Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bệnh thành tích của ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Qua kiểm tra, Bộ GD-ĐT khẳng định có tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” tại Trường TH A Túc và Trường TH&THCS A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
Theo đó, tại Trường TH A Túc, ba em học sinh H.V.T, H.V.Q (học sinh lớp 5), H.V.T (học sinh lớp 4) không đọc được, chỉ viết được một vài chữ đơn giản. Phòng khám khu vực vùng Lìa và Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa có giấy chứng nhận đây là ba học sinh khuyết tật; các em được học hòa nhập. Trong đó, em H.V.T và H.V.T có vấn đề về thần kinh, ảnh hưởng đến học tập và em H.V.Q bị điếc bẩm sinh, khó khăn về nói, thần kinh chậm phát triển – xếp loại sức khỏe loại 5. Mặt khác, qua kiểm tra xác minh thấy học sinh H.X.L năm học 2013-2014 thực tế không bỏ học nhưng thường xuyên không đến trường. Tuy nhiên cuối năm học em L. vẫn được nhà trường tặng giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Tại Trường TH&THCS A Dơi, 3 em học sinh H.V.T, H.V.NH và H.V.H (học sinh lớp 7) khả năng đọc, viết, tính toán rất hạn chế, chỉ làm được những bài toán cộng, trừ đơn giản. Chưa đảm bảo được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh ở trình độ lớp 7. Theo Bộ GD-ĐT để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về các giáo viên dạy và đánh giá học sinh qua từng năm học đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng giáo dục và trình độ của học sinh với Ban Giám hiệu nhà trường, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém của học sinh. Cả hai nhà trường đều không thực hiện việc nghiệm thu bàn giao chất lượng học sinh từ giáo viên dạy năm học trước (lớp dưới) cho giáo viên dạy năm học sau (lớp trên), từ TH lên THCS. Bộ cũng yêu cầu Sở GD-ĐT Quảng Trị, Phòng GD-ĐT Hướng Hóa, ban giám hiệu hai trường cùng giáo viên có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Trao đổi về vấn đề trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng chúng ta nên nhìn sự việc từ nhiều nguyên nhân, không nên nhìn một phía nhưng vẫn phải có nguyên nhân chính. Ở trường hợp này, các học sinh bị khuyết tật đáng lẽ cha mẹ, thầy cô phải biết nhưng lại buông lỏng sự quản lý. Sự việc này thể hiện rõ việc chạy theo thành tích, quản lý không chặt chẽ, thầy cô giáo trực tiếp dạy các em chắc chắn có phát hiện, có thể có phản ánh nhưng nhà trường “lờ đi”. Còn PGS. Văn Như Cương thì khẳng định sự việc xảy ra ở tỉnh Quảng Trị, cho thấy chúng ta chưa chú ý đến việc dạy học cho các trẻ em khuyết tật này. Phê bình hiệu trưởng cũng đúng thôi nhưng thực tế việc giao em khuyết tật vào lớp với các em bình thường cũng rất khó cho giáo viên, nhất là vấn đề dạy kiến thức và khả năng hòa nhập. Sự việc cho thấy có dấu hiệu của bệnh thành tích, dù chưa đủ khả năng lên lớp nhưng vẫn cho các em lên lớp như các bạn học sinh khác.
Sự việc xảy ra tại Quảng Trị không mới, những người có liên quan chắc chắn sẽ phải nghiêm túc kiểm điểm. Tuy nhiên, có thể thấy căn bệnh thành tích trong giáo dục khó có thể giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn. Bởi nó đã ăn mòn và cắm rễ quá sâu trong ngành giáo dục.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)