Ngày 1-7, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có hiệu lực. Có thể nói, đây là một đạo luật đã thể chế hóa triệt để chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, GDNN nói riêng theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Giáo dục TP.HCM đã có buổi trò chuyện với luật gia Dương Minh Kiên, Phó chủ tịch Hội Luật gia Q.Gò Vấp, nguyên Hiệu trưởng Trường TC Nghề Quang Trung về những thuận lợi khi luật này chính thức có hiệu lực.
PV: Thưa ông, Luật GDNN có hiệu lực chính thức sẽ khắc phục những bất cập nào trong Luật Dạy nghề và Luật Giáo dục trước đây?
Luật gia Dương Minh Kiên: Luật Dạy nghề được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26-11-2006 không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu trong giai đoạn mới. Qua tổng kết, đánh giá 5 năm thi hành, có thể khẳng định Luật Dạy nghề đã thực sự đi vào thực tiễn, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ trong phát triển nhân lực cho quốc gia. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, GD-ĐT nói riêng đã có những thay đổi, nên một số quy định trong Luật Dạy nghề không còn phù hợp với thực tiễn. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật hẹp, chỉ bao gồm các cơ sở dạy nghề, trong khi GDNN không chỉ có cơ sở dạy nghề mà còn cả các trường TCCN; Một số quy định của Luật Dạy nghề chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống các văn bản luật khác có liên quan được ban hành trong thời gian qua…
Quy định của Luật Giáo dục 2005 đã tạo nên bất cập trong cơ cấu trình độ nghề nghiệp ở Việt Nam những năm qua và nhất là không tương đồng với khung trình độ giáo dục ở các quốc gia trên khu vực và thế giới. Yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, trước mắt vào năm 2015, Việt Nam tham gia vào Cộng đồng ASEAN, đòi hỏi dạy nghề cần phải đổi mới cho phù hợp với tình hình trong nước, khu vực và quốc tế.
Ngày 1-7, Luật GDNN có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho GDNN phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế. Ảnh: D.B |
Với những lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, phát triển thành Luật GDNN là cần thiết, cấp bách để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tạo tiền đề, động lực cho GDNN phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế.
Ông có thể phân tích kỹ hơn về những bất cập trước đây, Luật GDNN sẽ làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Luật GDNN có hiệu lực thi hành sẽ bãi bỏ các quy định về TCCN, CĐ và trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp tại Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 44/2009/QH1. Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005, GDNN chỉ bao gồm: TCCN và dạy nghề. Trong dạy nghề lại có các trình độ: Sơ cấp nghề, TC nghề và nghề. Như vậy, vô hình trung, hệ thống giáo dục Việt Nam có 2 trình độ TC, 2 trình độ CĐ và do 2 cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau.
Luật GDNN cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống GDNN. Hệ thống GDNN mới bao gồm: Trình độ sơ cấp, trình độ TC và trình độ CĐ. Trung tâm GDNN là sự thống nhất của trung tâm kỹ thuật, tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề. Trường TC là sự thống nhất của trường TCCN và trường TC nghề; Trường CĐ là sự thống nhất của CĐ chuyên nghiệp và CĐ nghề (Thực chất là đưa trình độ CĐ tách khỏi giáo dục ĐH).
Luật GDNN chính thức có hiệu lực, các cơ sở dạy nghề sẽ có những thuận lợi gì trong tuyển sinh và đào tạo?
Theo quy định hiện hành, cơ sở dạy nghề chỉ được tuyển sinh theo quy mô của từng nghề đào tạo ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề (do cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp). Cơ sở này không được tuyển vượt, thậm chí nếu tuyển vượt 1 chỉ tiêu trình độ CĐ nghề thì bị xử lý vi phạm hành chính. Khắc phục bất cập đó, theo Luật GDNN cơ sở GDNN được quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; Ngoài ra, cơ sở dạy nghề còn được tuyển sinh nhiều lần trong năm; được tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển, thi tuyển.
Cùng với tổ chức GDNN theo truyền thống (niên chế), Luật GDNN bổ sung thêm phương thức tổ chức đào tạo nghề nghiệp mới là đào tạo nghề theo tích lũy mô đun và tích lũy tín chỉ. Các cơ sở GDNN có quyền lựa chọn phương thức đào tạo theo điều kiện của từng cơ sở. Đây được coi là một sự đổi mới căn bản, toàn diện nhất trong tổ chức, quản lý GDNN.
Trước đây theo quy định của Luật DN, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành chương trình khung đối với từng nghề đào tạo trình độ TC và CĐ. Trên cơ sở chương trình khung, các cơ sở dạy nghề ban hành chương trình dạy nghề chi tiết. Theo Luật GDNN, Nhà nước không ban hành chương trình khung mà giao cho các cơ sở GDNN tự chủ xây dựng chương trình đào tạo. Người đứng đầu cơ sở GDNN thành lập hội đồng thẩm định giáo trình, tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình; duyệt giáo trình để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức của cơ sở GDNN.
Xin cám ơn ông!
Dương Bình (thực hiện)
Bình luận (0)