Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học nghề nào cũng có cơ hội phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyên gia tư vấn giải đáp thắc mắc cho các học viên tại phần tư vấn riêng
“Các học viên nên căn cứ vào sở thích, đặc biệt là năng lực để chọn nghề phù hợp, không phải học ĐH mới thành công mà còn nhiều con đường khác…”. Đó là lời khuyên của các chuyên gia tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Học nghề, bước kế tiếp cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại Trung tâm GDTX Q.12.
Học viên lo đề thi khó
Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, các học viên Trung tâm GDTX Q.12 đã làm thử, nhưng nhiều môn giải chưa được 50% nội dung đề.
“Đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT em thấy rất khó, đặc biệt là ở môn toán. Những bài toán này em nghĩ học sinh phổ thông sẽ làm được nhiều hơn, còn em làm được một phần rất nhỏ, khoảng 2 điểm. Vì vậy, em khá lo lắng cho kỳ thi, chỉ mong đỗ tốt nghiệp THPT, còn vào ĐH, CĐ thì em không dám nghĩ đến”, học viên Nguyễn Ngọc Kiều Vy (lớp 12A3) chia sẻ. Cùng tâm trạng này, học viên Trần Đức Thông (lớp 12A8) cho hay: “Em đã thử làm hết các môn thì thấy môn toán và môn sinh khó nhất, chỉ làm được 30%. Vì vậy có lẽ em không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ mà sẽ xét tuyển vào trường nghề”.
Nhận xét về đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, ông Lâm Sơn Trung, Phó giám đốc Trung tâm GDTX Q.12, cho biết: “Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, nhiều học viên lo lắng vì thấy đề quá khó so với sức học của các em. Quả thật, đề thi không chỉ dành để xét tốt nghiệp THPT mà còn xét vào ĐH, CĐ nên độ phân hóa cao. Trong khi đó, sức học của học viên chỉ ở mức trung bình khá nên các em cảm thấy đề rất khó là đương nhiên. Theo số liệu đăng ký ban đầu các môn thi THPT quốc gia, có khoảng 60% học viên của trung tâm đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ; nhưng khi làm thử bộ đề thi, tôi nghĩ số lượng này sẽ thay đổi, một số em sẽ chọn thẳng vào trường nghề”.
“Nắm tay nghề, chắc tương lai”
Những lợi thế của học nghề
Ông Lê Dũng, Trưởng khoa CĐ thực hành Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: Học CĐ nghề các em chỉ mất khoảng 2,5-3 năm đào tạo, học TC thì thời gian đào tạo ngắn hơn. Các trường nghề chuyên đào tạo kỹ năng thực hành hơn là lý thuyết (thông thường là 75% thời gian thực hành) để khi ra trường, các em có thể làm được việc ngay. Trong khi đó, các trường ĐH thời gian thực hành ít hơn, nhiều nhất là 50%, còn 50% là lý thuyết. Hiện nay xã hội đang thừa thầy thiếu thợ, nhiều doanh nghiệp cần có thợ lành nghề để tham gia sản xuất ngay. 
Nhiều chuyên gia nhận định, ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công mà còn nhiều con đường khác để vào đời. Doanh nghiệp tuyển dụng lao động hiện không coi trọng bằng cấp mà quan trọng là kỹ năng nghề.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Thị trường lao động luôn mở rộng, các em không nhất thiết vào ĐH mà phải chọn được ngành nào, trường nào phù hợp với sức học của mình. Để vững chắc trong tương lai, người lao động nhất thiết phải hội đủ 3 yếu tố là kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng nghề (giao tiếp, làm việc nhóm) và năng lực ngoại ngữ. Nếu chọn học nghề ở các trường TCCN, CĐ nghề hay TC nghề thì các em vẫn có thể đi đường vòng vào ĐH bằng liên thông”.
Đồng tình với ý kiến này, ThS. Trần Hải Nguyên, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chia sẻ: “Học ở cấp bậc nào, ngành nghề nào các em cũng có cơ hội phát triển. Quan trọng là các em phải hiểu được niềm đam mê, năng lực của mình, thị trường lao động trong tương lai cũng như xác định mục tiêu rõ ràng cho bản thân như sau 3 năm hay 5 năm nữa sẽ làm được gì”.
Trong khi đó ông Dương Duy Khải, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay: “Không phải có trình độ ĐH thì người lao động mới phát triển được. Hiện nhiều học sinh chỉ học TC, CĐ nghề đã được doanh nghiệp tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp ĐH vẫn thất nghiệp hoặc chán nghề. Chẳng hạn, một nhân viên văn thư có bằng ĐH nhưng suốt ngày chỉ đứng đóng dấu, trong khi công việc đó chỉ cần học CĐ, TC nên việc chán nghề có thể xảy ra ngay”.
Bài, ảnh: Minh Châu
 
Em xin hỏi ngành Đông Nam Á học gì? Phương thức tuyển sinh như thế nào? (Một học viên nữ hỏi)
– ThS. Trần Hải Nguyên, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trả lời: Khi học ngành Đông Nam Á, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức văn hóa, xã hội, kinh tế… của các nước trong khu vực; đồng thời chọn một ngôn ngữ của một đất nước thuộc khối Đông Nam Á để học. Ngành này có 2 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển điểm trung bình 3 năm học THPT của 3 môn thuộc khối xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên và xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia.

 

Bình luận (0)