Sau khi Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học được triển khai thí điểm tại 05 tỉnh (Hà Nội, Hà Tĩnh, Sơn La, Trà Vinh, Đắc Lắc) mang lại kết quả khả quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo triển khai áp dụng trên diện rộng. Tỉnh Hà Tĩnh được chọn làm đơn vị triển khai áp dụng Chuẩn lần này vì đáp ứng đủ các yêu cầu cơ bản: Có các trường THPT ở các mức phát triển khác nhau (đại diện cho các vùng phát triển, bình thường và kém phát triển); Đã tham gia thí điểm Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học lần 1; Quy mô số lượng giáo viên THPT đủ lớn. Số lượng giáo viên tham gia đánh giá theo Chuẩn lần này gồm 2196 giáo viên thuộc 31 trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh.
Đợt triển khai áp dụng trên diện rộng được thực hiện theo hai bước:
Bước 1: Tập huấn cho cán bộ chỉ đạo và cán bộ trợ giúp (cốt cán) áp dụng Chuẩn tại Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tĩnh. Thành phần tham gia tập huấn bao gồm: Cán bộ chỉ đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo (Trưởng/phó Ban chỉ đạo Tỉnh, Chánh thanh tra Sở, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Trưởng và phó phòng GDTX); Cán bộ của các trường THPT được áp dụng Chuẩn, mỗi trường có: Hiệu trưởng/ Hiệu phó, 01 cán bộ trợ giúp (cốt cán). Những người tham gia tập huấn lần 1 được huy động tham gia tập huấn lần triển khai này. Tổng số cán bộ của Sở Giáo dục & Đào tạo và các trường tham gia tập huấn là 68 người.
Bước 2: Triển khai áp dụng đánh giá năng lực nghề nghiệp của giáo viên theo Chuẩn tại các trường THPT. Các hoạt động cụ thể: Phổ biến nội dung Chuẩn (mục tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí, mức độ, quy trình và cách thức đánh giá, công cụ đánh giá) và kế hoạch triển khai của mỗi trường; Giáo viên của tất cả các trường tự đánh giá theo phiếu số 1; Tổ chuyên môn đánh giá giáo viên theo phiếu số 2 và số 3; Hiệu trưởng đánh giá giáo viên của trường theo phiếu số 4; Đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung Chuẩn (trao đổi, thảo luận, ghi phiếu).
Từ những kết quả đã thu được và rút kinh nghiệm từ đợt triển khai thí điểm Chuẩn tại một số trường THPT ở 5 tỉnh, đợt triển khai áp dụng Chuẩn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được thực hiện với nhiều thuận lợi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các giáo viên trung học phổ thông trên địa bàn. Báo cáo xử lý số liệu của đợt thí điểm đã đưa ra những con số rất ấn tượng ở hầu hết các nội dung mà Chuẩn đề cập đến.
Đánh giá và tự đánh giá theo Chuẩn:
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học được xây dựng dưới sự chỉ đạo và giám sát trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng tới các mục đích cơ bản: giúp giáo viên Trung học tự đánh giá phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện, học tập, phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; giúp cán bộ quản lý giáo dục các cấp và Hiệu trưởng đánh giá, xếp loại giáo viên Trung học phục vụ công tác quản lý, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên trên địa bàn; làm cơ sở cho việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên khác; làm căn cứ để xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên Trung học. Với 8 tiêu chuẩn (gồm 25 tiêu chí; mỗi tiêu chí có 4 mức: mức 1 là mức yêu cầu tối thiểu giáo viên phải đạt về tiêu chí đó, mức 4 là mức cao nhất) được quy định cụ thể và rõ ràng, là cơ sở để cá nhân các nhà giáo tự đánh giá năng lực nghề nghiệp của bản thân và đồng nghiệp. Các tiêu chuẩn của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học: 1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người giáo viên; 2. Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; 3. Năng lực xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục; 4. Năng lực thực hiện kế hoạch dạy học; 5. Năng lực thực hiện kế hoạch giáo dục; 6. Năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện đạo đức; 7. Năng lực hoạt động chính trị, xã hội; 8. Năng lực phát triển nghề nghiệp. |
Theo số liệu thống kê, phần lớn giáo viên có năng lực nghề nghiệp ở mức khá và trung bình, tỉ lệ giáo viên xếp loại xuất sắc không cao, vẫn có một số giáo viên ở mức kém. Năng lực nghề nghiệp của giáo viên THPT đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học được thực hiện theo 3 bước: giáo viên tự đánh giá, tổ chuyên môn đánh giá và cuối cùng là đánh giá của Hiệu trưởng nhà trường về năng lực của giáo viên. Kết quả tổng hợp cho thấy, phần lớn giáo viên trung học ở Hà Tĩnh tự đánh giá có năng lực nghề nghiệp ở mức khá (65,6%), mức trung bình chiếm 25,3%, mức xuất sắc chiếm tỉ lệ thấp (9,0%) và mức kém chỉ chiếm 0,1%. Tổ chuyên môn đánh giá: 63,5% giáo viên trung học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có năng lực đạt mức khá; 25,1% đạt trung bình; 11,2% đạt mức xuất sắc và tỉ lệ giáo viên xếp loại năng lực kém chiếm 0,2%. Hiệu trưởng trường THPT đánh giá: tỉ lệ giáo viên có năng lực đạt mức khá 58,2%; mức trung bình 30,7%; mức xuất sắc 10,7% và mức kém 0,4%. Những con số thống kê này cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa ý kiến tự đánh giá của giáo viên và đánh giá của Tổ chuyên môn (hệ số tương quan r = 0.855 với mức ý nghĩa p=0.000 – mức sai khác không có ý nghĩa); ý kiến tự đánh giá của giáo viên với đánh giá của Hiệu trưởng có hệ số tương quan r = 0.722 với mức ý nghĩa p=0.000; đánh giá của Tổ chuyên môn và Hiệu trưởng có hệ số tương quan r = 0.803 với mức ý nghĩa p=0.000.
