Các em học sinh trong giờ học tin học |
45 phút ngồi trên lớp chỉ lắng nghe cô giáo giảng thật là khoảng thời gian dài và nặng nề. Vậy làm sao khắc phục tâm lý chán nản và ngắt những cơn buồn ngủ “bủa vây” học sinh (HS)? Làm sao giúp các em hứng thú với môn học là điều mà mỗi giáo viên lên lớp rất quan tâm. Chúng tôi đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhiều thầy cô giáo có nhiều thành tích và kinh nghiệm trong giảng dạy. Sau đây là những tổng kết của chúng tôi về vấn đề “làm sao để có tiết dạy hay và hiệu quả?”.
Hãy để HS nói lên suy nghĩ
Trước đây, HS đã quen tiếp thu kiến thức theo hướng một chiều “thầy nói gì trò ghi đó”. HS rất thụ động và nảy sinh tâm lý chán nản khi học. Vì thế các thầy cô phải làm sao xóa sức ì cho HS trong quá trình học tập trên lớp. Các thầy cô nên biến tiết học thành một tiết trao đổi kiến thức giữa thầy và trò. Thầy nắm vai trò khởi xướng, đánh giá và bổ sung những vấn đề mà HS chưa phát hiện hay nhận xét chưa đúng. Phần phát hiện vấn đề, phân tích và đánh giá ban đầu nên dành cho HS. Hãy để các em nói lên những điều mình suy nghĩ. Sự tranh luận tạo nên không khí thoải mái, sôi động cho giờ học. Điều này không chỉ kích thích khả năng tư duy độc lập của HS mà còn xua tan cơn buồn ngủ cho các em. Đồng thời, khi các em phát hiện ra vấn đề dù sai hay đúng cũng tạo ở các em sự hứng thú và tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Các em tiếp nhận kiến thức theo cách hiểu của mình, không gò bó, khuôn khổ. Các em sẽ nhớ dai và hiểu rất sâu về môn học. Đặc biệt phương pháp dạy này được các giáo viên áp dụng rất nhiều trong lớp bồi dưỡng HS giỏi. Các thầy cô cho rằng “hãy để các em nói về môn học sẽ tốt hơn thầy cô nói về chúng”.
Hãy cho HS tiếp xúc thực tế
Thực tế là kho tàng kiến thức bất tận của mỗi người. Chính vì vậy, nhà trường nên tạo nhiều điều kiện cho HS tham quan thực tế. Thực tế sẽ giúp các em có sự nhìn nhận xác đáng về kiến thức được tiếp thu trên lớp. Các em sẽ thấy những điều thú vị và ham muốn khám phá môn học. Đồng thời khi tham quan thực tế còn giúp các em khám phá những điều mới lạ mà sách giáo khoa chưa cung cấp và bổ sung kiến thức còn thiếu mà 45 phút thầy cô chưa thể nói hết. Đặc biệt các môn xã hội như lịch sử, địa lý, sinh học, văn học… cần phải cho các em quan sát rất nhiều. Bởi các môn học này theo nhiều HS là khô khan, phải học bài nhiều và khó nhớ. Chính thế giới sinh động, biến hóa khôn lường của thực tế xã hội sẽ làm cho các em luôn băn khoăn, trăn trở “tại sao nó lại như thế?”. Có câu hỏi đó, các em sẽ muốn tự mình tìm hiểu, khám phá, giải đáp thắc mắc. Từ đó các em tự vận động, nghĩ ra nhiều câu hỏi để chất vấn giáo viên ở các tiết học. Chính sự trao đổi qua lại giữa thầy và trò làm tiết học thêm sôi động và hiệu quả hơn rất nhiều trong việc giúp HS nắm bắt và hiểu thật sâu bài học. Ngoài ra, thực tế làm cho bài giảng của giáo viên thêm phong phú và xóa dần tư tưởng “kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là những kiến thức suông” ở HS.
Tạo cho HS niềm say mê môn học
Say mê là yếu tố không thể thiếu giúp HS học tốt các môn học. Khi say mê các em sẽ thích khám phá những điều hay ở môn học. Từ đó, các em không có cảm giác chán nản khi nghe thầy giảng bài. Khi ấy, mỗi kiến thức thầy nói đều rất quan trọng, cần phải nghe và tìm hiểu thật kỹ. Theo các thầy cô, khoảng 90% HS học rất tốt các môn mà các em yêu thích. Vậy để các em thấy hứng thú với môn học thì mỗi thầy cô nên tạo cho các em sự yêu thích môn học. Để làm được điều đó không phải là đơn giản. Trước tiên, các em phải xóa dần tâm lý phân biệt giữa môn chính và môn phụ, vì đây là nguyên do khiến các em lơ là với những môn mà các em cho là phụ. Tâm lý ấy sẽ làm cho tiết học rất nhàm chán. Các em thụ động và tiếp tục lặp lại lối mòn “thầy nói gì trò ghi nấy”. Thầy cô thường xuyên nhắc nhở các em môn học nào cũng đều quan trọng và phải tạo cho các em áp lực “không học môn này không được”. Và thầy cô cũng nên đem thực tế vào quá trình dạy để minh chứng điều mình đang nói, tạo cho bài giảng thêm phong phú, thu hút hơn.
Để có tiết học hay, hiệu quả và kích thích các em yêu thích, chịu phát biểu ý kiến là phụ thuộc phần lớn ở tài “cầm trịch” của mỗi giáo viên.
Hoàng Phương
Bình luận (0)