Đầu năm học, tôi được ban giám hiệu phân công chủ nhiệm lớp 2A. Buổi đầu tiên nhận lớp, tôi bước vào lớp, nhìn quanh học sinh một lượt. Bỗng ánh mắt tôi dừng lại ở phía cuối lớp. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy một học sinh cao, to ngồi ở đó. Tôi cứ tưởng là em ngồi nhầm lớp. Nhưng không, em chính là em học sinh mà tôi sẽ đảm nhận phụ trách. Xem lại hồ sơ của em, tôi mới biết em là một học sinh cá biệt: lưu ban đến ba năm liền. Ở lứa tuổi của em các bạn đã sắp bước qua ngưỡng cửa của lứa tuổi học sinh tiểu học. Chỉ còn duy nhất mình em là tụt lùi lại một quãng đường quá xa. Giờ đây em phải ngồi chung ghế với những em nhỏ tuổi hơn mình để ôn lại bài học cũ mà em đã trải qua.
Trong buổi khảo sát chất lượng đầu năm, tôi gọi em lên đọc bài, em đọc cứ ngắc ngứ. Đến những chữ khó, em phải đánh vần rồi mới đọc được. Những phép tính cộng, trừ em phải xòe cả hai bàn tay rồi mới tính được. Suốt cả đêm hôm ấy, hình ảnh của em cứ chập chờn trước mắt tôi. Em dang hai tay và vẫy gọi tôi: “Cứu em với, thầy ơi”. Biết bao nhiêu câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu tôi: Liệu có cách nào giúp em biết đọc thông, tính thạo hay không?
Cuối buổi học ngày hôm sau, tôi quyết định gọi em ở lại với tôi. Tôi tìm hiểu về hoàn cảnh của em. Rồi em rụt rè kể cho tôi nghe: Em có hai anh em. Bố em đã mất từ khi em còn nhỏ, em chưa biết rõ bố em là ai. Hằng ngày, mẹ em lên rẫy theo nước, nhổ cỏ lúa, làm thuê cho người ta để kiếm tiền nuôi hai anh em của em ăn học. Hiện tại, hai anh em của em ở với bà ngoại.
Thế rồi tôi nhẹ nhàng bảo với em: “Mẹ em vất vả nuôi cho em ăn học. Mẹ em tảo tần cũng vì em, mong sao con mình được bằng bạn bằng bè. Mẹ hi sinh cả cuộc đời vì em. Lẽ nào, đáp lại công ơn của mẹ, ngày nào em cũng mang về tặng mẹ điểm 1, điểm 2?”.
Nói đến đây, tôi thấy đôi mắt em ngấn đỏ rồi em trả lời với tôi: “Thưa thầy, không hiểu vì sao em học mà nó cứ quên hoài”.
Đến mấy ngày hôm sau, trong giờ tập đọc, tôi gọi em đứng dậy đọc bài. Tôi không cho em đọc cả câu như những em khác mà tôi cho em đọc từng từ, từng cụm từ. Những cụm từ nào khó đọc, tôi cho em đọc nhẩm. Sau khi em đọc xong, tôi động viên em: “Em cố gắng đọc trơn xem nào?”. Cuối cùng rồi em cũng đọc được. Tôi cho cả lớp vỗ tay khen ngợi em, tôi thấy em nhoẻn miệng cười thích thú. Ngày nào cũng vậy, tôi lại rèn đọc cho em vào giờ ra chơi, những buổi học bốn tiết, buổi sinh hoạt tập thể cuối tuần… Những hôm nào tôi bận, tôi nhờ một học sinh giỏi kèm giúp cho em. Dần dần em đọc được cả câu, rồi đến đoạn và cả bài. Mỗi lần em đọc được bài, cả lớp khen ngợi em, em thích lắm. Bây giờ, em lại thích đọc bài trước lớp.
Đối với các bảng cộng, trừ, trước tiên tôi cho em thực hiện các phép tính trên que tính. Sau đó, tôi cho em đặt tính và thực hiện ngay phép tính đó trên bảng con. Đối với các bài toán có lời văn, tôi giúp cho em tự nêu câu lời giải dựa vào câu hỏi trong đề toán, nắm được dạng toán và cách trình bày bài giải.
Đối với các môn học khác, tôi không bao giờ để em ở bên lề. Mỗi lần học theo nhóm, tôi tạo điều kiện cho em tham gia ý kiến cùng với các bạn. Sau đó, gọi em báo cáo những vấn đề mà nhóm đã thảo luận. Từ đó, giúp em mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong học tập.
Chỉ sau mấy tháng rèn luyện, giờ đây em đã đọc thông, viết thạo. Em còn biết tham gia kể chuyện, đóng tiểu phẩm với các bạn, biết ứng xử các tình huống học tập. Bây giờ, mỗi lần nhìn em, tôi thấy trong ánh mắt của em ánh lên những niềm vui. Tôi luôn vững tin ở em: Em sẽ không còn lưu ban nữa.
Huỳnh Văn Đông
(Trường Tiểu học Hòa Thuận, Thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận)
Bình luận (0)