Kết quả tự đánh giá của giáo viên, đánh giá của Tổ chuyên môn và Hiệu trưởng tại 31 trường THPT tỉnh Hà Tĩnh chỉ ra rằng, năng lực nghề nghiệp của giáo viên ở các trường không đồng đều (các trường Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn và Năng khiếu có số giáo viên đạt mức khá tương đối cao). Như vậy, đã có sự khác biệt về đánh giá năng lực nghề nghiệp của giáo viên giữa các nhóm trường. Điều này cho thấy khả năng phân loại và đánh giá của Chuẩn rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay tại các trường THPT.
Ý kiến của giáo viên sau khi áp dụng Chuẩn:
Bảng tổng hợp ý kiến của giáo viên về các phần chung của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cho thấy: Hầu hết các giáo viên (trên 86%) đồng ý với mục đích, cấu trúc, cách diễn đạt và quy trình vận dụng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học vào việc đánh giá, xếp loại giáo viên. Tỉ lệ giáo viên còn phân vân thấp (< 13%) và số giáo viên không đồng ý chiếm tỉ lệ rất thấp (<1%). Riêng nội dung về các thang điểm xếp loại, có 70,1% giáo viên đồng ý và tỉ lệ giáo viên còn phân vân chiếm tỉ lệ khá cao (26,3%), tỉ lệ không đồng ý chiếm 3,6%.
Về nội dung các tiêu chuẩn, tiêu chí trong Chuẩn, ý kiến của các giáo viên cụ thể như sau: Hầu hết các giáo viên THPT ở Hà Tĩnh (trên 88%) rất đồng ý với nội dung các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn, giáo viên còn phân vân chiếm tỉ lệ thấp (<12%), không đồng ý chiếm <0,3%.
Về nội dung các tiêu chuẩn, tiêu chí trong Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học, giáo viên đã đưa ra những ý kiến xây dựng. Trong đó, tập trung ý kiến về thang điểm đánh giá, cần xây dựng thang điểm phù hợp với đặc thù vùng miền, cần có các tiêu chuẩn hợp lý hơn nữa khi đánh giá năng lực của giáo viên làm công tác chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và những người không tham gia các hoạt động giáo dục khác. Ngoài ra, các giáo viên kiến nghị: Cần rút ngắn khoảng cách giữa các mức xếp loại; Cụ thể hoá hơn nữa các tiêu chuẩn 1, 7 và 8; Cần tăng điểm cho phần năng lực chuyên môn, chất lượng giờ dạy; Một số tiêu chí có yêu cầu quá cao và quá khắt khe với giáo viên; Mức độ, ranh giới giữa các mức trong tiêu chí cần rõ ràng hơn để khâu đánh giá được khách quan và chính xác…
Các giáo viên cũng đưa ra một số đề xuất: Cần kết hợp đánh giá Chuẩn với xếp loại thi đua khen thưởng; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, đặc biệt giáo viên miền núi, tạo điều kiện để giáo viên học hỏi, phát triển sự nghiệp; Cần có chế tài cụ thể và kế hoạch bồi dưỡng đối với giáo viên chưa đạt yêu cầu; Xây dựng đội ngũ giáo viên theo Chuẩn song song với xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục theo Chuẩn…
Và một trong những điều đáng ghi nhận lớn nhất của đợt triển khai áp dụng trên diện rộng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học cho giáo viên tại tỉnh Hà Tĩnh chính là đề xuất – mong muốn của các giáo viên tham gia đợt thí điểm: Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ban ngành chức năng cần sớm hoàn chỉnh văn bản và triển khai Chuẩn sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là mong muốn chung của tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Kim Thoa (GD&TĐ)
Bình luận (0)