Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hà Nội: Sẽ thẩm định công nhận trường chất lượng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay ở Hà Nội đang tồn tại một số cơ sở giáo dục gắn mác "chất lượng cao". Thực, hư về chất lượng của các cơ sở này như thế nào… là câu hỏi mà ngành giáo dục Hà Nội cần trả lời.

Hà Nội vẫn chưa xây dựng được tiêu chí thế nào là cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Mục tiêu là  để có thể đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển mô hình đào tạo này một cách chính thống và bền vững.

"Cao" không tiêu chí

Hiện nay Hà Nội vẫn chưa xây dựng được tiêu chí thế nào là cơ sở giáo dục chất lượng cao. Trên thực tế, Hà Nội cũng đã hình thành một số mô hình cơ sở giáo dục với tên gọi, hình thức hoạt động, cơ sở vật chất theo mô hình trường nước ngoài để thu hút những gia đình có điều kiện kinh tế cao.

Theo ông Phạm Văn Đại, điều này đang dẫn đến sự ngộ nhận hay tự nhận rằng đó là mô hình trường chất lượng cao dù những cơ sở này chưa được cơ quan nào công nhận là trường chất lượng cao. "Chúng tôi cũng nắm được một số mô hình hoạt động của trường quốc tế ở Hà Nội. Họ có thể hơn các trường của ta về trình độ tiếng Anh của giáo viên và học sinh, hay các hoạt động giáo dục về kỹ năng sống… Nhưng về các môn văn hóa thì họ không thể hơn các trường theo mô hình chất lượng cao của Hà Nội hiện nay. Cá biệt, có những cơ sở rơi vào kiểu hoạt động vì lợi nhuận thay vì giáo dục thực chất, gây nghi ngờ cho người dân về chất lượng dịch vụ cao của ngành giáo dục".

"Nhiều người vẫn cho rằng trường chất lượng cao phải là những trường quốc tế, có yếu tố nước ngoài. Nhưng tôi khẳng định rằng trường của chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ, trình độ chất lượng cao. Các môn văn hóa có thể học bằng tiếng Anh nhưng vẫn là chương trình của người Việt, học văn hóa Việt" – ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường tiểu học và THPT Nguyễn Siêu quả quyết.

Tự phát huy thế mạnh?

Hà Nội đặt ra mục tiêu từ năm 2006-2010 là phát triển một số ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao, trong đó có giáo dục. "Nếu không đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ chất lượng cao, giáo dục Hà Nội sẽ lạc hậu so với các địa phương khác chứ chưa nói đến khu vực và quốc tế" – ông Đại khẳng định. Tuy nhiên, ông Đại cũng cho rằng đến thời điểm này việc xây dựng các cơ sở dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo mô hình nào và bằng cách nào để vừa đáp ứng được nhu cầu khách hàng, vừa phù hợp với nhu cầu nhân lực và từng bước tiếp cận được với mô hình giáo dục tiên tiến vẫn còn khá mới mẻ. Một số trường hiện nay đang cung cấp chất lượng cao trong điều kiện, khả năng của nhà trường, ví dụ như Trường Hà Nội – Amsterdam.

Bà Lê Thị Oanh, Phó hiệu trưởng Trường Hà Nội – Amsterdam cho biết trường đã đưa ra phương án xây dựng mô hình trường chất lượng cao từ bậc THCS. "Mục tiêu của mô hình này là chú trọng phát triển đồng thời các chỉ số IQ, EQ của học sinh. Học sinh thông minh, có kiến thức toàn diện, nhưng đồng thời phải được trang bị kỹ năng, cảm xúc với các giá trị xã hội, có ý thức trách nhiệm xã hội…".

Theo PGS. TS Trần Khánh Đức, ĐH Quốc gia HN thì VN cũng cần xác định mô hình của mình theo định hướng chung của các nước dựa trên khả năng thực tế. "Việc xây dựng mô hình trường chất lượng cao đầu tiên phải dựa trên sự khảo sát nhu cầu người sử dụng, phải nắm bắt để thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Trước đây, theo mô hình bao cấp, các trường chỉ biết đưa ra những gì mình có chứ không quan tâm đối tượng phục vụ cần những gì. Ngoài ra, các trường nên đi theo hướng tự chọn, tạo điều kiện để học sinh có thể chọn lựa những hình thức, bộ môn phù hợp với mình bên cạnh những môn cứng".

Ông Nguyễn Văn Hoà, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì cho rằng, không nên đặt ra một hình thức hoạt động khuôn mẫu nào cho trường chất lượng cao mà nên để mỗi trường tự phát huy thế mạnh của mình trên chuẩn chung.

Trong tuần tới, Sở GDĐT Hà Nội sẽ họp để thông qua nhóm đề án mô hình trường chất lượng cao bậc THPT và sẽ quyết định những trường được thẩm định để chính thức được công nhận là cơ sở giáo dục chất lượng cao.

 
Ngân Anh (Lao động)

Bình luận (0)