Sau khi HS ra khỏi phòng máy tính, GV sẽ tắt hết các nguồn điện. Ảnh chụp tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4
|
Tắt các thiết bị điện không dùng, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tuyên truyền ý nghĩa tiết kiệm điện đến học sinh (HS)…, đó là những giải pháp được các trường học tích cực thực hiện trong thời gian qua.
Qua các việc làm đó ý thức sử dụng điện đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn trong mỗi HS được nâng lên.
Tiết kiệm tiền cho trường
Trước khi HS ra khỏi lớp, hệ thống đèn chiếu sáng, quạt, máy tính, các phương tiện dạy học… đều được giáo viên (GV) hay giám thị tắt hết. Những việc làm này được thực hiện nhiều năm nay tại Trường TH Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Không phải đến thời điểm này khi các ban ngành hô hào, kêu gọi người dân tiết kiệm điện thì trường mới tập trung thực hiện. Trước đó, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở CB-GV-NV trong trường cần thực hiện tiết kiệm điện ở trường như chính ở gia đình nhằm tránh lãng phí và hoạt động này đã đi vào nề nếp. Để sử dụng điện có hiệu quả hơn, các bóng đèn loại 1m2 lắp đặt trước đây, nếu hỏng thì trường sẽ thay bằng bóng điện quang tiết kiệm điện. Do đó, cuối tháng chỉ số điện giảm kéo theo tiền điện cũng ít hơn”.
Tại Trường THCS Lý Phong (Q.5), cứ đến giờ ra chơi, toàn bộ HS từ tầng 1 đến tầng 3 phải xuống hết sân trường. Giám thị sẽ đến từng phòng tắt hết các thiết bị điện như đèn, quạt…, sau đó đóng cửa lớp, khóa cửa các cầu thang để đảm bảo không còn HS trong lớp. Mỗi ngày 2 lần ra chơi (1 lần 20 phút), như thế trường có đến 40 phút không sử dụng điện và quy định này còn đảm bảo cho HS có giờ ra chơi thoải mái, an toàn. Cô Trần Thị Thu Ngân, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Thông qua cách làm trên, mỗi tháng trường tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, hệ thống bãi xe, căng tin, sân cầu lông… trường cũng lắp đồng hồ điện để các đơn vị thầu phải trả kinh phí. Chỉ khi tự đứng ra trả, các đơn vị này mới chú trọng sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm”.
Theo cô Thu Ngân, không cho HS chơi trong lớp còn nhằm đảm bảo an toàn cho các em. Vì các em rất hiếu động, nếu chơi trong lớp khó lường tránh được những sự cố ngoài ý muốn.
Nâng cao ý thức dùng điện cho HS
Trường học là một trong những đơn vị có nhiều phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện để phục vụ dạy học như: Quạt, đèn, màn hình LCD, máy tính, bảng tương tác, máy chiếu hoặc máy lạnh… khiến cho lượng điện tiêu thụ hàng tháng ở các đơn vị này rất cao. Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của thành phố, hộ gia đình và trường học chiếm 40% tổng điện năng tiêu thụ.
Cô Trần Thị Lan, Hiệu trưởng Trường TH Đoàn Thị Điểm (Q.4), cho rằng điện là phương tiện gắn liền với nhu cầu thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của con người. Trong trường học, điện không chỉ phục vụ giảng dạy mà còn phục vụ cả những giờ sinh hoạt của HS, đặc biệt là giờ nghỉ trưa của HS bán trú. Do đó, điện sử dụng rất nhiều và thường xuyên, chỉ khi HS ra khỏi trường thì hệ thống điện mới ngưng hoạt động hoàn toàn. Vì vậy, việc sử dụng điện đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm luôn được các trường đề cao vì nhiều ý nghĩa khác nhau.
Cô Lan cho biết thêm, hàng tháng trường trả gần 10 triệu đồng tiền điện. Mặc dù gần đây giá điện tăng, thời tiết nắng nóng nhưng tiền điện không tăng nhờ các hình thức tiết kiệm. Cụ thể trong giờ học hay ra chơi, các thiết bị như máy tính, đèn, quạt…, nếu không cần thiết thì GV sẽ tắt. Khi GV và HS ra về hết, bảo vệ có nhiệm vụ ngắt cầu dao tổng để đảm bảo điện được tắt hết và đảm bảo an toàn, phòng tránh cháy nổ. Song song đó, trường còn tích cực lồng ghép các bài giảng về sử dụng điện an toàn cho HS trong giờ sinh hoạt lớp hoặc sinh hoạt dưới cờ…
Bài, ảnh: N.Trinh
Nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn
Cô Trần Thị Lan, Hiệu trưởng Trường TH Đoàn Thị Điểm, cho biết: Đối với trường học, tiền điện lấy từ kinh phí tự chủ; nếu hàng tháng, tiền điện giảm sẽ góp phần tăng thu nhập cuối năm cho CB-GV-NV trong trường. Riêng với HS, mặc dù các em chưa phải chịu trách nhiệm giám sát, tắt thiết bị điện nhưng được GV trang bị kỹ năng sử dụng điện thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ sẽ nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm không chỉ trong nhà trường mà còn ở gia đình. Ngoài ra, các em cũng chính là đối tượng để tuyên truyền hành động đẹp này cho người thân trong gia đình và mọi người xung quanh.
|
Bình luận (0)