“Đứng ở góc độ xã hội, điều đáng nói ở đây là cần phải xem xét lại trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục. Họ cần phải hiểu biết sâu sắc tâm sinh lý của các em ở độ tuổi mầm non từ đó tổ chức đào tạo bài bản cho các cô giáo chăm sóc trẻ một cách hợp lý, không để có những vụ việc đau lòng như trường hợp bé Vinh”, ý kiến của luật sư – thạc sỹ tâm lý Lê Quang Y.
Cô giáo thiếu kỹ năng sư phạm
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với cô giáo mầm non Trần Thị Xuân Nữ (SN 1980, tại Đồng Tháp) thu hút sự quan tâm của báo chí và dư luận. Đối với những bậc làm cha, làm mẹ khi có con đang học ở độ tuổi mầm non thì hành vi của cô giáo là “không thể tha thứ”. Nhưng xét về vấn đề “tình người”- lời của chị Dương Thị Thanh Thúy, mẹ của bé Vinh thì bản án đó là phù hợp “Cô giáo là một người trẻ tuổi, hãy mở cho cô ấy một con đường sống”
Trần Thị Xuân Nữ là chị cả trong một gia đình có 5 anh chị em, năm 2001 Nữ lên TPHCM và được nhận vào trường mầm non tư thục Hoa Lan (quận Tân Phú) làm giáo viên mầm non (Trần Thị Xuân Nữ tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm mầm non), công việc của Nữ là chịu trách nhiệm chăm sóc nhóm học sinh lớp chồi có độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi tại tầng một của trường, trong đó có bé Lê Quang Vinh, sinh ngày 19.12.2006, tại TPHCM.
Trưa ngày 17.9.2011 cô Nữ cho bé Vinh ăn trưa nhưng bé không chịu ăn, cô giáo đút cho bé Vinh hai lần, bé vẫn không ăn. Do nóng giận, Nữ đã nảy sinh ý định cho bé Vinh vào thang máy vận chuyển thức ăn của trường và nhấn nút nhằm hù dọa cho bé sợ để bé ăn cơm trưa. Cô giáo Nữ đã cho bé Vinh vào thang máy và nhấn nút cho chạy xuống tầng dưới, còn mình chạy theo cầu thang bộ xuống. Khi mở cửa thang máy ra thì trên người và đầu bé Vinh bê bết máu. Bé Vinh chỉ kịp nói “Cô Nữ ơi, cứu con!” rồi bất tỉnh. Bé được đưa vào bệnh viện Phú Thọ sơ cứu, sau đó được gia đình chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, nằm ở khoa cấp cứu chấn thương sọ não. Bé Vinh đã phải trải qua gần chục lần cắt mổ da đầu, gẫy 1/3 xương đòn, khắp người xây xát. Theo bản giám định tỷ lệ thương tật, trên người bé Vinh có gần 20 vết sẹo với tỷ lệ thương tật là 38% vĩnh viễn.
Sợ nghe từ cô
Theo anh Hoàng, cha của bé Vinh cho biết sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã chạy chữa cho bé những vết thương trên thể xác. Nhưng trong tâm hồn bé thì dường như đã diễn ra một điều gì đó “kinh khủng lắm”, “ám ảnh” suốt tuổi thơ bé và sau này khi bé lớn lên. Bé Vinh thay đổi hoàn toàn tâm sinh lý, trở nên cọc cằn, dễ kích động, hay hoảng loạn, sợ bóng tối và nhất là sợ nghe ai nhắc đến từ “cô” trước mặt bé/
Tại phiên tòa, đã có những ý kiến trái chiều nhau về tội danh và chưa đồng nhất quan điểm giám định tỷ lệ thương tật của Bộ y tế. Ban đầu, Viện kiểm soát truy tố bị cáo Nữ về tội “Hành hạ người khác”. Nhưng tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm soát thay đổi tội danh sang tội “Cố ý gây thương tích” vì lý do cô giáo Nữ biết là cửa thang máy bị hỏng và thang máy chỉ có chức năng vận chuyển thức ăn, không có chức năng vận chuyển người mà vẫn cho bé Vinh vào thang máy và nhấn nút. Thang máy của nhà trường được lắp đặt thô sơ, trên bề mặt của thang máy có một lớp xi măng ghồ ghề, hai bên rộng khoảng 2m và có những thanh sắt lồi ra ngoài. Luật sư Trần Công Ly Tao, bào chữa cho bị cáo thì cho rằng bị cáo Nữ mặc dù có kinh nghiệm trong nghề 10 năm nhưng với mọi hoàn cảnh diễn ra khác nhau, và hành vi cho bé Vinh vào thang máy để hù dọa là hết sức ấu trĩ, không lường trước được hậu quả. Như vậy nên xem xét hành vi của cô giáo ở đây là “Vô ý gây thương tích” chứ không phải “Cố ý”. Luật sư Ly Tao cũng đưa ra yêu cầu cần giám định lại tỷ lệ thương tật đối với bé Vinh, căn cứ vào đó để có mức án phù hợp với cô Nữ. Nhưng tại phiên tòa, cô Nữ đã hai lần trả lời HĐXX không muốn giám định lại tỷ lệ thương tật đối với bé Vinh vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và thần kinh của bé “Nỗi đau tôi gây ra cho bé đã quá lớn rồi, tôi không muốn bé phải chịu thêm tổn thương nào nữa từ hành vi của tôi cả”
Chưa thấy lối ra
Bản án 4 năm tù đối với cô giáo Nữ về mặt pháp lý là hoàn toàn phù hợp, mặt khác cô Nữ cũng đã phải chịu sự phán quyết của tòa án lương tâm và dư luận xã hội. Theo luật sư, thạc sĩ tâm lý Lê Quang Y chia sẻ: “Đứng ở góc độ xã hội, điều đáng nói ở đây là cần phải xem xét lại trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục. Họ cần phải hiểu biết sâu sắc tâm sinh lý của các em ở độ tuổi mầm non từ đó tổ chức đào tạo bài bản cho các cô giáo chăm sóc trẻ một cách hợp lý, không để có những vụ việc đau lòng như trường hợp bé Vinh”. Thạc sỹ Võ Trường Linh, tổ trưởng tổ đặc thù, khoa Giáo dục mầm non, trường Đại học sư phạm TPHCM cũng nhận định: “Trách nhiệm thuộc về các nhà làm quản lý một phần. Nhưng hệ thống giáo dục mầm non của nhà nước nói chung và của TPHCM nói riêng có rất nhiều “bất cập”. Những tình trạng đau lòng xảy ra với các em nhỏ hầu hết là rơi vào nhóm trẻ gia đình, các trường tư thục. Họ thuê những người không có tay nghề và thiếu kỹ năng sư phạm, từ đó dẫn đến những rủi ro. Còn xây dựng trường học công do nhà nước quản lý thì làm không nổi do vấn đề mặt bằng. Không có đất để xây dựng trường lớp cho các em. Gánh nặng lại đẩy lên giáo dục. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này là một điều hết sức khó khăn đối với những người làm quản lý”.
Minh Huyền
(Theo DatViet)
Bình luận (0)