Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xây dựng SGK phải chính xác, hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

SGK nhất thiết phải chính xác về quan điểm, đường lối và về kiến thức. Ảnh: Anh Khôi
Dư luận đang rất quan tâm đến đòi hỏi phải xây dựng bộ sách giáo khoa (SGK) mới cho chương trình phổ thông.
Sự quan tâm này không chỉ hầu như gia đình nào cũng có con em đang đi học hay vì SGK hiện nay đang thể hiện một chương trình giáo dục chưa thực sự hợp lý mà còn vì có không ít sách mắc sai sót, không bám sát thực tiễn cuộc sống, lại thay đổi liên tục, gây lãng phí trong xã hội.
Bây giờ đặt ra vấn đề nên có mấy bộ SGK có lẽ chưa thật sự cần thiết, bởi đó là một đòi hỏi cụ thể (cũng như trong SGK từng lớp phải viết gì) trong khi chưa xác lập các nguyên tắc cần thiết của việc xây dựng SGK. Chúng tôi xin nêu ra một số nguyên tắc:
Thứ nhất, phải tách bạch giữa vai trò quản lý, định hướng và việc soạn sách. Tức là, Bộ GD-ĐT không nên giữ việc soạn sách nữa, vì thực tế đó là hoạt động “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bộ GD-ĐT nên tập trung xây dựng chương trình và quan điểm giáo dục phù hợp trong tình hình mới, trong đó bám sát những quan điểm chỉ đạo và các nguyên tắc đổi mới theo nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong việc viết SGK, Bộ GD-ĐT chỉ nên đứng ở vai trò định hướng, quản lý, thẩm định… và nên độc lập, tách rời với các lợi ích (nếu có), kể cả trong việc in ấn. Sách nên được giao cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài bộ viết trên cơ sở các chọn lựa (hoặc đấu thầu) một cách công khai, minh bạch và bộ giữ bản quyền, từ đó có thể giao cho các nhà xuất bản có đủ điều kiện để in ấn sao cho rẻ nhất, tốt nhất, chứ không nhất thiết chỉ giao Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện, có thể dẫn đến lợi ích cục bộ, từ đó khó thuyết phục về sự minh bạch.
Thứ hai, chỉ viết SGK mới trên cơ sở có chương trình giáo dục mới phù hợp. Đây có thể coi là một “chương trình khung” và trên thực tế phải là công việc chủ yếu của Bộ GD-ĐT trước khi bàn đến việc viết sách. Bộ cần nghiên cứu thấu đáo trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, khoa học thực tiễn của đất nước (về nhu cầu, đặc điểm xã hội, năng lực học sinh, xu hướng phát triển…); đồng thời có tiếp thu một cách chọn lọc một số mô hình giáo dục nước ngoài phù hợp. Chẳng hạn, học sinh các cấp cần học bao nhiêu môn, những kiến thức gì, phân bổ ở từng lớp ra sao, mỗi lớp/cấp nên học bao nhiêu giờ/tiết; trong đó cần xem xét tỉ lệ giữa học lý thuyết và thực hành một cách phù hợp, việc kiểm tra, đánh giá như thế nào, việc thi cử theo hình thức nào… Không có chương trình phù hợp mà đã viết SGK thì chẳng khác nào xây nhà mà thiếu bản thiết kế.
Trong việc viết SGK, Bộ GD-ĐT chỉ nên đứng ở vai trò định hướng, quản lý, thẩm định… và nên độc lập, tách rời với các lợi ích (nếu có), kể cả trong việc in ấn.
Thứ ba, chỉ nên sửa đổi những sách, những nội dung, những phần kiến thức không phù hợp và giữ lại những sách, những nội dung, những phần phù hợp, còn giá trị sử dụng. Trên cơ sở chương trình khung, cần rà soát tổng thể toàn bộ SGK các khối lớp để đánh giá lại độ chính xác, sự hợp lý của từng sách, từng phần, từng bài, từng chi tiết. Chẳng hạn, trong chương trình giáo dục công dân bậc THCS hiện nay, về nội dung, cơ bản là phù hợp, đó là kiến thức, yêu cầu về phẩm chất cá nhân với các đức tính, các quyền và nghĩa vụ…; nhưng cần thiết phải sắp xếp các bài cho phù hợp lứa tuổi, như lớp 6, 7 thì nên học kỹ về các đức tính, lớp 8, 9 thì nêu nhiều hơn đến các quyền và nghĩa vụ công dân; đồng thời điều chỉnh nội dung, một số vấn đề, nêu thí dụ… cho phù hợp với từng bài, từng lớp. Đây là cách kế thừa kết quả nghiên cứu, sáng tạo của các tác giả đi trước, cũng là cách tạo sự liền mạch trong bộ SGK mới so với sách cũ, không tạo ra khoảng cách về kiến thức, nhận thức giữa các thế hệ, đồng thời tránh gây lãng phí cho xã hội.
Thứ tư, SGK không được “đóng khung” kiến thức. SGK là một hình thức cụ thể hóa chương trình giáo dục, nhưng không vì thế lại “đóng khung” toàn bộ kiến thức. Sách cần có độ “mở” nhất định để các địa phương, các trường, các giáo viên có thể chủ động lồng ghép kiến thức cụ thể (của vùng miền, của thời điểm…) vào giảng dạy. Chẳng hạn, ở môn tiếng Việt, tùy theo khối lớp có thể cho phép dùng những từ ngữ khác nhau để cùng chỉ một sự vật, hiện tượng. Thí dụ: Ở miền Nam, nếu sách lớp 1 dùng từ “giã giò”, “thổi xôi”, “cá diếc”… thì hầu hết học sinh sẽ khó hiểu bởi gần như không dùng hàng ngày. Hoặc, ở môn địa lý, học sinh từng vùng cần thiết được học nhiều hơn về vùng và địa phương mình đang sống thay vì phân bổ thời lượng giống nhau giữa các bài cho học sinh tất cả các vùng miền, hay trong lúc có một sự kiện thời sự cụ thể nào đó thì có thể có sự liên hệ nhiều hơn ở phần nội dung liên quan. Dĩ nhiên, trong chương trình khung, Bộ GD-ĐT cần thiết có hướng dẫn kỹ cách thức lồng ghép để không dẫn đến sự tùy tiện và không bị lệch chương trình, kiến thức chung.
Trên những nguyên tắc đó, yêu cầu quan trọng của việc xây dựng SGK là phải đảm bảo chính xác, tiết kiệm, hiệu quả. SGK ít nhiều có tính pháp lệnh nên cần thiết phải đúng đắn, chính xác về quan điểm, đường lối và về kiến thức. Ngay cả việc trích dẫn cũng phải tránh tình trạng sửa chữa hay cắt cúp tùy tiện tác phẩm gốc, tinh thần chung vẫn là phải trung thành nguyên tác, nếu có biên tập lại thì phải được sự đồng ý của tác giả (nếu có thể xin phép) và phải nói rõ sự biên tập đó.
ThS. Nguyễn Minh Hải
 
Tránh hiện tượng có “SGK con”
SGK mới phải được sử dụng ổn định nhiều năm, các vấn đề mới thì nên để giáo viên chủ động cập nhật. Và, không nên để xảy ra hiện tượng muốn “hiểu được” hay “học tốt” từ SGK lại có những sách khác kèm theo, chẳng khác nào là “SGK con”, điều này không những gây khó khăn cho người học, người dạy mà còn kém hiệu quả, tiết kiệm!
 

Bình luận (0)