Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới Sách giáo khoa: Phát huy tính tự học của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THCS Chu Văn An,  Q.1 đưa cuốn Tài liệu dạy học môn toán do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn vào giảng dạy trong năm học 2014-2015
Sách giáo khoa (SGK) mới sẽ thay đổi thế nào so với SGK hiện hành, có thể sử dụng SGK, sách tham khảo khác để dạy học sinh hay không, thiết kế chương trình tích hợp sẽ có thêm những môn nào…? Đây là những băn khoăn của cán bộ quản lý các trường phổ thông tại buổi tập huấn Một số vấn đề đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Giáo viên có thể tự biên soạn chương trình
Theo Bộ GD-ĐT, đổi mới SGK cần phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế. Mặc dù vậy, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý ngành giáo dục cho rằng, vấn đề đổi mới SGK cần rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
Cô Phạm Thị Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai băn khoăn: “Bộ GD-ĐT đã ra một chương trình chuẩn về kiến thức để nhà trường thực hiện. Nhưng được biết, bộ sẽ tiếp tục đổi mới SGK nên giáo viên băn khoăn chương trình SGK mới sẽ thay đổi như thế nào so với khung chương trình hiện hành và giáo viên có thể chọn SGK, sách tham khảo khác để đưa vào chương trình giảng dạy hay không?”.
Trong khi đó, thầy Hoàng Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đức (Q.Tân Phú) lại có những băn khoăn về tính bền vững của SGK. Thầy Việt  kiến nghị: Chúng ta đã nhiều lần đổi mới SGK, cứ vài năm lại thay đổi một lần, tôi nghĩ SGK phải duy trì một thời gian dài, sử dụng ít nhất là 10-15 năm để tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, SGK cần phải có tính liên tục từ bậc TH đến THPT. “SGK hiện hành không thể tự học được, học sinh đọc không hiểu đã tạo ra tình thế “không thầy đố mày làm nên”, học sinh buộc phải đi học thêm”, thầy Việt tâm tư.
Trước những băn khoăn của cán bộ quản lý trường học, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Sắp tới, một chương trình có thể có nhiều bộ SGK nhưng khi kiểm tra đánh giá thì sẽ đánh giá theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT”. Ngoài ra, “SGK sẽ chỉ là điều kiện thuận lợi để giáo viên thực hiện chương trình, còn giáo viên phải đạt được mục tiêu là nắm được quá trình hình thành năng lực của học sinh, giúp học sinh vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề hiệu quả”, ông Hiển chia sẻ thêm.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) giải thích thêm: “Trong bối cảnh có nhiều SGK và đa dạng hóa tài liệu dạy học thì nhà trường quy định một bộ SGK nhưng giáo viên có thể sử dụng nhiều tài liệu khác nhau, thậm chí giáo viên giỏi có thể tự biên soạn chương trình giảng dạy miễn là đảm bảo được mục tiêu giáo dục và chương trình chuẩn đã quy định. Điều này có nghĩa là giáo viên có thể sử dụng SGK nào cũng được nhưng việc thi cử phải bám sát chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, giáo viên và học sinh không phải lo lắng học sách này sẽ kiểm tra sách khác”.
Chương trình tích hợp có “mạnh ai nấy làm”?
Cùng với đổi mới SGK, đổi mới phương pháp giảng dạy là vấn đề cốt lõi trong quá trình đổi mới giáo dục. Trong đó, dạy học tích hợp đã được nhiều trường áp dụng trong thời gian gần đây. Vì vậy, nhiều cán bộ quản lý quan tâm đến các chương trình tích hợp trong SGK.
Một cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM  thắc mắc: “Bộ GD-ĐT sẽ lồng ghép một số môn để tạo thành môn học tích hợp, vậy ngoài 8 môn tích hợp cơ bản thì còn có những môn nào khác?”.
Hay thầy Phạm Văn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ phân vân: “Chúng ta đang tích cực thực hiện chương trình tích hợp nhưng sắp tới SGK mới có tích hợp hay mạnh ai nấy làm?”.
Về vấn đề tích hợp, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khẳng định: “Sắp tới sẽ có một số môn học tích hợp cùng với việc tích hợp một số nội dung theo chủ đề. Việc tích hợp này có chương trình cụ thể nên không có chuyện ai muốn làm thế nào thì làm”.
Theo Bộ GD-ĐT, ngoài các bộ môn tích hợp đã có như ở TH có môn cuộc sống quanh ta (học sinh làm quen với môi trường, xã hội), THCS và THPT tích hợp môn khoa học tự nhiên (toán hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân…) thì sắp tới sẽ có một số bộ môn tích hợp khác theo yêu cầu của giáo dục hiện đại như: Tích hợp giáo dục giao thông, giáo dục môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội…
Bài, ảnh: Dương Bình
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Tuổi thọ của một chương trình hiện đại thay đổi nhanh, khoảng 5-7 năm thay đổi/lần. Chẳng hạn, chương trình của Mỹ khoảng 2 năm là thay đổi. Chúng ta không thể duy trì SGK quá lâu nhưng phải có tính thống nhất, liên tục giúp học sinh tự học”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)