Trước tình hình một số ngành thuộc khối Nông lâm ít được thí sinh quan tâm trong các năm vừa qua, các trường Nông lâm đang phải tính toán nhiều phương án để cứu vãn tình hình, thậm chí là đề nghị miễn học phí.
Mùa tuyển sinh năm 2009, nhiều ngành học tại ĐH Nông lâm TPHCM tuyển sinh viên chỉ bằng mức điểm sàn: Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Cơ khí nông lâm, khối A các ngành Bảo vệ tài nguyên rừng, Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp…
Nhưng trước nhu cầu của thực tế, các ngành này vẫn cần tồn tại để đào tạo ra các cử nhân chuyên trách. Ít ai biết rằng, để duy trì các ngành học này, góp phần đào tạo cho xã hội những cử nhân chuyên trách, không làm thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ kỹ sư Nông lâm, trường ĐH Nông lâm TPHCM đã phải oằn mình để duy trì.
Th.S Nguyễn Vĩnh An – Trưởng phòng đào tạo ĐH Cần Thơ – thừa nhận về sự thiếu hấp dẫn của một số ngành học khối Nông lâm trong trường.
Trong khoảng 3.000 hồ sơ đăng ký dự thi trực tiếp vào trường trong năm nay, số lượng thí sinh chọn khối B (vào cả các ngành Nông lâm) chiếm số lượng rất ít so với thí sinh đăng ký khối A.
Là trường đào tạo nhiều kỹ sư nông nghiệp cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng nhiều năm gần đây, số lượng thí sinh quan tâm đến các ngành này đang bị sụt giảm nghiêm trọng.
“Tất cả cũng xuất phát từ tâm lý thí sinh ngại chân lấm tay bùn, trong khi khu vực ĐBSCL là khu vực nông nghiệp quan trọng nhất nhì của cả nước. Đa số những ngành phải tuyển NV2 của ĐH Cần Thơ trong các năm vừa qua đều thuộc khối ngành Nông lâm” – ông Nguyễn Vĩnh An nói.
Mùa tuyển sinh năm 2009, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên có 13.000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có khoảng 1.600 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Điểm chuẩn NV1 của trường hầu như không có ngành nào vượt lên trên điểm sàn của Bộ. Trường gọi 100 thí sinh nhập học nhưng chỉ được vài chục sinh viên, thậm chí có ngành không tuyển được sinh viên nào.
Trường ĐH Tây Nguyên mở mỗi ngành một lớp với 80 sinh viên nhưng thường chỉ có khoảng 20 – 30 sinh viên. Trong khi đó, ngành Chăn nuôi thú y chỉ có 10 sinh viên theo học.
Năm 2009, ngành Khoa học Đất trường ĐH Nông nghiệp 1 chỉ có hơn 10 thí sinh đăng ký. Ngành Sư phạm Kỹ thuật tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ có 50 sinh viên nhập học. Ngành Cơ khí tuyển 3 lớp nhưng chỉ được 1 lớp.
Ngành Công thôn của trường này đã phải khai tử sau 4 năm liền không mở nổi lớp do quá ít sinh viên. Năm 2007 chỉ có ba thí sinh nhập học. Năm 2008, duy nhất một em tới làm thủ tục. Năm 2009, trường phải quyết định đóng cửa ngành…
Miễn học phí?
Trước tình trạng càng ngày các khối ngành này càng ít thí sinh quan tâm đến, các trường buộc phải tính toán nhiều giải pháp khác để thu hút thêm thí sinh.
Theo thông tin của chúng tôi, tại cuộc họp kế hoạch tài chính của các trường khối Nông lâm, đã có ý kiến đề nghị xin miễn học phí đối với một số ngành học để hấp dẫn hơn với các thí sinh.
Theo TS. Trịnh Trường Giang – Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TPHCM, việc này vẫn khó thuyết phục vì hiện nay chưa có số liệu đầy đủ về việc SV ra trường có việc làm. Ngành Sư phạm được miễn học phí bởi tất cả SV ra trường đều làm việc tại các cơ sở nhà nước.
Trong các cuộc họp với Bộ NN&PTNT, trường cũng đề đạt nhiều nguyện vọng về việc cần có chính sách đầu ra cho các em, để từ đó tạo nên sự hấp dẫn cho đầu vào của các ngành này. Đây là vấn đề có tính chất bức thiết trước thực tế là nhiều ngành học ngày càng khó khăn trong việc thu hút thí sinh vào học.
Theo Th.S Nguyễn Vĩnh An – Trưởng phòng đào tạo ĐH Cần Thơ, trường sẽ miễn học phí cho SV vào các ngành này với điều kiện được Nhà nước bù lỗ.
Theo ông Nguyễn Vĩnh An, các trường khối ngành Nông lâm đều là ĐH công lập, học phí vốn dĩ đã thấp. Nếu miễn, giảm học phí, các trường sẽ càng khó khăn hơn trong kế hoạch ngân sách của mình.
Đăng Khoa / TPO
Bình luận (0)