Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng thiếu công bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết dạy có nhiều hình ảnh trực quan sinh động, giúp học sinh thích thú hơn (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
Chuyện xảy ra ở trường tiểu học X. trong quận Y. về việc xét thi đua cuối năm học. Hiệu trưởng chỉ định cô N. dạy thay cho cô V. (đang chủ nhiệm lớp 4A kiêm tổ trưởng chuyên môn khối 4) từ tháng 1 đến tháng 3-2012. Lý do là cô V. vì bức xúc chuyện cá nhân trong khối nên nghỉ dạy một tháng. Tháng sau, cô quay lại trường dạy bình thường và không bị khiển trách gì mà còn được hiệu trưởng công bố trong hội đồng là vẫn cho tiếp tục làm giáo viên chủ nhiệm lớp 4A khi cô N. về hưu.
Trong quá trình đứng lớp thay cô V., cô N. hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm lớp là rèn chữ cho học sinh thi vở sạch chữ đẹp và đạt danh hiệu tập thể vở sạch chữ đẹp cấp quận. Trước khi được phân vào lớp dạy thay cô V. thì cô N. là giáo viên dạy giỏi nhiều năm và lớp cô phụ trách luôn đạt giải tập thể vở sạch chữ đẹp cấp quận. Năm học 2011-2012, cô sắp nghỉ hưu nên hiệu trưởng cho ra làm giáo viên dự khuyết chờ đến cuối tháng 3 là nghỉ. Hết tháng 3, cô N. nghỉ hưu, cô V. vào lớp 4A dạy tiếp.
Đến cuối năm học, xét thi đua thì cô N. được xếp loại C, còn cô V. xếp loại A. Thấy vậy, cô N. thắc mắc với hiệu trưởng rằng “cô làm tốt hơn cô V. sao lại bị xếp loại thấp, trong khi cô V. nghỉ một tháng ở nhà mà vẫn được xếp loại cao”. Hiệu trưởng giải đáp là do cô không trực theo ca giống những giáo viên khác và nghỉ giữa học kỳ nên được xếp loại C. Còn cô V. thì hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có ý kiến cho rằng hiệu trưởng giải đáp như vậy là không công bằng, khách quan khi không xử lý việc cô V. nghỉ ở nhà một tháng và được xếp loại A. mà nên xét cho cô N. loại B vì cô đâu vi phạm điều gì. Tại cuộc họp hội đồng sư phạm, mọi người nêu ý kiến nhưng hiệu trưởng không giải quyết mà trả lời như đã trả lời với cô N. Bản thân cô N. không phục khi nghỉ hưu rồi vẫn mang tâm trạng bức xúc.
Phân tích cách giải quyết
Xét về góc độ quản lý, cách giải quyết của hiệu trưởng trong tình huống trên là không khoa học, quá chủ quan, không công bằng và chưa quan tâm đến tâm lý con người. Hiệu trưởng không có năng lực giải quyết, hướng tập thể cùng mình giải quyết vấn đề bức xúc của cô N. và có hình thức xử lý vi phạm của cô V. làm cho tập thể cảm thấy không an tâm, không phục lãnh đạo trong cách xét thi đua, có lời ra tiếng vào trong đơn vị.
Ở đây, người hiệu trưởng không tính toán và giải quyết hợp lý, hợp tình sự việc. Và giải quyết có tình có lý đối với người nghỉ hưu. Tại sao lại phân công cô N. dự khuyết vào đứng lớp thay cô V. mà không có chế độ quyền lợi khi cô N. đã ra sức rèn học sinh thi vở sạch chữ đẹp đạt giải tập thể cấp quận. Còn cô V. thì không hề xử lý khi vi phạm hành chính nghỉ ở nhà một tháng mà không có lý do. Ở cương vị là một tổ trưởng chuyên môn thì như vậy ai mà phục và bản thân cô ỷ lại là trường cần cô chứ cô không cần trường. Với cô N. thì cảm thấy mình bị hắt hủi khi về hưu và buồn khi bao nhiêu năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mà năm cuối nghề lại bị xếp loại C…
Ý kiến cá nhân
Để giải quyết tình huống trên một cách có hiệu quả thì trước tiên hiệu trưởng phải xác định mục tiêu trước mắt là giải quyết chế độ và xét thi đua công bằng cuối năm cho cô N. và cô V. Còn mục tiêu lâu dài là ổn định nề nếp trong đội ngũ nhà trường và thiết lập kỷ cương, tạo đoàn kết nội bộ trong đơn vị.
