Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vài kinh nghiệm tổ chức trò chơi trong tiết toán

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, theo xu hướng đổi mới phương pháp giảng dạy, tiết học phải được tổ chức, sử dụng các phương pháp kĩ thuật nhằm mục đích truyền đạt kiến thức đến học sinh (HS) tiểu học một cách nhẹ nhàng, HS tiếp thu thoải mái, lớp học sinh động, HS tích cực học tập. Đó là tiêu chí hàng đầu khi người giáo viên chuẩn bị tiết dạy. Trò chơi trong tiết học luôn làm HS thích thú và chú ý nhất. Thế nhưng, trò chơi đảm bảo được yêu cầu bài dạy, trò chơi đảm bảo “chơi mà học, học mà chơi” luôn làm “đau đầu” giáo viên, nhất là ở bộ môn toán.
Rất nhiều giáo viên cho rằng môn toán khó thể tổ chức trò chơi nhằm phục vụ cho kiến thức cần truyền đạt, nhưng khó thể chứ không phải là không thể. Nếu cố gắng suy nghĩ đầu tư, chúng ta có thể sáng tạo rất nhiều trò chơi nho nhỏ đủ làm HS vui và thích thú học toán. Chẳng hạn, với bài hát có đoạn: “…Nào các bạn cùng giơ tay ta đếm cho thật đều. Một với một là hai; hai thêm hai là bốn; bốn với một là năm. Năm ngón tay sạch đều…”. Chúng ta có thể cho HS lớp 1 khi học toán cộng, hát thật chậm, lặp lại 3 lần kết quả vừa cộng vào (hát như sau: “với một là hai-hai-hai…”) và kết hợp với giơ ngón tay đúng như lời hát. Có thể cho từng nhóm hát, xem nhóm nào có nhiều bạn hát đúng và giơ ngón tay trùng khớp, nhóm đó thắng. Với bài hát Đếm chuột: “Một con chuột là 1 cái đuôi/ 2 tai và 2 con mắt/ Tính tang là tang tính tình/ Tính bằng đầu, một đầu là 4 cái chân”, các thầy cô có thể biến thành trò chơi khi dạy phép nhân. Rất đơn giản là đổi số chuột thì HS phải nhân nhẩm thật nhanh để hát được số tai, mắt, chân. (Ví dụ “Ba con chuột là 3 cái đuôi, 6 tai và 6 con mắt… ba đầu là 12 cái chân”). Ở lớp 3, các bài 1/2; 1/3; 1/4; 1/5, giáo viên có thể làm nhiều hình được chia thành các phần bằng nhau, tô màu hoặc đóng khung số phần mình muốn, rồi phát cho cá nhân hay từng nhóm nhiều hình, yêu cầu các em chọn số phần tô màu hay đóng khung đúng theo yêu cầu gắn vào bảng cài, cá nhân hay nhóm nào làm nhanh và đúng nhiều nhất sẽ thắng. Với trò chơi “Trúc xanh” quen thuộc, ta có thể sử dụng trong rất nhiều bài như mở các ô số tìm số thập phân bằng nhau; tìm phân số bằng nhau; tìm các ô số có giá trị bằng nhau của đơn vị đo độ dài, khối lượng, diện tích, thể tích;… hoặc bằng mô hình xe lửa, mỗi toa là một bài toán, nhóm nào giải nhanh giải đúng sẽ được lên xe lửa đi trước. Chỉ với một quả bóng nhựa, giáo viên có thể cho HS thảy chuyền bóng để kiểm tra bảng nhân, bảng chia… HS ôm bóng hỏi “3 nhân 6?” rồi thảy chuyền bóng sang bạn khác. HS nhận bóng trả lời: “3 nhân 6 bằng 18” rồi tiếp tục hỏi và thảy bóng tiếp. Bạn nào nhận bóng mà không trả lời nhanh được là thua. Trong dạng toán tìm số chưa biết (tìm X), ta có thể thay các chữ X bằng các bông hoa đủ màu sắc. HS nào giải nhanh, tìm ra được bông hoa đó tượng trưng cho số mấy sẽ được nhận bông hoa đó. Cuối tiết học mỗi bông hoa sẽ được đổi thành vài viên kẹo. Bằng mô hình ngôi nhà gạch, có thể yêu cầu HS xây nhà bằng những viên gạch, mỗi viên gạch là một yêu cầu toán học tùy theo bài dạy, có thể sử dụng cả trong tiết ôn tập…
Trên đây là một vài trò chơi nhỏ đã được sử dụng trong tiết toán và mang lại hiệu quả tốt, học sinh vui thích, lớp học sôi động. Tôi tin rằng với óc sáng tạo và tinh thần cầu tiến, giáo viên chúng ta sẽ tìm ra nhiều trò chơi mới, hấp dẫn hơn để dạy tốt hơn trong môn toán.
Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)