Lỉnh kỉnh với bình sữa, tã lót và những đêm mất ngủ triền miên do con quấy khóc, nhiều ông bố trẻ cảm thấy thực sự mệt mỏi, căng thẳng sau niềm hạnh phúc lên chức bố lần đầu.
Nhìn vợ cả ngày bận bịu với con, anh Minh (Tương Mai, Hoàng Mai, HN) không đành lòng, nên cũng muốn “tiếp sức”, giúp đỡ bà xã. Nhưng khi cầm bình sữa trong tay, anh cứ lóng nga lóng ngóng vì không biết phải pha thế nào cho đúng tiêu chuẩn. Vợ đang dỗ con mãi không nín, nên khi chồng hỏi là cáu gắt nhặng xị.
Thôi thì liều, anh đành pha bừa theo ý mình mà không thèm nhìn hướng dẫn ghi trên hộp. Bình sữa vừa loãng, vừa nhạt và nóng đến bỏng cả tay. Vợ anh cầm lên mà giật mình thon thót. Hai vợ chồng lại cãi nhau. Ngày nào cũng thế, chỉ toàn những lý do vụn vặt.
Anh thở dài, ngao ngán, không pha được sữa thì quay sang giặt quần áo vậy. Cái việc thường ngày ấy chắc không có gì khó khăn lắm. Đống quần áo cao ngất, lại toàn đồ bé xíu nên anh giặt mãi chẳng thấy vơi. Cặm cụi, hì hục, phải đến hơn một giờ đồng hồ mới gần xong việc, đang khấp khởi tưởng được vợ khen thì nàng lại nhăn nhó, cằn nhằn là tại sao giặt áo cho con lại “điệu đà” đổ thêm cả nước xả vào nữa. Làn da của trẻ không giống như người lớn, dính một ít hóa chất là có thể bị mẩn ngứa, dị ứng. Nghe vợ nói, anh Minh chẳng dám “bật” lại. Nàng nói gì mà chẳng đúng, thêm một cái miệng chỉ khiến hai vợ chồng cãi nhau to.
Cho tới khi em bé được gần 3 tháng, anh vẫn không bớt được cảm giác mệt mỏi, ấm ức mỗi khi cùng vợ chăm con. Có lẽ tại vợ quá cầu toàn nên khi chồng làm gì cũng thấy ngứa mắt. Nhiều lúc bực vợ, anh Minh… “ghét” lây sang cả con. Ngày con chưa chào đời, vợ chồng anh vẫn hay đi chơi, uống cà phê, gặp gỡ bạn bè mỗi khi có dịp, còn bây giờ, lúc nào cũng phải cuốn lấy “nó”, chẳng có thời gian cho riêng mình.
Khi con làm “vệ tinh”
Anh Tuấn (Trương Định, HN) lại kể về cô con gái lên 3 bằng giọng điệu rất hài hước:
“Hắn” đấy, giờ đã cực chuyên nghiệp trong công việc thay mẹ “quản lý” bố. Bà xã tôi tỉnh lắm, lần nào thấy chồng đi chơi là lại ra hiệu cho con gái theo cùng. Con gái nì nèo, khóc lóc, vậy là bố đành phải đồng ý. Có con đi theo, bố uống cũng phải cầm chừng, giờ giấc thì hạn chế. Một lần, chỉ cần nói chuyện hơi lâu với cô phục vụ trong quán là y như rằng “quan sát viên” theo dõi rất kỹ, về tới nhà mách mẹ ngay, bảo là bố đã gặp một cô rất xinh. Mất công thanh minh mãi, vợ mới chịu hiểu, nhưng trong bụng vẫn ấm ức, khó chịu. Thỉnh thoảng, nàng lại lôi chuyện này ra để làm mình làm mẩy với chồng mỗi khi bực tức hoặc không vừa ý điều gì.
“Chiêu” đưa con đi cùng để quản lý bố được khá nhiều bà vợ áp dụng và đã rất thành công. Tuy nhiên, nhiều ông bố cảm thấy “áp lực” vì bị “theo dõi” như vậy. Trong họ luôn có cảm giác như khoảng trời riêng của mình đang bị “đánh cắp”. Nhiều lần, anh Tuấn không kiềm chế được, nặng lời với con gái khi cô bé cứ nhõng nhẽo đòi đi theo. Bố to tiếng, con khóc, mẹ xót con nên cũng bù lu bù loa, mắng chồng là vô trách nhiệm, không thương con. Cả gia đình bỗng nhiên hỗn loạn chỉ vì một nguyên nhân không đáng.