Khi đã xác định mục tiêu cần giải quyết thì hiệu trưởng phải đảm bảo tính khoa học. Trước hết đó là trao đổi với cô N. để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cô sau khi về hưu có muốn dạy nữa không? Hay là ở nhà làm việc khác? Nếu cô N. muốn dạy tiếp thì hiệu trưởng vẫn có thể hợp đồng thêm 2 tháng nữa cho hết năm học (trao đổi với tinh thần thoải mái, cởi mở). Khi cô N. đã nhận lời giúp trường đến cuối năm học thì hiệu trưởng rất dễ dàng đánh giá thi đua cuối năm vì có cơ sở pháp lý là cô dạy hết học kỳ II và hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm lớp. Hiệu trưởng làm được thao tác này thì đảm bảo cô N. sẽ làm việc hết mình và lại gắn kết tình cảm giữa nhà trường – hiệu trưởng và cô N. hơn.
Còn về phía cô V. thì hiệu trưởng cũng mời lên trao đổi xem cô đã có suy nghĩ gì khi nghỉ làm một tháng ở nhà? Hành động đó đúng hay sai? Giải thích? Nếu cô V. nhận ra lỗi sai của bản thân thì sẽ có biện pháp xử lý mạnh, mạnh có nghĩa là nhu và cương. Nhu ở đây là giải thích cho cô V. thấy trách nhiệm của mình rất lớn trong tổ chuyên môn vì bản thân là tổ trưởng nên tất cả mọi việc trong tổ phải biết cân đối, tương trợ, giúp đỡ các đồng nghiệp. Khi có sự cố trong tổ phải bình tĩnh giải quyết, nếu không giải quyết được thì báo cáo với hiệu trưởng để cùng giải quyết. Nhưng cái sai ở đây của cô V. là nghỉ vô tổ chức, không báo cáo nên phải kỷ luật. Và hình thức kỷ luật là cắt thi đua và không đứng lớp lại.
Trước khi kỷ luật cô V., hiệu trưởng cần họp liên tịch để thống nhất về hình thức kỷ luật. Hiệu trưởng làm được điều này thì quá tốt vì thể hiện tính tập trung dân chủ cao trong tập thể và không ai có lời ra tiếng vào mà tập thể càng tín nhiệm hơn với hiệu trưởng do xử lý công việc có tình có lý, công bằng, khách quan. Từ đây về sau, không ai dám vi phạm như cô V. nữa vì sẽ bị xử lý nặng.
Nguyễn Thị Ngọc Kiều
Để giải quyết một tình huống, một sự việc thì người hiệu trưởng phải bình tĩnh – đây là điều đầu tiên không thể thiếu. Khi bình tĩnh sẽ sắp xếp thời gian, tìm hiểu sự việc trong và ngoài trường, lắng nghe ý kiến của từng cá nhân có liên quan và tập thể để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ. Bên cạnh đó, cần phát huy nhân tố con người vì đó là nhân tố quyết định đến chất lượng nhà trường. Không những vậy, hiệu trưởng còn phải đặt lợi ích tập thể lên trước và chú ý đến lợi ích cá nhân qua sự đóng góp lao động trong sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, luôn đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào những thành viên đã phân công nhiệm vụ… 
 

Bình luận (0)