Mọi năm, khoảng tầm tháng sáu, tháng bảy khi học sinh THPT bắt đầu nghỉ hè thì đông đảo sinh viên các trường ĐH trên cả nước bước vào kì thi cuối học kì II.
Xung quanh câu chuyện thi cử của sinh viên vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng được nói đến
Thiếu thời gian học, thừa thời gian ngủ
Đa phần sinh viên than vãn có rất nhiều bài vở để học, nhiều lĩnh vực để nghiên cứu, thậm chí đến khi cận kề ngày thi mới tổng hợp kiến thức nhồi nhét với mong muốn đủ điểm đậu. Thế nhưng, phần đông bộ phận sinh viên vẫn giành thời gian để ngủ và tán gẫu trên lớp trong khi thời gian học thì thiếu ?
Lớp học những ngày đầu năm khá đông đủ nhưng đến những ngày cuối năm thì chỉ còn vài sinh viên đến trường … ngồi chơi hoặc chụp ảnh. Dạo quanh các trường ĐH trên TP HCM như Bách Khoa, Luật, Ngoại Thương … nhiều trường số lượng sinh viên trong lớp chưa đến hai chục so với giảng đường lớn 180 sinh viên ? Khi được hỏi về vấn đề sinh viên thiếu thời gian Trâm Anh (ĐH Luật TP HCM – Khoa Luật Thương mại) cho biết : “ Mình chỉ học những ngày gần thi thôi. Một ngày mình giành thời gian ngủ hoặc lên mạng là chủ yếu. Chứ bây giờ mà học đến lúc đó cũng quên thôi!”
Tuy nhiên, có nhiều sinh viên lý giải việc trốn học là vì môn học đó không thú vị, giảng viên không tạo được hứng thú để sinh viên đến lớp nghe giảng và thậm chí lí do môn này không cần thiết cho chuyên ngành mình học. Nhưng nhiều sinh viên vẫn đến lớp đầy đủ vì sợ bị điểm danh hoặc kiểm tra đột xuất chứ không phải vì muốn thu nhận thêm kiến thức tại giảng đường.
Học ở nhà hay học ở thư viện?
Những ngày bình thường, thư viện trường ĐH Ngoại Thương cơ sở II (TP HCM) chỉ tiếp khoảng 10 đến 15 sinh viên nhưng đến thời điểm luyện thi thì lúc nào cũng đông đảo số lượng sinh viên đổ về học thi. Không chỉ riêng ĐH Ngoại Thương (TP HCM) rơi vào tình trạng như vậy ở nhiều trường khác tình trạng sinh viên “kẹt” thư viện cũng diễn ra như ĐH Luật, ĐH Quốc Gia…
Nhiều sinh viên lựa chọn giải pháp an toàn là ở nhà tự học nhưng khi ở nhà lại buồn ngủ hoặc lên mạng chơi ngay. Sinh viên Y thì mang theo tấm khăn trải dưới sàn buổi trưa để ở lại ôn bài tại trường luôn. Ở tại trường ĐH Dược (41 Đinh Tiên Hoàng – Q1) thì thư viện chỉ giành cho sinh viên năm 4,5 và chủ yếu để mượn sách chứ không được phép ngồi học
Nhiều sinh viên cũng muốn tự học nhưng đến khi cầm sách vở lại cảm thấy chán và bỏ luôn. Sinh viên Hồng Nhung (ĐH Ngoại Thương – Quản trị kinh doanh) chia sẻ : “Mình không học ở trường cũng như ở nhà được. Học ở thư viện vừa đông, vừa mệt hoặc thậm chí là ồn ào nữa. Học ở nhà thì dễ buồn ngủ và thường mất tập trung”.
Trao đổi với MTO, Sinh viên Bảo Lộc (Cao Đẳng Golden West – Mỹ) cho biết:
“Sinh viên nước ngoài chủ yếu tự học và thường học ở nhà. Đến thư viện các bạn chỉ kiếm sách để đọc thôi. Mỗi người có cách học riêng nhưng quan trọng là tiếp thu kiến thức tốt nhất cho các kì thi thôi”.
Chép tài liệu là nghề?
Không quá khó khăn tìm một sinh viên sử dụng tài liệu trong mùa thi đến. Đa phần câu hỏi của sinh viên sau khi thi xong là : “Sử dụng trót lọt chứ?” chứ không như ngày trước là “Làm bài có được không?” . Thay vì thời gian học bài nhiều sinh viên chọn giải pháp chép tài liệu nhỏ để đem vào phòng thi sử dụng.
Biết trước hậu quả sẽ không có lợi cho mình nhưng hầu hết các sinh viên đều quay tài liệu ở những môn như Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin, Đường lối Đảng cộng sản … Sinh viên Quỳnh Trang (ĐH Ngoại Thương – Quản trị kinh doanh) : “Mình cũng không muốn quay tài liệu đâu nhưng học hết thì nhiều quá. Những môn nào mình thích thì sẽ học còn không thì thôi!”. Nếu khi chép tài liệu mà bị bắt nhiều sinh viên thường khóc lóc, năn nỉ giám thị đừng lập biên bản kỷ luật.
Điểm số và thi cử không là tất cả
Với sinh viên điểm số là tất cả nhưng không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực lực của chính mình. Học đại học là học một cái nghề chứ không phải học để kiếm lấy điểm số hay tấm bằng. Khi doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên điều đầu tiên họ quan tâm là năng lực của bản thân sinh viên đó chứ không chỉ nằm ở tấm bằng loại giỏi nhờ vào tài liệu được chép sẵn.
Theo MTO
Bình luận (0)