Stress vì bị bỏ rơi
Trước ngày có con, cuộc sống của vợ chồng anh Tùng (Nguyễn Chính, HN) không khác thời yêu nhau là mấy. Vợ anh chu đáo, quán xuyến việc nhà, lo cho chồng từng tí một, từ bữa ăn đến bộ quần áo anh mặc hàng ngày. Anh Tùng vẫn hãnh diện với bạn bè, vì vợ anh đảm đang, tâm lý, cái gì cũng nghĩ đến chồng đầu tiên. Vậy mà từ lúc cậu ấm ra đời, chị Thủy (vợ anh) dường như quên bẵng mất chồng, lúc nào cũng tất bật việc con cái, nhà cửa, ngay cả những câu nói nhẹ nhàng, âu yếm hồi nào giờ cũng chẳng mấy khi anh được nghe. Nhiều khi, anh Tùng cảm thấy ghen tị với con, bỗng dưng trở nên cáu kỉnh, bực bội vô lý vì thấy mình giống như một… người thừa trong gia đình.
Lắm lúc muốn gửi con cho ông bà để vợ chồng cùng nhau đi uống cà phê, mua sắm nhưng vợ anh nhất định không đồng ý. Nàng cứ canh cánh vì con, sợ ông bà già yếu, không thể nhanh mắt, nhanh tay chăm sóc, nhỡ đâu xảy ra chuyện gì thì có ân hận cũng chẳng lấy lại được. Anh Tùng thở dài ngao ngán, bây giờ anh mới biết mặt trái đằng sau cái tính chu đáo, cầu toàn của vợ.
Ngay cả chuyện chăn gối vợ chồng cũng thưa thớt, nhạt dần, bởi sau một ngày bận bịu với việc cơ quan, nhà cửa, con cái, đến tối, vợ anh kêu mệt, chẳng còn hứng thú “chiều chồng” như ngày xưa. Anh bí bích, đâm ra hay bực mình, cáu bẳn. Vợ thấy thế, lại chì chiết chồng, bảo anh ích kỷ, ghen cả với con.
Lỗi do ai?
Thông thường cả hai vợ chồng đều tìm ra hàng ngàn lý do để biện minh cho những “vấn đề” của riêng mình. Chồng căng thẳng, ức chế thì vợ cũng chẳng kém, các chị lý luận:
Tôi bận trăm công nghìn việc nên chồng tôi cũng phải có trách nhiệm với gia đình, phải đưa con đi chơi, phải cùng tôi chăm sóc con cái. Tôi không có ý định bắt con làm “vệ tinh” theo dõi anh. Nếu anh ấy đàng hoàng thì đâu có gì phải sợ, hay tại có tật nên mới giật mình?
Chị Thủy tâm sự: “Tại sao chồng lại đòi hỏi quá nhiều trong khi sức lực tôi có hạn? Anh ấy là người lớn, tự biết chăm lo cho bản thân nên giờ tôi dành nhiều thời gian hơn cho con cũng là điều dễ hiểu. Thái độ ích kỉ của anh ấy khiến tôi cảm thấy khó chịu. Làm cha, chẳng có ai lại ghen tị với chính con mình bao giờ”.
Bào chữa thì nhiều mà hình như không có ai chịu nhận lỗi. Cả chồng, cả vợ, lý do gì đưa ra cũng chính đáng, thuyết phục. Thực tế, khi đứa trẻ ra đời, nhiều vấn đề nảy sinh nên rất dễ dẫn đến mâu thuẫn cho dù trước đó cả hai người đều đã “thuận vợ thuận chồng”. Nên chăng, hãy dành cho nhau một chút “không gian” trong cái quỹ thời gian ít ỏi đó, dù chỉ là 15 phút mỗi ngày cũng đủ giúp cho vợ chồng hiểu nhau và bớt đi những xì trét vụn vặt mà “thiên thần nhỏ” đã vô tình mang lại.
Bằng cách này hay cách khác, vợ chồng nên thông cảm, tinh tế và có trách nhiệm với nhau hơn. Như thế, các đức ông chồng mới không có cảm giác bị xa lánh, cô đơn, hay cảm thấy là một người thừa trong gia đình.
Theo Sức khỏe Gia đình
Bình luận (0)