Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phát triển trường chuyên: Mạnh vì gạo, bạo vì tiền?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong hội nghị các trường THPT chuyên toàn quốc 2009 hôm 26-12 tại Nam Định, sau khi nghe lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng chia sẻ về chính sách dành cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, có đại biểu thốt lên: Các khoản đầu tư khổng lồ, ít địa phương nào theo kịp!
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Mạnh tay chi thưởng nhân tài

Được thành lập từ năm 1986 nhưng bắt đầu từ năm học 2003 – 2004, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng mới được chuyển đến cơ sở có khuôn viên rộng gần 30.000 m2, được xây dựng bề thế, hiện đại với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Cũng từ năm học 2003 – 2004, UBND thành phố Đà Nẵng dần dần cho phép trường thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Năm 2005, UBND thành phố ban hành Quy chế trường THPT Lê Quý Đôn thành phố Đà Nẵng.
Theo TS Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, văn bản này thể hiện chủ trương đầu tư phát triển nhà trường ổn định, bền vững, không lệ thuộc vào việc “thay đổi lãnh đạo”.
Cũng nhằm đạt chủ trương nhất quán ưu đãi đặc biệt với trường chuyên, trường Lê Quý Đôn – Đà Nẵng được phép là đơn vị dự toán cấp một (thành phố trực tiếp duyệt chi ngân sách, không thông qua cơ quan chủ quản). Từ năm 2007 đến nay, kinh phí chi thường xuyên mà ngân sách thành phố dành cho nhà trường đạt từ 11 tỷ đến 16 tỷ đồng/năm.
Chính sách ưu đãi dành cho giáo viên của trường dễ nhận thấy nhất là lương. Lương và phụ cấp của cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy ở Trường Lê Quý Đôn cao gấp đôi so với cán bộ quản lý, giáo viên trường thường.
“Cách đây một năm, lương của tôi chỉ khoảng bốn triệu đồng/ tháng nhưng lương của hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn – Đà Nẵng (lúc đó là ông Vũ Đình Chuẩn) là 11 triệu đồng/ tháng”, TS Huỳnh Văn Hoa nói.
Học sinh Trường Lê Quý Đôn – Đà Nẵng cũng được nhận những ưu đãi đặc biệt. Hàng năm, mỗi học sinh trường được nhận 500.000 đồng để mua đồng phục và học phẩm. Bên cạnh đó, các em còn được hỗ trợ sinh hoạt phí với mức 260.000 đồng/ tháng (hưởng chín tháng/ năm).
Ngoài ra, những học sinh giỏi được nhận học bổng khuyến khích tài năng với mức 100.000 – 120.000 đồng/ tháng/ học sinh. Những em đạt thành tích đặc biệt (giải quốc gia, khu vực, quốc tế) được thành phố tặng thưởng những khoản tiền giá trị (có em trong một năm lĩnh thưởng tới 60 – 70 triệu đồng).
Kết quả học tập thầy trò Trường Lê Quý Đôn – Đà Nẵng gặt hái từ năm học 2003 – 2004 đến nay quả là không uổng công mạnh tay đầu tư của thành phố này. Từ khi thành lập đến nay, trường có 13 giải khu vực và quốc tế thì riêng sáu năm gần đây chiếm 12 giải. Số giải quốc gia trong sáu năm gần đây của trường cũng chiếm gần một nửa trong tổng số giải của 23 năm qua.
Đặc biệt, từ một địa phương không nổi trội gì về giáo dục mũi nhọn, năm 2009 tỉ lệ học sinh đạt giải quốc gia của Đà Nẵng cao thứ hai toàn quốc (chỉ sau Nam Định), vượt xa các đơn vị có bề dày thành tích như ĐH Quốc gia Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… 
Đầu tư như thế nào cho phát triển trường chuyên?
Câu chuyện của Đà Nẵng khiến nhiều đại biểu có mặt ở hội nghị ngậm ngùi khi ngẫm đến mình. Một đại biểu đến từ trường chuyên khác cũng mang tên Lê Quý Đôn (nhưng ở Bình Định) thốt lên: “Lãnh đạo tỉnh tôi cũng quan tâm đầu tư cho trường chuyên nhưng so với Đà Nẵng chẳng thấm vào đâu! Các con số đầu tư của Đà Nẵng thật là khổng lồ và tôi tin là ít địa phương nào theo được!”.
Một số đại biểu cho biết, đến nay một số tỉnh còn chưa điều chỉnh các mức ưu đãi cho giáo viên trường chuyên theo nghị định 61/2006 (chính sách với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở những trường chuyên biệt, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn). Hoặc theo quy định mà Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành, một tiết dạy môn chuyên bằng ba tiết môn thường, nhiều nơi cũng chưa áp dụng.
Theo Bộ GD&ĐT, cho đến nay, cả nước mới có 21/76 trường chuyên là trường đạt chuẩn quốc gia trong khi Bộ hướng tới mục tiêu đã là trường chuyên phải đạt chuẩn quốc gia. Thậm chí, có trường điều kiện cơ sở vật chất chỉ đạt 0,6m2/ HS (để đạt chuẩn quốc gia phải là tối thiểu từ 6 đến 10 m2/ HS). Có nơi (Đăk Nông) còn chưa có cả trường chuyên.
Hệ thống phát triển trường chuyên không đồng đều, thiếu quy hoạch, kế hoạch phát triển, chủ trương đầu tư thiếu thống nhất trên toàn quốc. Trong khi đó theo tham vọng của Bộ GD&ĐT, các trường THPT chuyên sẽ là hình mẫu tương lai của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục. “Có sứ mạng đầu đàn mà bản thân đầu tàu không kéo nổi mình đi thì kéo các toa khác ra sao?”, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT trăn trở.
Sự đầu tư lớn như của Đà Nẵng là mong muốn của ngành GD&ĐT các địa phương nhưng chính lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại cảm thấy “ngợp”.
Trao đổi khi gần kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận băn khoăn: “Trường chuyên cần có những chính sách đầu tư đặc thù. Đà Nẵng là điển hình của đặc thù đầu tư lớn. Nhưng trường chuyên phải là một mô hình lý tưởng trong tương lai của hệ thống giáo dục chúng ta. Các chính sách đặc thù thể hiện sự ưu tiên trong đầu tư khi chúng ta chưa đủ sức triển khai rộng. Nếu đẩy cái ưu tiên, đặc thù này lên cao quá thì khó triển khai rộng về sau. Phải làm sao để trường chuyên không phải là mô hình cá biệt mà trở thành phổ biến trong tương lai”.
Song để trả lời câu hỏi làm thế nào để trường chuyên không phải là mô hình cá biệt không đơn giản. Suốt 44 năm lịch sử phát triển hệ thống trường chuyên, giáo dục mũi nhọn vẫn chỉ loanh quanh tập trung ở một số địa phương hoặc có truyền thống khoa bảng, hoặc có tiềm lực kinh tế.
Ngay như tại hội nghị này cũng vậy, các địa phương được chỉ định chia sẻ kinh nghiệm hay và có thành tích vượt trội thì ngoài Đà Nẵng là nhân tố mới còn lại vẫn chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng… 
Quý Hiên/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)