Hiện nay lịch sử có số tiết rất khiêm tốn trong nhà trường nên môn này được nhiều HS xem là môn phụ (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
|
Hiện nay, nhiều giáo viên (GV) tại TP.HCM đã có được tài liệu “Xây dựng các chuyên đề dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS) – môn lịch sử” do Bộ GD-ĐT ban hành (gọi tắt là tài liệu). Tài liệu này đã gợi mở cho các GV bậc THPT một kiểu dạy học mới, tiếp cận với khoa học giáo dục hiện đại và chắc chắn sẽ góp phần đổi mới dạy học bộ môn.
Để việc xây dựng các chuyên đề và việc dạy học theo các chuyên đề thực sự phát huy hiệu quả, chúng tôi cho rằng cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của một số vấn đề sau:
Phân biệt chức năng của chương trình và sách giáo khoa
Ngay từ lời nói đầu, tài liệu đã nêu rõ định hướng của sự đổi mới: “Thay cho việc dạy học đang được thực hiện theo từng bài/ tiết trong sách giáo khoa (SGK) như hiện nay, các tổ/ nhóm chuyên môn căn cứ vào chương trình và SGK hiện hành, lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học phù hợp với việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong điều kiện thực tế của nhà trường”. Vốn đã rất quen thuộc với quan điểm SGK là pháp lệnh, nhiều GV dạy lịch sử sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đột nhiên họ được trao quyền tự chủ quá lớn. Và tất nhiên, GV sẽ đặt ra các nghi vấn về vai trò của SGK trong việc xây dựng các chuyên đề dạy học, cách xử lý các quy định về số tiết cho từng bài học, về giới hạn cho phép của việc cắt giảm, sửa đổi những nội dung trong sách… Những băn khoăn vừa nêu là hệ quả của sự nhập nhằng trong nhận thức về chức năng của chương trình học và SGK.
Theo khoa học giáo dục hiện đại, chương trình học (curriculum) là văn bản pháp lý (thường được gọi là pháp lệnh) buộc GV phải tuân thủ; còn SGK (text-book), mặc dù được biên soạn dựa trên chương trình, chỉ là công cụ để GV và HS sử dụng trong quá trình dạy học. Như vậy, khi xây dựng các chuyên đề dạy học, các GV chỉ cần căn cứ vào chương trình học, hoàn toàn có quyền sử dụng hay không sử dụng, điều chỉnh, thay đổi tựa bài, cấu trúc các đề mục, nội dung… của SGK hoặc dùng thêm các tài liệu khác từ sách, báo… để tiến hành dạy học. Nói cách khác, GV chỉ tuyệt đối không được điều chỉnh, sửa đổi chương trình học, còn những vấn đề về tài liệu dạy học, tựa đề bài học, nội dung cho từng bài, số tiết cho từng bài… thì họ có quyền tự do quyết định. Tuy nhiên, cũng xin lưu ý là: Hiện nay, phần lớn GV phổ thông chưa có chương trình học mà chỉ biết đến sự tồn tại của SGK để làm phương tiện dạy học. Do vậy, cùng với việc phân định rõ chức năng của chương trình học – SGK, các cơ quan hữu quan cần cấp ngay chương trình học cho GV.
Tôn trọng suy nghĩ của HS
Vốn đã rất quen thuộc với quan điểm SGK là pháp lệnh, nhiều GV dạy lịch sử sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đột nhiên họ được trao quyền tự chủ quá lớn.
