Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chọn môn thi THPT quốc gia: Môn sử vẫn “ế”

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học của HS lớp 12 tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (Cần Thơ)
Đến thời điểm này, học sinh (HS) lớp 12 đã đăng ký xong môn tự chọn cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Theo ghi nhận của Giáo dục TP.HCM, các em chỉ chọn thi tối đa 5 môn.
TP.HCM: Chọn 5 môn thi
Sau 2 tuần chính thức triển khai cho HS lớp 12 đăng ký hồ sơ tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã có những số liệu thống kê ban đầu về việc lựa chọn môn thi của HS. Một số trường đã tổ chức hướng dẫn, tư vấn cho HS lựa chọn những môn thi phù hợp với năng lực của các em. Tuy nhiên, quyền lựa chọn vẫn là của HS nên trong quá trình khai hồ sơ, các em vẫn được thay đổi môn thi theo nhu cầu và nguyện vọng của mình.
Thống kê tại một số trường cho thấy, ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ, các môn được HS chọn nhiều nhất là lý, hóa và địa. Tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, có 283/621 HS chọn môn lý, môn hóa có 162 em chọn, còn môn địa có 154 em chọn. Hai môn có ít HS chọn là sinh với 14 em và sử với 9 em. Trong khi đó Trường THPT Bùi Thị Xuân có 602 HS lớp 12 thì 338 em chọn môn lý, 165 em chọn môn hóa, 81 em chọn môn sinh. Hai môn sử và địa chỉ có 18 em chọn thi để xét tốt nghiệp. Tương tự, Trường THPT Hùng Vương có thứ tự chọn môn thi lần lượt là lý, hóa, sinh, địa và sử.
Về số lượng môn thi, đa số HS đều chọn 4-5 môn dựa theo khối thi/tổ hợp bộ môn để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thống kê tại Phòng học vụ Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho thấy, trong tổng số 953 HS lớp 12, có 422 em đăng ký thi 4 môn, 330 em thi 5 môn và 201 em thi 6 môn. Trường THPT Phan Đăng Lưu có 229 HS đăng ký thi 4 môn và 207 em thi 5 môn. Trường THPT Trí Đức có 345 HS thì có 96 em đăng ký thi 4 môn, 229 em thi 5 môn và 20 em thi 6 môn.
Tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, bà Nguyễn Yên Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết do HS trong trường được phân ban từ khi vào trường nên các môn thi mà các em chọn vẫn thuộc khối A, A1, B và D1.
Hà Nội: Môn sử bị “ế”
Theo ghi nhận, tại Hà Nội, đa số HS không chọn các môn xã hội để làm môn lấy điểm tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh, môn thi được nhiều HS trong trường chọn nhất ngoài 3 môn bắt buộc là lý (chiếm 90%). Toàn trường chỉ có 1 HS chọn môn sử, riêng hai môn địa và sinh có khoảng 50 em chọn. Tương tự, bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho hay nhà trường đã tiến hành khảo sát chọn môn thi của HS từ đầu học kỳ 2, tuy nhiên vẫn có HS đến thời điểm này thay đổi nguyện vọng so với trước đó. Theo đó, ngoài 3 môn bắt buộc thì môn thứ 4 các em chọn là lý, tiếp đến là hóa, địa, sinh và sử.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, cho biết 100% HS của trường đều dự thi với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, các em chỉ đăng ký thi 4-5 môn, không có HS đăng ký quá nhiều môn. Còn ông Dương Văn Thuần, Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong – trường ở khu vực ngoại thành Hà Nội – cho hay: Môn lý, hóa có khoảng 40% HS chọn, tiếp đến là địa 30%. Môn sinh có khoảng 14%, còn sử chỉ có 8%…
Cần Thơ: 4 trường không có HS chọn thi sử

