Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hà Nội khó về đích với trường chuẩn quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 28.1, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2014, bàn phương hướng triển khai năm 2015. Nhiều thông tin cho thấy việc xây dựng trường chuẩn quốc gia sẽ khó đạt mục tiêu như kế hoạch.

Nhiều trường học Hà Nội khó có thể trở thành trường chuẩn quốc gia – Ảnh minh họa: Ngọc Thắng

Thiếu tiền xây dựng
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp toàn thành phố đã hoàn thành ở mức vượt chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia mà HĐND TP đã đặt ra. Tuy nhiên, giữa các quận huyện có sự không đồng đều về mức độ hoàn thành chỉ tiêu này. Bên cạnh nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu, thậm chí vượt gấp nhiều lần thì vẫn có một số ít đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu, thậm chí ở mức không thực hiện được trường nào.
Theo các đại biểu đại diện các đơn vị này, lý do chủ yếu do khủng hoảng kinh tế nên thiếu kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn. Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng GD-ĐT H. Thạch Thất giải thích: “Năm 2014 chúng tôi đăng ký xây dựng 3 trường chuẩn quốc gia. Dù phòng chuyên môn cũng đã tích cực tham mưu cho HĐND, UBND huyện để hoàn thành chỉ tiêu này nhưng do suy thoái kinh tế, nguồn thu của huyện hạn chế nên gặp nhiều khó khăn”.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn cho biết: “Năm qua H. Sóc Sơn phân bổ ngân sách đầu năm cho mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, xây dựng trường trong đó cả xây dựng trường chuẩn chỉ có 5 tỉ đồng. Chúng tôi có gần 100 trường, chỉ mua bàn ghế không thôi đã là hết sạch số tiền đó, không còn tiền để làm trường chuẩn. Trong khi đó hệ thống trường học xuống cấp cũng rất nhiều, đặc biệt là có nhiều trường mầm non hiện nay quá tải, tới 80 trẻ/lớp. Vì thế lãnh đạo huyện phải tập trung tiền để xây dựng sửa chữa các trường học, đặc biệt là xây thêm phòng học cho các trường mầm non”.
150 trường học có nguy cơ mất chuẩn
Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thì năm 2015 là năm “về đích” của toàn thành phố trong kế hoạch 5 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia (2011-2015). Mục tiêu mà ngành GD-ĐT Thủ đô đề ra năm nay là công nhận mới 100 trường. Nếu duy trì được tiến độ như những năm qua, đây không phải là mục tiêu quá khó khăn. Tuy nhiên, nguy cơ Hà Nội sẽ khó đạt tỉ lệ 50 – 55% trường đạt chuẩn quốc gia, khi mà có đến 150 trường tuy được công nhận chuẩn quốc gia từ năm 2008 trở về trước, nhưng theo rà soát thì hiện nay có tiêu chí chưa đạt chuẩn. Những trường này nếu không kịp thời bổ sung các tiêu chí chưa đạt, để được kiểm tra thẩm định và công nhận ngay trong năm 2015 thì sẽ bị mất chuẩn.
Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội thì các thông tin về việc công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia năm 2014 không “sáng sủa” bằng việc công nhận mới. Cả thành phố chỉ có 4 đơn vị đạt chỉ tiêu đề ra, gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàn Kiếm. Còn lại đều không đạt, thậm chí có tới 8 đơn vị đạt dưới 50%. Khá nhiều huyện có hàng chục trường đã được công nhận từ năm 2008 trở về trước nhưng chỉ công nhận lại được một vài trường. Có 3 đơn vị không công nhận lại được trường nào: Quốc Oai 0/12, Sơn Tây 0/10, Ba Đình 0/8.
Trước ý kiến đề nghị năm 2015 các đơn vị được tập trung cho việc công nhận mới, hoãn việc công nhận lại đến năm 2016, bà Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: “Năm 2015 toàn thành phố phải thực hiện công nhận 100 trường mới và 150 trường đến hạn. 50 – 55% số trường đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm nay là chỉ tiêu có tính pháp lệnh, bắt buộc ngành GD-ĐT Hà Nội phải thực hiện. Nơi nào khó khăn chúng tôi sẽ đến làm việc trực tiếp để tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi tuyệt đối không chấp nhận việc nợ bất kỳ chỉ tiêu nào”.

Lê Đăng Ngọc

(TNO)

Bình luận (0)