|
Cũng theo tài liệu, một yêu cầu quan trọng của việc xây dựng chuyên đề dạy học là phải “sử dụng các phương pháp dạy học tích cực” nhằm “hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy”. Quan điểm này rất đúng nhưng khi áp dụng vào thực tế dạy học ở phổ thông hiện nay sẽ gặp 2 trở ngại lớn: Thứ nhất, chương trình học lịch sử quá nặng nề, thiếu cân đối giữa bề rộng và chiều sâu; thứ hai, quan điểm SGK là pháp lệnh trong nhận thức của nhiều GV. Trong khi chờ đợi một chương trình học mới được xây dựng theo các nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại, việc dạy lịch sử phải dứt khoát thoát khỏi mọi ràng buộc của SGK và nên được tiến hành theo định hướng mà Bộ GD-ĐT đã nêu trong chương trình học: “Tổ chức các cuộc thảo luận dưới nhiều hình thức khác nhau (làm việc theo nhóm hoặc đàm thoại chung cả lớp), tạo điều kiện để HS nêu lên các vấn đề cần tìm hiểu, độc lập giải quyết các vấn đề tự đặt ra hoặc do GV cung cấp. Cần khuyến khích, nâng đỡ HS phát biểu những ý kiến riêng của mình, đừng làm cho các em e ngại khi nêu ý kiến khác với GV, rèn luyện khả năng trình bày (viết, nói) cho HS. Từ đó, các em lĩnh hội được nội dung học tập theo tinh thần mới của phương pháp dạy học hiện đại: Dạy học tự khám phá, tự phát hiện”. Thật thế, sau khi hướng dẫn HS tiếp cận các sự kiện lịch sử (fact/event), người GV không nên lấy trong SGK (hay các tài liệu khác) một nhận định/ đánh giá rồi buộc các em phải chấp nhận như là “chân lý”. Thay vào đó, chúng ta nên dùng nhiều phương pháp dạy học, các câu hỏi gợi ý để HS tự nhìn nhận vấn đề; hướng dẫn các em xây dựng các cơ sở để nêu quan điểm, lập luận bảo vệ quan điểm. Những ý kiến của HS phải được tôn trọng cho dù nó quá mới mẻ, khác lạ hay trái ngược với những quan điểm của GV, SGK…
Vì là quan điểm, ý kiến cá nhân đối với một vấn đề nên sẽ không có chuyện phân định đúng – sai mà chỉ có sự xem xét về tính phù hợp hay không phù hợp, mức độ vững vàng, logic của lập luận. Thái độ tôn trọng cũng cần được thể hiện khi tiến hành đánh giá thành quả học tập của HS. Thay vì ra những câu hỏi gợi nhớ kiến thức một cách máy móc, GV có thể sử dụng bài trắc nghiệm (test) để đánh giá trình độ biết, luận đề (essay) để đánh giá trình độ hiểu, hay bắt đầu những đề tự luận bằng cụm từ “Cảm nhận của bạn về …”, “Bạn đồng ý đến mức nào về nhận định sau …” hoặc giao cho nhóm HS thực hiện một dự án (project) nào đó. Khi việc đánh giá môn lịch sử không còn là những đề kiểm tra “thuộc bài” nữa thì hoạt động dạy học mới có thể được tiến hành một cách chủ động, sáng tạo.
Hồ Thanh Tâm (GV Trường THPT Gia Định, TP.HCM)
(*) Bài viết có tham khảo, trích dẫn các tài liệu của Bộ GD-ĐT và đồng nghiệp.
Trả lại vị trí xứng đáng cho môn lịch sử
Bộ GD-ĐT đã xác định mục tiêu môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông như sau: Môn lịch sử ở trường phổ thông nhằm giúp cho HS có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới; góp phần hình thành ở HS thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, cách mạng, bồi dưỡng các năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong xã hội. Rõ ràng môn lịch sử được trao nhiệm vụ rất quan trọng trong giáo dục HS: Hiểu biết tri thức quá khứ, có thái độ ứng xử phù hợp với cộng đồng và với các giá trị truyền thống của dân tộc, bước đầu hình thành tư duy khoa học; hay nói theo GS. Phan Huy Lê, môn lịch sử có “vai trò rất quan trọng để hình thành nhân cách, bản lĩnh và giáo dục năng lực tư duy cho HS”. Theo logic thông thường, với nhiệm vụ này, bộ môn lịch sử sẽ được trọng vọng và có vị trí rất cao trong kế hoạch dạy học của nhà trường. Nhưng thực tế dạy học ở trường phổ thông lại phản ánh điều ngược lại: Lịch sử có số tiết rất khiêm tốn trong kế hoạch dạy học, lại chẳng liên quan nhiều đến các khối thi ĐH nên môn học này bị xem là môn phụ và phải nhận lãnh thái độ xem thường từ nhiều phía. Có thể nói, phần lớn HS cuối cấp cố gắng học lịch sử là để đối phó với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng với việc Bộ GD-ĐT cho phép HS tự chọn môn thi tốt nghiệp theo quy chế mới thì sợi dây cương cuối cùng này đã bị rũ bỏ. Do đó, xác định lại vị trí môn lịch sử cho tương xứng với nhiệm vụ mà mục tiêu giáo dục đã trao cho nó là điều rất cần thiết để tạo nên động lực đổi mới dạy học bộ môn.
|
Cần một chương trình học hiện đại hơn
Xây dựng các chuyên đề dạy học thực chất là hoạt động thiết kế bài học (course design) của GV nhằm đáp ứng các mục tiêu giáo dục của bộ môn. Khi tiến hành thiết kế bài học, GV nhất thiết phải dựa trên chương trình học, áp dụng kiến thức về mối quan hệ tương tác của các yếu tố cơ bản trong quá trình dạy học (gồm Mục tiêu – Nội dung – Phương pháp – Đánh giá) và thoát khỏi trói buộc của các quan niệm xưa cũ về SGK, “cháy” giáo án… Tuy nhiên, việc đổi mới dạy học môn lịch sử không thể dừng lại bằng việc xây dựng các chuyên đề dạy học mà quan trọng hơn, bộ môn này đang cần một chương trình học hiện đại để thay cho chương trình hiện hành đã lạc hậu.
|
Bình luận (0)