng dụng vượt trội, người dùng có thể tùy ý chọn lựa. Tuy nhiên các trường chuyên biệt, khuyết tật cũng như các trường mầm non khắp TP.HCM, một số tỉnh thành khác vẫn sử dụng phần mềm Vui học mầm non 2.0 của GV Đỗ Minh Hoàng Đức, Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu (Q.10) vào dạy học.

Phần mềm “ra đời” cách đây 9 năm, gồm 4 phần thơ ca, truyện, giải trí, tìm hiểu môi trường xung quanh. Ở đó có nhiều nhân vật, con vật trong các câu chuyện, có cảnh quan, bài hát tiếng Việt, tiếng Anh, có nhạc cụ dân tộc, phương tiện giao thông với màu sắc sinh động đẹp mắt… Theo đó, các bé có thể vừa chơi, vừa học, vừa khám phá những điều lý thú về cuộc sống vạn vật, đồng thời phát triển nhân cách, nảy sinh nhiều tình cảm, cảm xúc cũng như phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp.

“Năm 2007, trong một lần rảnh rỗi đi ra ngoài sân trường, bất chợt hình ảnh một em nhỏ lớp mẫu giáo đang săm soi chiếc lá trên tay khiến tôi quan tâm. Tôi hỏi lá màu gì, em trả lời màu vàng, vì cô giáo nói lá rụng xuống đất sẽ có màu vàng. Như vậy có nghĩa, trẻ khiếm thị cũng có nhu cầu tìm hiểu về cuộc sống, thế giới muôn màu xung quanh. Từ lúc đó, “Làm cách nào để các em có thể cảm nhận được cuộc sống, vạn vật xung quanh?”, là câu hỏi đã thôi thúc tôi viết phần mềm này”, thầy Đức cho biết.

Phần mềm ra đời sau đó không lâu và kết quả mang lại rất cao. Các em thích thú, hạnh phúc bởi đã cảm nhận được phần nào cuộc sống quanh mình mà bấy lâu nay chỉ biết đến một cách mơ hồ. Tiếng lành đồn xa, nhiều trường học mầm non dạy trẻ bình thường khác biết đến và thể hiện nhã ý muốn được dùng thử, thầy Đức không ngần ngại tặng các trường sử dụng miễn phí.

Đối với HS khiếm thị, công nghệ như một cuốn sách đa năng, dẫn đường các em tiếp cận với kiến thức, cuộc sống xung quanh một cách dễ dàng, rộng mở. Suy nghĩ các em trưởng thành hơn, tự tin hơn trong giao tiếp, biết vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề. Trước đó khi chưa có công nghệ, kiến thức về cuộc sống các em có phần hạn hẹp, khả năng giải quyết vấn đề kém bởi các em chỉ quanh quẩn đọc một số sách toán, tiếng Việt, truyện ngắn thông qua kênh chữ nổi. Việc tìm kiếm, viết các phần mềm hỗ trợ học tập cho HS khiếm thị của thầy Đức vì thế không dừng lại ở Vui học mầm non 2.0.

Trước đó, năm 2002 thầy đã phối hợp với 2 GV khác viết ra phần mềm truy cập internet cho các em khi mà chưa một ai viết. Năm 2003, thầy bắt đầu tập trung viết phần mềm luyện chính tả, khắc phục những lỗi sai về dấu câu, các âm cuối, một số từ đơn mà các em thường mắc phải. Thậm chí thầy còn viết riêng phần mềm tính nhẩm toán cho một HS khuyết tật nặng tên Hiếu. Hay các phần mềm như Vui học lịch sử, Kiểm tra trắc nghiệm, Từ điển hóa học, Từ điển hình ảnh… Đa số các sản phẩm của thầy được giải thưởng cao trong các cuộc thi khoa học công nghệ cấp bộ.

Năm 1997 thầy Đức tốt nghiệp trung học sư phạm tiểu học và được phân công về giảng dạy tại Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu. Một số HS lứa đầu tiên của thầy đã học chuyên sâu về công nghệ, nay tốt nghiệp về trường tiếp bước giảng dạy thay cho thầy.

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)