Thúy Kiều nhạy cảm, thông minh như vậy mà tin vào lời bịp bợm của Sở Khanh! Đó cũng là chuyện muôn đời: cái khó bó cái khôn. Nhưng ngoài nguyên nhân tình cảnh của Kiều lúc đó, Sở là tay lừa bịp siêu hạng. Cụ Nguyễn đã tinh tế miêu tả con người hai mặt của Sở bằng hai câu thơ giới thiệu lúc hắn đến và vào phòng Thúy Kiều: Tường đông lay động bóng cành/ Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào. Câu thơ sáu chữ tường đông lay động… là cụ Nguyễn lấy ý trong Tây sương: Cách tường bóng hoa lay động, ngờ là người ngọc đã đến (cách tường hoa ảnh động, nghi thị ngọc nhân lai). Cụ Nguyễn cho Sở xuất hiện mà là người ngọc lay động bóng cành, Sở đẹp đẽ, quý hóa đến thế sao? Nhưng đó là con người bề ngoài, liền đấy câu thơ tám chữ mới là người thực: Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
Sao cụ Nguyễn lại cho Sở Khanh đẩy cửa bước vào phòng Thúy Kiều? Lẽ đời, khách đến, chủ phải ra mở cửa; đây Sở chủ động đưa tay mở cửa vào, cũng không là chính danh quân tử hay anh hùng hảo hán đường hoàng trong bước đi… Sở lẻn vào…
Để kết thúc hiệp một của cái sự đời khốn nạn, cụ Nguyễn cho Thúy Kiều phải chịu nhục nhã, ê chề chào một đàn ông lạ lẫm. Cung bậc đau đớn thứ hai tiếp diễn. Đó là Thúy Kiều chân thành kể lể sự tình, hoàn cảnh ngặt nghèo của mình: nào là thân phận bèo bọt, nào là dính dáng chốn lầu xanh. Lòng thành, Thúy Kiều hứa sẽ đền đáp… Đối lại tấm chân thành kia, cụ Nguyễn cho Sở Khanh: Lặng nghe, tủm tỉm gật đầu. Sao lại tủm tỉm? Cụ Đào Duy Anh chú: Tủm tỉm là miệng chúm chím cười. Cụ Đào chú như vậy là chỉ chú ý đến ngoại hình của cái cười. Cái cười mà không mở miệng, chỉ thấy cử động đôi môi là cái cười ẩn chứa bên trong một suy nghĩ, một cảm xúc mà người cười cố nén lại. Cái cười chủ yếu là dành cho chủ nhân của cái cười ấy. Thật kinh khủng, nghe Kiều than khóc, kể lể về cuộc đời chẳng may, cơ cực của mình mà Sở – người tiếp nhận nỗi cay đắng ấy lại tủm tỉm cười! Rồi, cái cười ấy đi liền với cái gật đầu (Lặng nghe tủm tỉm gật đầu) là đồng ý, hay đồng tình hay thấy Kiều dại dột tin người, Kiều trúng kế của Sở? Tất cả cụ Nguyễn không nói ra, người đọc tự thấy bất bình, tức giận. Nhớ ngày nào chỉ một tiếng đàn thôi mà Kim Trọng: Khi tựa gối/ Khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc/ Khi chau đôi mày. Thúy Kiều đã từ nguồn suối trong rơi vào chốn nước đục. Từ chỗ êm đềm trướng rủ màn che giờ đến lúc cầu cứu tên vô lại.
Cung bậc thứ ba là những lời nói khoác lác của Sở: Nào ta có ngựa truy phong (đuổi theo gió) nào có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi… Kèm theo đó là phương sách chạy trốn! Sự khoác lác cùng phương thức thừa cơ lẻn bước ra đi của Sở khiến Kiều sinh nghi. Ở đây Kiều phải chọn một trong hai hành động. Một là không nghe lời hắn, hai là chấp nhận. Cụ Nguyễn lại hạ một câu: Song đà quá đỗi quản gì được thân. Kể cũng đã hơn 200 năm rồi mà giới nghiên cứu chưa giải mã được hai chữ quá đỗi. Các cụ chỉ giải thích Kiều ở trong tình trạng quá đỗi: như quá trớn hay không trở lại được nữa. Vì sao? Phải chăng cụ Nguyễn nói quá đỗi là một từ ngữ quá thâm trầm kín đáo ứng vào Kim Vân Kiều truyện: đó là Sở Khanh đòi hỏi được ăn nằm với Kiều, Kiều xin còn thân còn bồi đắp, hắn khư khư đòi bằng được. Vì theo hắn: “gặp nhau buổi đầu mà không có sự hòa hợp, e hậu sự bất lợi” (Kim nhật phát nhân chi thủy, nhược bất hòa hài, khủng hậu sự bất lợi). Cuối cùng Thúy Kiều phải chấp nhận ăn nằm với hắn trước lúc cùng nhau chạy trốn. Cụ Nguyễn không nói rõ sự việc này nhưng hai chữ quá đỗi trong câu thơ: Nghe lời nàng đã sinh nghi/ Song đà quá đỗi quản gì được thân… nghe mà chua xót, mà đắng cay cho những cảnh đời khốn nạn!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)