Với hơn 80.000 lượt người trả lời, kết quả khảo sát trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho thấy 38% người đánh giá tài chính – ngân hàng đang là ngành “nóng” nhất, 22% cho là ngành quản trị kinh doanh.
Nhóm ngành từng một thời lừng lẫy là “nhất y nhì dược…” chỉ có 16% người chọn.
ThS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tư vấn cho thí sinh Đắk Lắk.
|
Nếu gộp tài chính – ngân hàng và quản trị kinh doanh vào chung trong khối ngành kinh tế sẽ thấy lượt người đánh giá khối ngành kinh tế đang "nóng" nhất sẽ lên đến 60% tổng số người tham gia trả lời. Có thể khẳng định đó không phải là những trả lời ngẫu hứng. Bởi lẽ thực tế tuyển sinh trong ba năm gần đây đã chứng kiến một lượng rất lớn thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành này.
Đổi phương án vào kinh tế
Chỉ tính riêng tuyển sinh năm 2009, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, khối ngành kinh tế – quản trị kinh doanh nhận đến 814.072 lượt thí sinh đăng ký, chiếm 38% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó ngành tài chính – ngân hàng có 214.566 hồ sơ, kế toán 218.367 hồ sơ, kinh tế 127.431 hồ sơ và quản trị kinh doanh 253.708 hồ sơ.
Năm 2010, dù tổng số hồ sơ đăng ký dự thi giảm khá mạnh nhưng khối ngành kinh tế – quản trị kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với các khối ngành khác. Tuy nhiên, một điều thí sinh cần hết sức quan tâm là số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường chuyên đào tạo khối ngành kinh tế tăng thật sự không đáng kể.
Điển hình như Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) năm 2009 có khoảng 12.000 thí sinh đăng ký dự thi. Với mức điểm chuẩn năm 2009 không quá cao, sang năm 2010 tổng số thí sinh đăng ký dự thi trường này chỉ tăng rất ít với 12.467 hồ sơ. Thậm chí Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong năm 2009 có hơn 31.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng sang năm 2010 giảm còn khoảng 25.000 hồ sơ.
Ở phía Bắc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng chỉ tăng khoảng 1.000 hồ sơ trong tổng số hơn 20.500 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm 2010.
Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn thí sinh theo đuổi nhóm ngành kinh tế đã không vào các trường chuyên ngành kinh tế bằng mọi giá. Thay vào đó, họ đã chọn vào khối ngành kinh tế ở rất nhiều trường đào tạo đa ngành lớn nhỏ khác nhau.
Có một thực tế là các ngành quản trị kinh doanh, kế toán hay tài chính – ngân hàng đều nằm trong tốp năm ngành đang được nhiều trường tuyển sinh nhất. Trong đó, ngôi quán quân thuộc về ngành quản trị kinh doanh với ít nhất 360 trường tuyển sinh. Kế đến là kế toán với 298 trường.
Không chỉ thí sinh đổ xô vào dự thi mà cả các trường cũng đang ồ ạt tuyển sinh khối ngành kinh tế. Nhờ vậy, thí sinh có nhiều phương án lựa chọn cho mình một trường phù hợp.
Công nghệ kỹ thuật nhiều lựa chọn
Khối ngành kỹ thuật – công nghệ sau một vài năm là ưu tiên lựa chọn số 1 đã nhường lại vị trí cho khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, trong ba năm gần đây nhất, khối ngành này cũng có một số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đáng kể. Năm 2009, tổng số hồ sơ đăng ký vào khối ngành này lên gần 700.000, chiếm đến 32% tổng hồ sơ đăng ký dự thi. Đến năm 2010, khối ngành này tiếp tục giữ được ưu thế của mình, đặc biệt là những ngành công nghệ.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), trong khi hầu hết các ngành chỉ nhận 400-2.000 hồ sơ thì ngành công nghệ sinh học có đến 5.200 thí sinh đăng ký. Tương tự, ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Cần Thơ cũng có số lượng đăng ký dự thi vượt lên hẳn so với mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, dù không còn gây "sốt" như khoảng 10 năm trước, ngành công nghệ thông tin vẫn được rất nhiều thí sinh chọn lựa. Năm 2009, có hơn 100.000 thí sinh đăng ký dự thi ngành công nghệ thông tin, chiếm 5% tổng hồ sơ đăng ký dự thi cả nước.
Trong khi đó, nhóm các ngành kỹ thuật dù nhiều trường cho rằng là ngành khó tuyển nhưng theo thống kê, đây vẫn là nhóm ngành thu hút khoảng 20% thí sinh lựa chọn mỗi năm. Ở các trường có thế mạnh về khối ngành này như Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… các ngành kỹ thuật vẫn thu hút nhiều thí sinh.
Có thể thấy rõ điều này đối với ngành xây dựng của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong tuyển sinh 2010. Đây là ngành có tỉ lệ "chọi" cao nhất của trường. Ngành xây dựng cầu đường của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng có tỉ lệ "chọi" lên đến 1/21 trong khi tỉ lệ "chọi" trung bình của trường chỉ là 1/7.
Dù vậy, thí sinh cần lưu ý rằng số lượng trường đào tạo nhóm ngành công nghệ – kỹ thuật cũng khá lớn. Trong đó có đến 297 trường tuyển sinh công nghệ thông tin, là ngành được đào tạo nhiều thứ ba sau quản trị kinh doanh và kế toán. Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và cơ khí cũng được tuyển sinh ở rất nhiều trường với con số lần lượt là 144 và 108.
Chính vì thế, dù được nhiều thí sinh lựa chọn nhưng cơ hội vào học khối ngành công nghệ – kỹ thuật vẫn khá rộng mở.
Bức tranh chọn ngành những năm gần đây cũng cho thấy một thực tế không mấy sáng sủa đối với nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp. Đây là nhóm ngành có tổng chỉ tiêu xấp xỉ hai nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ và kinh tế – tài chính – ngân hàng. Thế nhưng, số lượng thí sinh đăng ký lại quá chênh lệch. Năm 2009, tổng số thí sinh đăng ký nhóm ngành này chỉ chiếm 5%.
Luật, sư phạm giảm
Những năm gần đây, số thí sinh chọn các ngành luật, sư phạm đang có dấu hiệu ngày càng ít dần. Trong năm 2010, số hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM giảm gần 3.000 bộ, còn khoảng 10.000 hồ sơ so với con số 13.200 của năm 2009.
Ở khối trường sư phạm, đã có nhiều phân tích về việc số lượng thí sinh đăng ký ngày càng giảm. Điển hình là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nếu năm 2009 có 24.000 hồ sơ đăng ký dự thi, đến năm 2010 chỉ có 15.000 hồ sơ.
Riêng khối ngành khoa học xã hội không có nhiều biến động trong những năm gần đây.
Trong khi đó dù ngành công nghệ, kinh tế thay phiên nhau "lên ngôi", nhóm ngành y dược vẫn giữ "phong độ" với việc thu hút một lượng lớn thí sinh có học lực khá, giỏi dự thi.
|
VÕ HÙNG / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)