Ngày nay, Neil Boorman được mời đến các diễn đàn trên thế giới. Tại đây, Neil phân tích về sức quyến rũ của niềm đam mê mới của anh – sự trống rỗng, giải thích anh đã có thêm nhiều tiền như thế nào kể từ khi muốn sống dè sẻn.
Đốt tất cả những gì mình có
Làm báo tại London. Chuyên gia về các phong cách sống mới. Nhưng không làm chủ được chính mình. Đó là cuộc sống của Neil Boorman. Mê các logo, nghiện các thương hiệu, đam mê những nhãn mác nổi tiếng, Neil Boorman dần trở thành nô lệ của shopping. Các cuộc săn lùng không hồi kết dẫn dắt anh từ cửa hàng này đến cửa hiệu nọ. Chẳng có gì khiến Neil vui bằng mua sắm.
Và khi không đi shopping, Neil không thể ngừng nghĩ về nó. Đỉnh điểm nhất là Neil đã ăn trộm tại văn phòng làm việc để có tiền mua một đồ vật xa xỉ. Một lần trên bãi biển ấn Độ, khi đang dõi theo cuộc bán đấu giá một chiếc áo phông hàng hiệu trên eBay, Neil Boorman nhận ra rằng: mình đã trở nên phụ thuộc, giống như những người khác nghiện ma túy.
Anh quyết định thoát ra khỏi cuộc sống này bằng cách tuân theo khẩu hiệu: “Hủy hoại những gì đang hủy hoại bạn”. Hành động “giải phóng” của Neil diễn ra vào ngày 17/9/2006, giữa London khi anh đốt những biểu tượng cho đẳng cấp mà nhờ chúng anh tự khẳng định mình, những biểu tượng minh chứng cho cuộc săn tìm sự thừa nhận xã hội của anh. Tất cả. Những bộ đồ hàng hiệu của Gucci hay Helmut Lang, bộ sưu tập giày basket hàng độc, những chiếc túi Louis Vuitton, con BlackBerry rồi cả những đồ gỗ trị giá 50.000 bảng.
Sau khi đốt tất cả là khủng hoảng. Chỉ có một con nghiện sau một đợt cai nghiện ngắn ngày mới có thể hiểu được nỗi đau đớn mà Neil đã trải qua. Hình ảnh của chính Neil, những thứ mà Neil cho rằng tạo nên danh tiếng cho mình đã tan thành mây khói, chỉ còn là một đống tro.
“Bonfire of the Brands” có đủ nóng?
Lẽ ra Neil có thể hiến tặng quần áo và đồ đạc quý giá của mình cho một tổ chức nhân đạo thay vì đốt chúng. Nhưng Neil đã biết dùng báo chí làm công cụ để khơi dậy những làn sóng bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những gì nhà báo này dự định đã đến: cuộc sống không hàng hiệu của anh đã được dựng lên thành một hình mẫu, và nó đã dẫn dắt người hùng khôn ngoan đến với sự nổi tiếng.
Ngày nay, Boorman được mời đến các diễn đàn trên thế giới. Tại đây, Neil phân tích về sức quyến rũ của niềm đam mê mới của anh – sự trống rỗng, giải thích anh đã có thêm nhiều tiền như thế nào kể từ khi muốn sống dè sẻn. Những tờ tạp chí về lối sống – chính những tờ này hàng ngày vẫn ca ngợi các vật dụng mốt nhất hay mẫu ôtô mới nhất – hùa theo Neil để nói rằng những nhãn mác nổi tiếng đã là quá khứ.
Boorman đã viết một cuốn sách mang tên Bonfire of the Brands. Cuốn sách đã rất thành công không chỉ tại Anh mà còn tại Tây Ban Nha, Úc, hay Hàn Quốc. Trong cuốn sách, nhà báo này kể lại những điều dẫn đến việc anh đốt đống đồ hàng hiệu và những thay đổi trong cuộc sống của anh từ sau sự kiện đó.
Ngày nay, không còn nợ nần, Neil chọn mua hàng hóa kỹ hơn, không vì thương hiệu của chúng mà vì chất lượng. Neil kể rằng cuộc sống của mình bớt hời hợt hơn và đặc biệt là anh sống chậm hơn. Neil giải thích mình suy nghĩ thế nào trước khi chuẩn bị mua một món đồ để biết được nó có cần thiết hay không. 40% các trường hợp, câu trả lời là không và Boorman từ bỏ ý định mua.
Tuy nhiên, Neil vẫn chưa thật “vững vàng” đến thế. Tinh thần Neil vẫn có thể bị tác động. Neil đã thừa nhận với một nữ nhà báo phỏng vấn anh rằng anh khó mà thích cô được, chỉ vì cô chẳng mặc một thứ đồ hiệu nào.
Đương nhiên, khó có thể nói rằng việc làm của Neil Boorman và chiến dịch truyền thông được chuẩn bị bài bản của nhà báo này có thể khiến ngành công nghiệp thời trang và những đồ xa xỉ gặp khó khăn. Cần phải có hơn một cuốn sách để có thể thay đổi bầu không khí đã “thấm nhuần” ý tưởng rằng tiêu dùng không suy nghĩ tức là sống tốt hơn. Nếu như Boorman và cuốn sách của anh đang rất nổi tiếng, điều này chỉ chứng tỏ rằng ngày nay mua sắm đã trở thành một dạng thuốc phiện phổ biến đến thế nào.
Theo Le Temps/Sinh Viên Việt Nam
Bình luận (0)