Nguồn tuyển của các trường tốp trên khá dồi dào, nhiều trường điểm chuẩn tiếp tục duy trì ở mức cao, thậm chí còn tăng so với năm 2010. Tuy nhiên, không ít trong số các trường này vẫn đang làm nhiều cách để “giữ chân” thí sinh dự thi vào trường.
Phụ huynh và thí sinh xem thông tin điểm chuẩn và nguyện vọng 1B của Trường đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Ảnh: Như Hùng. |
Hiện nay hầu hết các trường thành viên ĐHQG TP.HCM đều đã thực hiện và thông báo việc xét tuyển nguyện vọng (NV) 1B đối với thí sinh đã dự thi vào những trường này nhưng không trúng tuyển ở ngành đăng ký dự thi. Việc xét tuyển NV1B được thực hiện trên cơ sở NV của thí sinh, nhà trường sẽ chuyển thí sinh này sang một ngành khác cùng khối thi còn chỉ tiêu và có điểm chuẩn thấp hơn tại các trường.
1001 cách “níu giữ”
Đặc biệt, năm nay thí sinh dự thi khối V vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) còn được đăng ký dự thi thêm môn hóa (khối A) để xét tuyển NV1B vào các ngành tuyển khối A của trường này. Trong trường hợp thí sinh không trúng tuyển khối V sẽ được trường xét tuyển khối A vào ngành mà thí sinh đăng ký NV1B khối A.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) thực hiện xét NV1B những thí sinh thi không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm cao. Việc này được thực hiện dựa trên kết quả thi để xem xét chuyển thí sinh có điểm cao nhưng rớt NV1 sang những ngành khác. Nhà trường chỉ xét tuyển NV2 đối với một số ngành ĐH và CĐ, nhưng thí sinh khi xét tuyển vào trường sẽ có thêm một cơ hội trúng tuyển. Đó là thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 một trong các ngành bậc ĐH được đăng ký thêm một NV vào bậc CĐ ngành công nghệ thông tin của trường.
Tương tự, năm nay điểm trúng tuyển vào ĐHQG Hà Nội được xác định theo ngành hoặc nhóm ngành của từng đơn vị thành viên. Thí sinh không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi, nếu có kết quả thi đạt trên điểm sàn của ĐHQG Hà Nội được xét tuyển vào các ngành cùng khối thi, còn chỉ tiêu và có điểm trúng tuyển thấp hơn tại các đơn vị thành viên (riêng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn không áp dụng cách xét tuyển này). Các trường chủ động gửi giấy báo cho thí sinh biết ngành học thí sinh được chuyển sang.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang tiếp tục thực hiện cách “xét tuyển linh hoạt”. Theo đó, nhà trường đã hướng dẫn thí sinh điền vào “Phiếu đăng ký NV bổ sung” trong giấy báo thi và nộp lại cho trường khi đến dự thi để trong trường hợp không đạt NV1 sẽ được tự động xét tuyển theo những NV đăng ký bổ sung bằng nhiều phương án: chuyển sang một nhóm ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn…
Hai trường thành viên ĐH Đà Nẵng năm nay thực hiện việc lấy điểm chuẩn trúng tuyển vào trường là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, trong khi các trường thành viên còn lại lấy điểm chuẩn theo ngành. Như vậy nhiều trường hợp thí sinh không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi nhưng vẫn… trúng tuyển vào trường.
Đối với các thí sinh không trúng tuyển vào ngành, đến ngày làm thủ tục nhập học thí sinh được phát phiếu để đăng ký ba NV. Dựa vào phiếu này nhà trường sẽ sắp xếp thí sinh vào ngành học khác theo thứ tự ưu tiên xét thí sinh có điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. Nếu trường hợp thí sinh đăng ký cả ba NV nhưng vẫn không trúng tuyển vào ngành, nhà trường sẽ tự sắp xếp thí sinh vào một ngành học bất kỳ còn chỉ tiêu.
Cạnh tranh không cân sức?
Theo ThS Võ Văn Tuấn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Lang, việc các trường ĐH tốp trên tạo ra nhiều hình thức “xét tuyển linh hoạt” thực chất để giữ nguồn thí sinh tốt cho mình. Chính việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tuyển các trường tốp dưới và đặc biệt là các trường ngoài công lập.
Nhiều cán bộ tuyển sinh của các trường ĐH ngoài công lập cũng cho rằng việc chuyển thí sinh sau khi rớt NV1 sang ngành học khác (NV1B – PV) là một trong nhiều cách để các trường ĐH tốp trên đang làm để “giữ chân” thí sinh cũng vì quyền lợi của bản thân trường đó. Vì thông thường những ngành còn thiếu chỉ tiêu này phần lớn là những ngành khó tuyển.
Trong khi thí sinh đăng ký dự thi ngành họ yêu thích nhưng không may bị rớt nên đành chuyển sang ngành học khác họ không hề yêu thích. Thực tế có thí sinh chấp nhận học ngành NV1B chỉ là giải pháp tạm thời. Có khi họ học để “giữ chân” rồi sang năm thi lại.
Cán bộ quản lý một trường ĐH tư thục ở TP.HCM nói: “Nếu các trường tốp trên thả số thí sinh này ra thì có thể chia sẻ được nguồn tuyển với những trường thuộc tốp dưới như chúng tôi. Thực tế, chúng tôi chấp nhận cạnh tranh lành mạnh, luôn ý thức được việc phải đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo và cũng siết chặt đầu ra chứ không hề buông lỏng. Tuy nhiên, nếu cạnh tranh với các trường đã có thương hiệu mạnh thì rõ ràng là cuộc cạnh tranh không cân sức”.
Theo Trần Huỳnh
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)