Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phương pháp sử dụng bản đồ: Không được xem nhẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong đang xem bản đồ sao di động

Sử dụng bản đồ là công việc không thể thiếu đối với giáo viên và học sinh trong tiết học địa lý. Vậy làm thế nào để có được phương pháp dạy và học theo bản đồ và sử dụng số liệu thống kê tốt nhất?
Quá chú trọng chuyển tải nội dung
Thời gian gần đây việc dạy và học môn địa lý tại các trường tiểu học đã có nhiều cố gắng tích cực theo hướng đổi mới phương pháp, đồng thời đảm bảo được mục tiêu giáo dục của bậc học. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, bên cạnh đó, thực tế vẫn còn nhiều giờ dạy địa lý chưa đạt yêu cầu về mặt chuẩn kiến thức và kỹ năng cơ bản. Đặc biệt việc học sinh khai thác các tri thức địa lý từ bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh… trong và sau các tiết học vẫn còn nhiều hạn chế. Có giáo viên bộ môn chưa xác định rõ chuẩn kiến thức của chương trình, yêu cầu kỹ năng cần đạt được trong một giờ địa lý. Không nắm vững chuẩn kiến thức, giáo viên có thể dạy nhiều nói nhiều nhưng vẫn không đi đúng trọng tâm của bài học. Vì thế sự tiếp thu của các em bị lệch hướng, đi quá xa với nền kiến thức cơ bản. Một hạn chế khác mà chúng ta thường thấy là khi dạy học, giáo viên thường chỉ chú trọng chuyển tải nội dung mà chưa quan tâm đúng mức đến phần thực hành, liên hệ thực tế. Thiếu thực hành không những làm cho các em thiếu kỹ năng vận dụng mà còn chán giờ học, chỉ biết nghe một cách thụ động. Bên cạnh đó, việc soạn giáo án hiện nay, theo đánh giá của giới chuyên môn vẫn còn nặng về hình thức, chỉ cốt làm sao phải đủ các bước mà quên đi ý đồ, mục tiêu bài dạy, chưa truyền đạt đủ thông tin cần thiết đến học sinh. Việc sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học không phải là không thực hiện nhưng chưa phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, có những giáo viên đã biết sưu tầm tư liệu, tải tranh ảnh trên mạng, truyền hình để cung cấp kiến thức cho học sinh nhưng con số đó vẫn chưa nhiều. Việc khai thác kiến thức từ bản đồ, lược đồ, bảng số liệu, biểu đồ… qua các tiết học chưa giúp học sinh đạt được kỹ năng sử dụng, có khi chỉ trước quên sau. Quá trình thực hiện thường chỉ mới dừng lại ở việc tổ chức học sinh đứng từ xa quan sát theo kiểu “kính nhi viễn chi”. Kết luận rút ra cũng chung chung, đại khái làm cho học sinh chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không hiểu bản chất, cứ thế mà học thuộc bài theo lối từ chương. Môn địa lý – qua thực tế cho thấy – vẫn chưa có lực hút đối với người học, nhất là những bài có kiến thức trừu tượng, các bảng số nhiều con chữ, lắm biểu đồ thống kê phức tạp.
Kỹ năng sử dụng bản đồ
Nếu giáo viên có đầu tư và biết sáng tạo, nắm vững phương pháp dạy học theo đặc trưng bộ môn, biết cách tổ chức hoạt động học tập trên lớp thì thành công tiết học chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay nhất là các tiết học có sử dụng bản đồ, biểu đồ số liệu.
Bản đồ là một phương tiện quan trọng và cần thiết của môn địa lý. Nó không chỉ là “hình ảnh” để thầy cô minh họa cho bài giảng mà còn chứa đựng trong đó nhiều dữ liệu giúp các em khai thác kiến thức môn học. Vì thế trong các tiết học địa lý, công cụ này thường xuyên được sử dụng. Để tiết học có hiệu quả, giáo viên phải có phương pháp sử dụng bản đồ giáo khoa ngay trong khi soạn giáo án và trong tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập. Điều quan trọng hơn là thông qua đó giáo viên phải biết hướng dẫn các em dùng bản đồ, bảng số liệu một cách chính xác. Phải giúp các em có thêm kỹ năng sử dụng theo các bước, biết tên phương hướng, bảng chú giải, tỷ lệ và ký hiệu từng loại bản đồ. Nhìn bản đồ các em biết phân biệt độ cao, nhận biết đồng bằng, vùng biển, cao nguyên qua màu sắc, ký hiệu. Nhìn vào bảng số liệu các em nêu được đặc điểm về diện tích, khí hậu, nông nghiệp, hoạt động sản xuất…. từng thời kỳ của từng khu vực. Nếu sử dụng quả địa cầu thì các em phải xác định được vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ của các châu lục, châu đại dương. Nói tóm lại dù sử dụng bản đồ, quả địa cầu hay biểu đồ, bảng số liệu học sinh phải biết “đọc”, nhận xét những thông tin có trong đồ dùng đó như sự phân bố nông-lâm-ngư nghiệp… chỉ đúng tên cao nguyên, đồng bằng, diện tích mỗi châu lục, độ sâu của mỗi đại dương….
Đối với môn địa lý, nếu là một tiết học tốt sẽ để lại cho tâm hồn trẻ những dấu ấn tốt đẹp, giúp cho trẻ có cách nhìn thêm rộng mở, thêm yêu thương con người và đất nước. Từ đó các em càng yêu thêm sự sống, tìm cách bảo vệ môi trường và bầu không khí trong lành trên trái đất. Điều này còn phụ thuộc vào “bản lĩnh” nghề nghiệp của mỗi thầy cô khi đứng trước màn hình trình chiếu hay bục giảng.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)