Vừa qua bậc trung học đã tổ chức tổng kết năm học 2007 – 2008 và triển khai kế hoạch năm học 2008-2009. Nhiều yêu cầu mới được đặt ra. Đồng thời có không ít thay đổi giảm nhẹ sức ép dành cho thầy cô giáo đứng lớp.
Chủ động thời gian và con người
Đối với bậc THCS lẫn THPT, chương trình (CT) có 37 tuần thực học. Trong đó, học kỳ I bố trí 19 tuần và học kỳ II bố trí 18 tuần. Các phòng GD-ĐT và các trường THPT có thể chủ động điều chỉnh thời lượng các chương, bài (phần, chủ đề,…) cho phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh và bảo đảm thống nhất theo tiến độ chung của kế hoạch thời gian năm học. Đối với các trường ngoài công lập, trường học 2 buổi/ngày, có thể tăng thời lượng cho các môn học phù hợp điều kiện cụ thể, tự cân đối kinh phí chi trả giờ dạy vượt tiêu chuẩn. Đối với dạy học tự chọn ở cấp THPT: Toàn bộ thời lượng dạy học tự chọn ban KHTN và ban KHXH-NV được sử dụng để dạy học tự chọn bám sát (ôn tập, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, kỹ năng, không bổ sung kiến thức nâng cao mới). Còn với ban Cơ bản, tổ chức dạy học tự chọn tất cả các môn theo CT-SGK chuẩn và thời lượng dạy tự chọn dùng để ôn tập, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, kỹ năng các môn học hoặc dạy học từ 1 đến 3 môn nâng cao trong số 8 môn nâng cao (toán, vật lí, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lí, ngoại ngữ) theo định hướng phân hóa cơ bản A, B, C, D. Các môn nâng cao dạy theo CT-SGK nâng cao. Các môn mỹ thuật, âm nhạc (ở bậc THCS), không đủ giáo viên, không đủ thiết bị dạy học, nhà trường phải chủ động hợp đồng giáo viên (kể cả giáo viên môn học đó đã về hưu) và mua sắm thiết bị để bảo đảm kế hoạch giáo dục. Chú ý nội dung giáo dục địa phương và tích hợp giáo dục môi trường.
Ngoại khóa và nghĩa vụ
Các hoạt động giáo dục đã được quy định thời lượng với số tiết học cụ thể như các môn học. Đối với giáo viên được phân công thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL) và hoạt động giáo dục hướng nghiệp (HĐGDHN) được tính giờ dạy như các môn học; việc tham gia điều hành hoạt động giáo dục tập thể (chào cờ đầu tuần và sinh hoạt chủ nhiệm lớp) là nhiệm vụ quản lý của ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp, không tính vào giờ dạy tiêu chuẩn.
Với HĐGDNGLL, bảo đảm thực hiện đủ các chủ đề quy định cho mỗi tháng, với thời lượng 2 tiết/tháng. Đưa nội dung giáo dục về Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc vào HĐGDNGLL ở lớp 9 và lớp 10. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD-ĐT phát động. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cộng đồng, xây dựng môi trường sư phạm tích cực, kết hợp tốt hơn giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Tập trung giáo dục về trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền, giáo dục và có biện pháp phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, đẩy mạnh giáo dục môi trường và hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao.
Việc HĐGDHN, lớp 9 được điều chỉnh thời lượng 9 tiết/năm học sau khi đưa một số nội dung GDHN tích hợp sang HĐGDNGLL ở hai chủ điểm: “Truyền thống nhà trường” , chủ điểm tháng 9 và “Tiến bước lên Đoàn”, chủ điểm tháng 3. Nội dung tích hợp do các phòng GD-ĐT hướng dẫn các trường THCS thực hiện cho sát thực tiễn địa phương. Cần tập trung hướng dẫn học sinh (phân luồng) lựa chọn con đường học lên (THPT, GDTX, TCCN, học nghề) hoặc đi vào cuộc sống lao động. Các lớp 10, 11, 12, điều chỉnh thời lượng HĐGDHN 9 tiết/năm học sau khi tích hợp đưa sang giảng dạy ở môn công nghệ (phần “Tạo lập doanh nghiệp” lớp 10) và tích hợp đưa sang HĐGDNGLL ở ba chủ đề “Thanh niên với vấn đề lập nghiệp”, chủ đề tháng 3; “Thanh niên với học tập, rèn luyện vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, chủ đề tháng 9 và “Thanh niên với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, chủ đề tháng 12. Có thể tổ chức riêng theo lớp hoặc theo khối lớp và có thể giao cho giáo viên hoặc mời các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp.
HĐGD nghề phổ thông (HĐGDNPT), các trường THCS, THPT phối hợp với các trung tâm KTTH-HN thực hiện HĐGDNPT. Nơi có đủ giáo viên đào tạo đúng chuyên môn, đủ CSVC phải thực hiện HĐGDNPT ở lớp 11 (cấp THPT); tổ chức thi và cấp chứng chỉ GDNPT theo quy định; nơi chưa đủ giáo viên đào tạo đúng chuyên môn, chưa đủ CSVC phải khẩn trương khắc phục, không để kéo dài.
Đổi mới phương pháp dạy học
Giáo viên cần phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên; thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp hợp lý hoạt động của giáo viên và học sinh, thiết kế hệ thống câu hỏi hợp lý, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề quá tải (nhất là đối với bài dài, bài khó, nhiều kiến thức mới); bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc không nắm vững bản chất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, khuyến khích sử dụng hợp lý giáo án điện tử, sử dụng các phương tiện nghe nhìn, thực hiện đầy đủ thí nghiệm, thực hành, liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với nội dung từng bài học.
Quá trình lên lớp, giáo viên sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác, trong sáng, sinh động, dễ hiểu, tác phong thân thiện, coi trọng việc khuyến khích, động viên học sinh học tập, tổ chức hợp lý cho học sinh làm việc cá nhân và theo nhóm.
Kiểm tra đánh giá
Đánh giá sát, đúng trình độ học sinh với thái độ khách quan, công minh và hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá kết quả học tập của mình. Trong quá trình dạy học, cần kết hợp một cách hợp lý hình thức tự luận với hình thức trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá (KTĐG) kết quả học tập của học sinh và thực hiện đúng quy định. Một số môn khoa học xã hội và nhân văn như: ngữ văn, lịch sử, địa lí, GDCD, cần coi trọng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới KTĐG, hạn chế ghi nhớ máy móc, tuyệt đối không làm bài theo mẫu mà khuyến khích từng bước ra loại đề “mở”. Đề bài đòi hỏi học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng và có thể biểu đạt chính kiến của bản thân khi làm bài. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học (soạn phần mềm dạy học, giáo án điện tử, tạo lập nguồn dữ liệu tham khảo phục vụ dạy và học). Thi cử, bảo đảm khách quan, chính xác, công bằng và các trường không tự đặt ra các kỳ thi, thi thử ngoài quy định.
“Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là yêu cầu đặt ra trong năm học. Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, phát huy vai trò tích cực, tinh thần tự giác, hứng thú học tập cho học sinh, giáo dục thái độ, hành vi ứng xử thân thiện giữa các thành viên trong trường, uốn nắn mọi thái độ, hành vi thiếu văn hoá, ngăn ngừa hành vi bạo lực trong trường học, phấn đấu mỗi quận huyện có ít nhất 1 trường THCS và 1 trường THPT đạt tiêu chuẩn.
T.T.Q
Bình luận (0)