Nhiều cán bộ làm tư vấn hướng nghiệp nhận định không ít bạn trẻ hiện nay chọn ngành nghề dựa trên thứ tự ưu tiên: kiếm được nhiều tiền, làm việc nhẹ nhàng và không phải đụng chân đụng tay.
Học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang tham quan tìm hiểu ngành nghề tại phòng thí nghiệm hóa – dược Trường ĐH Nông lâm TP.HCM |
Trên một diễn đàn, tranh luận của giới trẻ xoay quanh xu hướng chọn ngành nghề thì “ngành hot”, “ngành đang được cho là dễ kiếm việc, kiếm nhiều tiền” bao giờ cũng áp đảo xu hướng chọn ngành nghề theo sở thích.
Thích ngành này lại… muốn ngành kia
Trong buổi đưa học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang đi tham quan tìm hiểu ngành nghề tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cuối tháng 12-2010, cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên – giáo viên phụ trách hướng nghiệp lâu năm ở trường – bày tỏ lo ngại những năm gần đây số học sinh chọn ngành nghề theo đam mê giảm rõ rệt so với trước đó. Cô Mỹ Duyên đưa ra một khảo sát nhỏ do cô thực hiện tại trường như sau: năm học 2006-2007, số học sinh khẳng định “theo đuổi đến cùng” ngành học yêu thích chiếm trên 80%, đến năm học 2009-2010 con số này chỉ dừng lại ở khoảng 30%”.
Tương tự, cô Hoàng Thị Diễm Trang – phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) – nhận định nhiều học sinh đang có tâm lý “ăn xổi” trong việc chọn ngành nghề. Số học sinh rẽ sang hướng khác so với sở thích của mình cũng có chiều hướng tăng lên. “Do thiếu thông tin về ngành nghề nên nhiều bạn theo những trào lưu trước mắt chứ ít có hoạch định lâu dài – cô Diễm Trang nhận xét – Chẳng hạn trong danh sách tham quan hướng nghiệp đến Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), những ngành nghề bắt đầu bằng chữ “công nghệ” luôn dẫn đầu số học sinh đăng ký tìm hiểu”.
Bên cạnh đó, khảo sát về xu hướng chọn ngành nghề của học sinh – do một nhóm sinh viên thực hiện – trên 558 học sinh lớp 12 một trường THPT ở Đồng Nai cho thấy chỉ có 41,8% (233 bạn) sẽ theo đuổi ngành nghề mình mơ ước. Số còn lại “chưa định hướng được”, “nhiều định hướng”, “đang phân vân” và “sẽ theo nghề nghiệp của người thân, anh chị”.
Cô Nguyên Hương – chuyên viên tư vấn học đường tổng đài 1080 – cũng bày tỏ việc học sinh gọi điện đến tổng đài nhờ tư vấn vì thích ngành này lại muốn theo đuổi một ngành khác rất phổ biến trong thời gian gần đây.
Chưa hiểu rõ về ngành học
“Ở thành thị, đập vào mắt là các cao ốc, văn phòng trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ, ngân hàng… nên học sinh ít có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu các ngành lao động, sản xuất. Ngược lại, học sinh ở nông thôn luôn mong ước đi học để có được công việc ở thành thị. Cùng với việc thiếu thông tin hướng nghiệp nên học sinh đổ xô vào một số ngành học như hiện nay là không tránh khỏi” – ông Phạm Phước Thìn, giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Tinh Hoa, phân tích.
Theo ông Thìn, để giải bài toán này bên cạnh việc đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh, Bộ GD-ĐT cũng nên siết lại việc đào tạo ngành kinh tế ở các trường ĐH – CĐ. “Quá nhiều trường đào tạo ngành kinh tế sẽ tạo điều kiện cho học sinh chạy theo trào lưu gây mất cân đối ngành nghề” – ông Thìn đúc kết.
Ở một khía cạnh khác, cô Hoàng Thị Diễm Trang cho rằng tác động của xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chọn ngành nghề của học sinh. Cô nói: “Đôi khi học sinh chỉ thấy sự hào nhoáng bên ngoài của ngành chứ ít khi biết được mặt trái của ngành mình sẽ theo. Để khắc phục, khi giới thiệu một ngành nghề nào đó cho học sinh nên giới thiệu cả hai mặt phải, trái để học sinh hình dung rõ hơn”.
TS Lê Thị Thanh Mai – phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng hướng nghiệp cho học sinh THPT hiện nay quá thiếu thực tiễn nên học sinh chỉ mới biết sơ bộ về một số ngành.
Theo cô Mai, cần đào tạo thêm đội ngũ tư vấn hướng nghiệp, trang bị những công cụ như phần mềm, thông tin ngành nghề… để giúp học sinh hiểu rõ ngành mình sẽ chọn. Cô Mai đưa ra một mô hình hướng nghiệp hay của một trường THPT tại TP.HCM khi tạo điều kiện cho học sinh “tự phát hiện mình”: mỗi nhóm tự tìm hiểu, làm gian hàng về một trường đại học nào đó với đủ ngành nghề và chia sẻ với nhóm khác. Quá trình tìm hiểu sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành, trường trước khi lựa chọn.
“Chỉ khi học sinh được trang bị đủ thông tin về ngành nghề, hiểu rõ được ngành mình chọn sẽ học những gì, học như thế nào, ra trường làm việc ở đâu, làm cùng những ai, chịu những áp lực gì… khi ấy các em mới có thể mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình” – cô Mai kết luận.
HÀ BÌNH / Tuoi tre
Nhân lực ngành kinh tế: cung vượt cầu
Phân tích chỉ số cơ cấu nguồn nhân lực theo ngành nghề trên địa bàn TP.HCM năm 2010 của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, được công bố giữa tháng 12-2010 cho thấy một số ngành thuộc nhóm ngành kinh tế cung đã vượt quá cầu.
Cụ thể, ở nhóm ngành tài chính – ngân hàng tỉ lệ phần trăm cung – cầu là 2,32/0,51. Tỉ lệ này ở ngành kế toán – kiểm toán 33,27/ 3,28, ngành quản lý – điều hành 4,17/1,35. Cũng theo cơ cấu nói trên, những ngành nghề “khát” lao động trong năm 2010 bao gồm: dệt – may – da giày (0,24/11,49); nhựa – bao bì (0,01/10,52); dịch vụ và phục vụ (1,19/9,04); điện tử – viễn thông (1,24/5,96)…
|
Bình luận (0)