HS lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can, TP.HCM đăng ký chọn môn thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Khôi
Theo thống kê tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, ngoài 3 môn thi bắt buộc, môn tự chọn được HS “chấm” nhiều nhất là địa (207 HS/335 HS), kế là hóa (99 em), lý (87 em). Đây là trường THPT dẫn đầu Cần Thơ về số HS chọn môn địa. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Số liệu này là kết quả khảo sát lần thứ 3 của trường. Hai lần trước môn lý và hóa là lựa chọn hàng đầu của HS. Nhưng từ khi Bộ GD-ĐT chủ trương cho mang bảng Atlat vào phòng thi kết hợp với sự tư vấn của Ban Giám hiệu, các em đã thay đổi, tập trung chọn môn địa”.
Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa có 169 HS/506 HS lớp 12 chọn môn lý, kế đến là môn địa (166 em). Ông Bùi Duy Minh Trí, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đa số HS đăng ký thi ĐH theo khối A, B vì có nhiều cơ hội trúng tuyển và nhiều ngành nghề để lựa chọn hơn. Ngoài toán là môn thi bắt buộc, các em đầu tư thêm môn lý, hóa hoặc sinh là tạm đủ hành trang để bước vào kỳ thi”.
Trong khi đó Trường THPT Phan Ngọc Hiển có 204 HS/607 HS lớp 12 chọn thi môn lý, môn hóa có 211 em chọn, kế đến là môn địa có 98 em chọn… Trong tổng số 674 HS lớp 12 của Trường THPT Thốt Nốt, hơn 85% đăng ký thi ĐH khối A, B nên chỉ có 139 em chọn thi môn địa.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Cần Thơ, năm học này toàn thành phố có 8.506 HS lớp 12, trong đó môn lý được HS chọn nhiều nhất với 3.360 em, kế đến là môn hóa (2.525 em), môn địa có 2.174 em, môn sinh có 2.024 em. Bà Lê Thị Thùy Dung, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Cần Thơ), cho hay: “Số đông HS chọn môn thi trắc nghiệm, ngoài lý do thi ĐH theo khối A, B còn có nguyên nhân: Đối với những HS có sức học trung bình hoặc yếu, các em chọn môn thi trắc nghiệm để dù không làm bài được nhưng chỉ cần tô đen bất kỳ ở phần trả lời trên bài thi thì ít nhất cũng được 25% điểm. Còn bài thi tự luận, không có kiến thức để làm bài thì kể như không có điểm”.
Cũng như các năm trước, sử là môn tự chọn ít nhất, ngay hệ GDTX cũng chỉ có 265/806 học viên đăng ký thi môn này. Với hệ phổ thông, sử là môn đứng cuối bảng khi chỉ có 467 HS/8.506 HS chọn. Ngay như Trường THPT Trần Đại Nghĩa có 70 HS đăng ký thi ĐH khối C, nhưng chỉ 36 em chọn thi môn sử. Đặc biệt, có 4 trường không có HS chọn môn sử, gồm: Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT, THPT Thái Bình Dương, THPT Quốc Văn và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đà Nẵng: Đăng ký theo khối thi ĐH
Nhìn chung sự lựa chọn môn thi của HS vùng ngoại thành ở Đà Nẵng có khác so với HS nội thành. Đó là, nếu như đa số HS các trường ở nội thành chọn mônhóa và lý thì HS một số trường ngoại thành lại chọn môn sinh, địa. Riêng môn sử vẫn nằm trong số ít các sự lựa chọn, đa số HS chọn môn này để xét tuyển các ngành học khối C. Ông Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho biết: Toàn trường có 958 HS lớp 12, trong đó có 501 em chọn thi môn lý, 399 em chọn môn hóa, 104 em chọn môn địa, 66 em chọn môn sinh và thấp nhất là môn sử chỉ có 8 HS chọn.
Ở các trường nội thành như THPT Phan Châu Trinh, THPT Nguyễn Hiền, số HS đăng ký môn tự chọn đa số nghiêng về môn tự nhiên. Cụ thể, Trường THPT Phan Châu Trinh có 731 HS chọn môn lý (chiếm gần 60% tổng số HS toàn trường); môn hóa có 439 em chọn; môn địa có 167 em chọn; môn sinh có 127 em chọn và môn sử chỉ có 10 em chọn. Tương tự, Trường THPT Nguyễn Hiền có 352 HS chọn môn lý; môn hóa có 248 em chọn; môn địa có 90 em chọn; môn sinh có 40 em chọn và môn sử chỉ có 10 em chọn…
Theo ban giám hiệu các trường, trong quá trình đăng ký môn tự chọn để ôn thi, HS có thể thay đổi ý định, đăng ký lại, tùy theo năng lực thực tế của các em.
Nhóm PV
“HS học lớp chuyên địa cũng không chọn môn địa để lấy điểm xét tuyển ĐH. Đa số các em đều thi khối D, do đó chỉ chọn môn địa là môn điều kiện để xét tốt nghiệp THPT”, bà Bùi Thị Nhiệm, giáo viên môn địa Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho biết.
 

Bình luận (0)