Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngăn chặn nạn học thuê – thuê học trong sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Chị gái tôi hôm nọ phàn nàn về việc học hành của cô con gái (là sinh viên năm thứ 2 của một trường CĐ ở miền Trung). Chị than thở: “Cậu ơi, sinh viên bây giờ phát sinh nhiều khoản thế? Lại còn cả chuyện thuê học mới lạ. Mỗi tháng chị cho cháu 3 triệu đồng, nhưng trong đó tiền thuê học đã hơn 200 ngàn đồng”. Tôi thắc mắc thì chị giải trình thêm: “Cháu đang tập trung ôn ở trung tâm để thi nốt môn ngoại ngữ còn bị nợ kỳ trước nên tháng vừa rồi cháu bỏ mất 3 buổi học và phải nhờ một bạn cùng lớp đi học hộ, mỗi buổi như vậy là 70 ngàn đồng trả cho bạn”. Tôi không tin, mới đầu cứ nghĩ rằng cháu bịa ra chuyện này để vòi tiền mẹ. Để cho chắc chắn, tôi liên hệ với một cháu cũng đang là sinh viên cùng trường, cháu này khẳng định: Đó là chuyện bình thường, thậm chí có tháng cháu về quê thăm nhà nên bỏ mất 7 buổi và đành phải thuê bạn học, mỗi buổi là 70 ngàn đồng. Nếu không, khi giảng viên điểm danh mà vắng quá 20% tổng số tiết cho mỗi học phần thì sinh viên sẽ không được dự thi môn đó, không được khen thưởng, thậm chí còn bị xét kỷ luật, nặng là đình chỉ một năm… Có lẽ, chuyện thuê học mất tiền là chuyện hiếm. Chúng ta vẫn thường nghe chuyện thuê thi hộ ở các lớp tại chức, hay tuyển sinh ĐH, CĐ… chứ mấy khi lại nghe chuyện thuê người khác học hộ cho mình và phải trả bằng một số tiền nhất định.
Theo tôi, các trường ĐH, CĐ cần chấn chỉnh lại tình trạng học thuê và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp này (cả người thuê và người đi học thuê). Tình trạng này cũng cho thấy rằng việc quản lý, duy trì sĩ số sinh viên ở các trường ĐH, CĐ còn hết sức lỏng lẻo. Thực tế, việc điểm danh có cũng như không, điểm danh xong thì sinh viên lại trốn về, vì thế dẫn đến tình trạng đầu buổi học thì đủ, giữa buổi thì vắng teo… Nhà trường cần giáo dục cho sinh viên ý thức rõ hơn về trách nhiệm trong việc học tập, rèn luyện, qua đó nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành quy chế giáo dục và đào tạo. Đừng để việc học thuê, thuê học không những ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo, mà còn ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, ý thức của sinh viên khi đang ngồi trên giảng đường. Hãy thực hiện tốt phong trào học thực chất, thi thực chất, đánh giá thực chất.n
Nguyễn Văn Công (Đồng Nai)

Bình luận (0)