Tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc, trong đó có miền núi vùng dân tộc khu vực Bắc Trung bộ, từ lâu đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta nói chung và Bộ GD&ĐT nói riêng. Tháng 9/2007, Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho Trường Dự bị Đại học (DBĐH) Dân tộc Sầm Sơn (đóng tại thị xã Sầm Sơn tỉnh Thanh Hoá) tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới quản lý dạy học ở các trường DBĐH dân tộc”. Tiếp theo sự thành công của Hội thảo này, ngày 05/3/2008 Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 1780/BGDