Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Điểm tựa cho em…

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Kim Hạnh, giáo viên dạy môn sinh, Trường THCS Nguyễn Văn Bé, Q.Bình Thạnh bồi dưỡng cho các em chuẩn bị thi HS giỏi

Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, họ không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh (HS) mà còn chắt chiu đồng lương ít ỏi của mình để giúp đỡ những em có hoàn cảnh kém may mắn tiếp tục vững bước trên con đường chiếm lĩnh tri thức.

Sẻ chia với trẻ khó khăn

34 năm dạy học ở TP.HCM, cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên dạy hóa, Trường THCS Chu Văn An, Q.1 gắn bó với lớp lớp HS nhiều ngôi trường khác nhau, từ “trường làng” cho đến trường phố nhưng tựu trung lại thì chủ yếu là những ngôi trường mà người dân xung quanh còn gặp nhiều khó khăn.

Tốt nghiệp trường sư phạm (năm 1981), cô Thu Hà được phân công về Trường Cấp 1-2 Linh Đông, Q.Thủ Đức giảng dạy. Lúc bấy giờ Thủ Đức còn là huyện ngoại thành, người dân chủ yếu là làm ruộng nên mọi người vẫn thường gọi là “trường làng”. Nhiều HS đến lớp còn chân lấm tay bùn vì mới gặt lúa về. Có em ngày nghỉ  đi xe buýt vào trung tâm thành phố bán chổi, cô ở trong nhà nghe tiếng rao giống học trò của mình, liền chạy ra xem, thì đúng là thật. Thương lắm, em HS còn nhỏ tuổi thôi, chân đi dép tổ ong, mặt đen nhẻm, tóc vàng hoe vì cháy nắng, lưng ướt sũng mồ hôi, tay cầm bó chổi vẫn cười hớn hở gặp cô mà không hề e ngại. Chúng nghèo, nghèo thật đấy nhưng rất mực lễ phép, yêu quý thầy cô. Những ngày lễ, không có tiền mua quà tặng cho giáo viên, chúng hái tất cả những trái cây như ổi, xoài, đu đủ có sẵn trong vườn đến tặng cô. Hiểu tấm lòng của chúng, cô giáo trẻ vô cùng xúc động và nguyện sẽ hết mình vì học trò nghèo.

Cô Thu Hà còn nhớ rõ, tháng lương đầu tiên, cô dành tất cả số tiền nhận được để đóng học phí và sinh hoạt cho em Lê Thị Thanh có nguy cơ bỏ học vì gia đình làm ăn thất bát. Trước đó, cô đã đinh ninh dành số tiền đó để tặng mẹ vì mẹ cô đã quanh năm làm lụng vất vả nuôi cô khôn lớn. Cô kể: “Mẹ tôi là một người phụ nữ nhân hậu, bà thường nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên con giúp được ai thì cứ giúp, số tiền con giúp không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn cổ vũ tinh thần cho cháu tiếp tục cố gắng…”.

Và quả thật, hành động nhỏ của cô đã làm cho gia đình em HS đó xúc động, bố em đi làm trở lại và cố gắng không để em nghỉ học nữa. Cũng từ đó trở đi, mỗi tháng cô đều bớt ăn, bớt mặc để ủng hộ quỹ khuyến học của nhà trường.

Thời kỳ bắt đầu đổi mới, cô chuyển về giảng dạy ở Trường THCS Đồng Khởi (Q.1) rồi sau đó là Trường THCS Chu Văn An (Q.1). Những trường này nằm ở trung tâm thành phố nhưng HS cũng có hoàn cảnh khó khăn lắm. Đặc biệt, Trường THCS Chu Văn An nằm trên địa bàn khá phức tạp, nhận HS ở khu Mã Lạng – nơi nổi tiếng một thời về tệ nạn ma túy công khai, hay phố Bùi Viện – mang tiếng là phố Tây nhưng bên trong là những con hẻm với những ngôi nhà mục nát, xuống cấp, nhiều người sống chen chúc trong không gian chật hẹp. Gia đình nhiều HS ở đây có hoàn cảnh khá bi đát, đứa cả bố và mẹ đều đi tù, đứa bố mẹ ly hôn, không đoái hoài đến con cái… Vậy là mỗi năm, cô đều bỏ tiền túi gần chục triệu đồng để chăm lo cho hội khuyến học của trường. Em nào lớp cô chủ nhiệm có hoàn cảnh quá khó khăn, cô sẵn sàng gom góp tiền để trả học phí và phí sinh hoạt cho em đó.

