Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xã hội hóa xây dựng ký túc xá sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

ĐH Quốc gia TP HCM đang đi tiên phong trong chương trình xây dựng ký túc xá bằng hình thức xã hội hóa. Tính đến nay, đơn vị này đã thu hút 13 tỉnh đầu tư vốn xây dựng ký túc xá cho sinh viên.

Cách làm của ĐH Quốc gia TP HCM có tính đột phá nhưng  không phải dễ dàng, nhất là với các địa phương có quỹ đất eo hẹp.
Xây KTX từ kinh phí… tỉnh bạn
Bắt đầu từ năm 2000, ĐH Quốc gia TP HCM “bắt tay” với tỉnh Bến Tre để tỉnh này đầu tư xây dựng một ký túc xá (KTX) có 420 chỗ cho sinh viên. Sau đó, các tỉnh khác Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa… cũng nối tiếp đầu tư  xây KTX cùng ĐH quốc gia TP HCM.

KTX Đồng Nai trong khuôn viên KTXĐại học quốc gia TP.HCM. Ảnh : Minh Luân

Mới đây nhất, cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, ĐH quốc gia TP HCM đưa vào sử dụng 2 khu nhà KTX dành cho sinh viên tỉnh Quảng Ngãi và Lâm Đồng, mỗi tòa nhà có 56 phòng đáp ứng chỗ ở cho 480 sinh viên. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đầu tư xây dựng xong 2 khu nhà 12 tầng (khu B) đáp ứng 720 chỗ ở cho sinh viên của tỉnh.

Trên địa bàn TP HCM có khoảng 509.000 sinh viên đang học tập. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có khoảng 570.000 sinh viên học tập tại đây, trong đó có 70% sinh viên từ các tỉnh (khoảng 399.000 sinh viên), nhu cầu về chỗ ở khoảng 239.000 chỗ (chiếm 60%). Tuy nhiên, các KTX của các trường ĐH – CĐ hiện chỉ đáp ứng khoảng 63.000 chỗ (đạt 26% so với nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên).

Ông Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐH quốc gia TP HCM, cho biết, năm nay KTX của ĐH quốc gia TP HCM phục vụ cho 4.000 tân sinh viên và 6.000 sinh viên năm thứ hai trở lên. HiệnĐại học quốc gia TP HCM đang khởi công xây dựng 20 khu nhà KTX. Nếu đúng tiến độ, đến năm 2013, KTX ĐH quốc gia TP HCM sẽ có thêm 30.000 chỗ ở cho sinh viên. Ông An cho biết thêm: “Tỉnh Kiên Giang cũng đang rất quan tâm về mô hình này, nhiều khả năng sẽ có một khu KTX do tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng cho sinh viên địa phương”.
Khó áp dụng với nơi thiếu đất
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH quốc gia Hà Nội cho rằng, sáng kiến của ĐH quốc gia TP HCM cần được phát triển, nhân rộng. Tuy nhiên, ở Hà Nội chưa thể triển khai vì quỹ đất hạn chế. Chung quan điểm này, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Lao động – Xã hội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn… cũng bày tỏ, vấn đề không phải là nguồn đầu tư mà là khó khăn về quỹ đất để xây KTX. “Trong khu vực các trường ĐH, quỹ đất để xây KTX không còn, đến ngay cả sân tập thể dục cho sinh viên còn thiếu thì lấy đâu đất để xây KTX”, thầy Nguyễn Đức Hoa Cương, giảng viên Trường ĐH Hà Nội nhận xét.

Khảo sát tại một số trường ĐH khu vực Hà Nội cho thấy hầu hết đều thiếu KTX.Đại học quốc gia Hà Nội có nhiều suất KTX nhất nhưng cũng chỉ bảo đảm cho 22% sinh viên. Tiếp đó là ĐH Bách khoa (17%), ĐH Xây dựng (12%), ĐH Kiến trúc (8,27%), ĐH Luật (6,12%), HV Hành chính quốc gia (4%)… Nhóm trường dân lập có trường Phương Đông lo KTX được cho khoảng 6% sinh viên, số còn hầu như không có KTX.

Ngay như việc xã hội hóa KTX của ĐH quốc gia TP HCM cũng đang gặp khó khăn khi mà quỹ đất xây dựng còn eo hẹp. Trong tổng diện tích 56 ha trường dùng để xây KTX, mới thu hồi được 28 ha, số còn lại vẫn chưa được các hộ dân giao mặt bằng.
Về giải pháp tạo quỹ đất, nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, các trường ĐH nên hợp tác, huy động vốn của những tỉnh có nhiều sinh viên đang theo học và đề nghị với Chính phủ cấp hẳn cho một khu đất để xây KTX cho sinh viên.
Ngoài ra, để tránh việc xây KTX chỉ cho sinh viên của tỉnh mình có thể sẽ hình thành tư tưởng cục bộ, cạnh tranh so bì trong sinh viên các tỉnh, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các địa phương phối hợp với trường quy hoạch và có dự án xây dựng KTX, đồng thời công khai hóa dự án đầu tư. Có thể, các tỉnh có cổ phần và khi công trình hoàn thiện sẽ có một số phòng dành cho sinh viên của tỉnh.

T.Trúc – M.Luân / Đất Việt

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)