Vất vả khi đến lớp
Trừ các trung tâm GDTX cấp TP như Lê Quí Đôn và Chu Văn An, tất cả các trung tâm GDTX quận huyện đều có các lớp phổ cập. Do cơ sở vật chất các đơn vị GDTX quá thiếu thốn nên các lớp phổ cập phải “ăn nhờ ở đậu” tại các điểm trường TH hoặc THCS trong quận huyện. Ngoài cơ sở chính ở số 10 đường Vũ Tùng phường 2, trung tâm GDTX quận Bình Thạnh còn mở các lớp phổ cập tại Trường TH Phù Đổng, TH Hà Huy Tập, THCS Thanh Đa. Mạng lưới “chân rết” này được mở rộng đã khắc phục được những khó khăn trước mắt về chuyện thiếu trường thiếu lớp. Đây còn là cách đưa lớp học đến với người dân giảm bớt khoảng cách từ nhà ra trường cho đối tượng học viên. Tuy nhiên người gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất lại là anh em giáo viên. Trước đây thời gian họ đi dạy chỉ mất 15 phút nay phải mất nửa tiếng vì đường từ nhà ra lớp xa hơn. Khó khăn nhất vẫn là một số huyện ngoại thành quận vùng ven chưa có đường rải nhựa, nhiều lúc giáo viên đi dạy phải lội sình khi mùa mưa tới, hứng bụi trong những ngày nắng ráo.
Giáo viên phổ cập đa số là kiêm nhiệm, ban ngày dạy BTVH tại trung tâm GDTX nhưng do yêu cầu của đơn vị, tối phải “ôm” luôn các lớp phổ cập. Biết là vất vả khó khăn nhưng không thể bỏ được. Hầu hết các lớp phổ cập đều học buổi tối nên dù ban ngày đã làm việc mệt nhọc nhưng giáo viên phổ cập vẫn không được nghỉ ngơi phải bám trường bám lớp đến cùng. Thế nhưng không phải hôm nào đến lớp cũng có đủ học viên. Không phải các em bỏ học mà do đi làm về trễ nên 18 giờ 30 phút mà sĩ số trong lớp chỉ được một nửa. Vì thế, nếu các lớp ban ngày học sinh chờ giáo viên thì ở các lớp phổ cập giáo viên phải chờ học viên đến lớp. Ngoài ra, một số học viên chưa có ý thức cao về chuyện học hành có khi đến trường rồi nhưng không chịu vào lớp. Thế là ngoài chức năng giảng dạy họ còn kiêm thêm công tác chủ nhiệm và giám thị, nhắc nhở động viên các em vào lớp học. Chương trình học cũng phải đủ bảy môn như các lớp BTVH, thi tốt nghiệp THPT không có một ưu tiên đặc cách gì cho các lớp phổ cập cả. Vì thế giáo viên cũng phải nỗ lực dạy để đảm bảo chất lượng cho đầu ra mặc dù đầu vào “vốn liếng” chẳng có là bao.
Tiền lương quá thấp
Không thể ai tin được khi được biết tiền bồi dưỡng cho một tiết dạy phổ cập theo qui định chỉ có 5 ngàn đồng. Tuy nhiên khi quy định đó đến các quận huyện, Phòng GD không thể làm ngơ và được nâng lên 10 đến 12 ngàn đồng/tiết cho các lớp THCS và 15 đến 17 ngàn đồng/tiết cho các lớp THPT. Nếu tính ra thì số tiền đó đã được tăng thêm gấp 2 đến 3 lần. Tuy nhiên so với mặt bằng giá cả thì đồng lương đó chưa tương xứng với công sức các thầy cô làm công tác phổ cập bỏ ra hàng ngày. Trừ số giáo viên văn, toán được xếp thời khóa biểu 2 tiết/ buổi còn lại các môn sử địa sinh hóa có buổi chạy xe từ nhà đến trường gần cả chục km chỉ để dạy một tiết học giá chỉ bằng một lít xăng để đi về. Nhìn vào bảng lương của giáo viên phổ cập người nào “đụng trần” cũng chỉ được 500 ngàn/tháng. Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Trung tâm quận Bình Thạnh nhìn nhận, biết là đồng lương kiêm nhiệm nhưng thật sự vẫn chưa xứng đáng với công sức mà thầy cô đã bỏ ra cho công tác phổ cập của quận nhà và sự nghiệp giáo dục. Cũng giống như các trung tâm khác, Ban giám đốc nơi đây luôn đồng cảm và trăn trở với những vất vả, khó khăn mà đội ngũ giáo viên phổ cập đang âm thầm gánh chịu. Chính vì thế từ đầu năm 2008, Phòng GD quận Bình Thạnh đã quyết định hỗ trợ thêm 2 ngàn đồng cho mỗi tiết học. Tuy số tiền không lớn nhưng đây chính là thể hiện sự quan tâm của Phòng GD quận đối với công tác phổ cập giáo dục và đội ngũ anh chị em giáo viên đứng lớp phổ cập.
Cũng giống như ông Nguyễn Đức Thuận, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban chỉ đạo PCGD – CMC quận 9 đánh giá: “Người làm công tác PCGD – CMC phải có lòng yêu thương sự cảm thông chấp nhận hy sinh thiệt thòi vì tương lai các em. Vai trò của giáo viên chuyên trách, giáo viên tham gia dạy lớp phổ cập ngoài trách nhiệm còn có tấm lòng. Đây cũng chính là yếu tố góp phần rất lớn đem đến hiệu quả cho công tác PCGD – CMC trong thời gian qua”.
Phan Ngọc Quangtc "Phan Ngoïc Quang"
Bình luận (0)