Năm học 2013-2014, lớp cô chủ nhiệm có em Ngọc Oanh hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba chạy xe ôm, cả nhà ở ké nhà ngoại và ba mẹ con em phải sinh hoạt trong một căn phòng nhỏ tận dụng khoảng không gian ở dưới cầu thang. Cô tặng cho em chiếc xe đạp nhưng cũng không có chỗ để xe. Vậy là nguyên cả năm học đó, cô đóng toàn bộ học phí và các khoản chi phí học tập, sách vở cho em. Hay năm học 2012-2013, cô cũng giúp các khoản phí học tập cho em Huỳnh Nga bởi em có nguy cơ nghỉ học dù học rất giỏi, lại là lớp trưởng. Nguyên do là bố em bị bệnh thận phải chữa trị thường xuyên, mẹ đi rửa bát thuê… Cô chia sẻ: “Giúp HS mỗi tháng bao nhiêu tôi không để tâm, chỉ luôn dặn dò rằng cứ nhịn ăn bớt mặc đi một chút để giúp các em được đến trường”.

Giúp học trò đến giảng đường

Cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên dạy hóa, Trường THCS Chu Văn An, Q.1 trò chuyện cùng các em HS

Giống như cô Thu Hà, cuối năm nay cô Nguyễn Thị Kim Hạnh, giáo viên dạy môn sinh, Trường THCS Nguyễn Văn Bé, Q.Bình Thạnh sẽ nghỉ hưu nhưng cô vẫn chọn việc thỉnh giảng ở một trường quốc tế để giúp học trò cũ thực hiện ước mơ đến giảng đường.

Suốt quãng đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô và chồng – giáo viên dạy toán, đã dành tất cả tình yêu thương cho học trò nghèo hiếu học. Đến nay, cô chẳng nhớ mình đã giúp được bao nhiêu HS mà chỉ cần thấy các em trưởng thành, biết yêu thương giúp đỡ người khác là cô đã mừng lắm rồi. Hiện cô không chỉ gom góp tiền lương giúp HS của trường có hoàn cảnh khó khăn mà còn nhận nuôi thêm hai chị em học trò cũ, đó là em Đinh Thị Thùy Dung (sinh viên năm 2, Trường ĐH Sài Gòn) và em Quang Phúc (HS lớp 10, Trường THPT Gia Định).

Nhà Thùy Dung có bốn chị em, mẹ bị bệnh lao rồi qua đời cách đây 3 năm, ba bị mù một mắt lại lao động phổ thông nên đời sống cả nhà hết sức chật vật. Năm  cha con sống nhờ vào nhà người dì ở một xóm nhỏ, nơi cư ngụ phần lớn của dân nhập cư nghèo phường 11, Q.Bình Thạnh. Cô kể: “Hai chị em tuy nghèo nhưng lòng tự trọng rất cao, không muốn lợi dụng ai, bởi vậy nếu giúp không khéo thì tôi sẽ làm cho cả hai chị em buồn”. Cũng chính vì lý do này mà những năm đầu khi biết hoàn cảnh của hai chị em, cô chỉ đóng tiền học thêm và âm thầm cùng chồng là giáo viên dạy toán miễn phí cho hai chị em. Đến khi gia đình hai em túng quẫn quá, người chị khó có thể tiếp tục việc học ĐH nên hai năm nay cô tiếp đóng học phí cho Thùy Dung, mỗi tháng cô còn gom góp khoảng 40kg gạo mang đến cho gia đình.

Bố mẹ chia tay, Minh Thiện sống với bố và bà nội nhưng bố Thiện nghèo lắm. Thiện không có đủ tiền để mua sắm dụng cụ học tập, bởi vậy mà em thường xuyên mượn bạn tài liệu tham khảo hay chiếc máy tính. Cô Hạnh đã thường xuyên giúp Thiện đóng tiền học thêm, mua các dụng cụ học tập cần thiết. Năm Thiện học lớp 9, thấy em chạy đi chạy lại mượn bạn bè chiếc máy tính, cô không ngần ngại tự bỏ tiền túi ra mua tặng. Chính những dụng cụ học tập tuy nhỏ bé nhưng lại là nguồn động viên to lớn để Thiện nỗ lực học tập, năm đó Thiện đạt giải nhất HS giỏi cấp thành phố môn toán. 

Như Minh Thiện nói, cô không chỉ cùng học trò nghèo vượt qua những khó khăn về của cải vật chất mà còn là điểm tựa, là người mẹ hiền dạy cho các em đạo lý làm người.

Dương Bình

Nói về phần thưởng quý giá nhất trong cuộc đời đi dạy của mình, cô Thu Hà và cô Kim Hạnh đều cho rằng, học trò của mình trưởng thành, biết đối nhân xử thế, biết giúp đỡ người khác khi gặp hoàn cảnh khó khăn là phần thưởng quý giá nhất trong cuộc đời…

 

Bình luận (0)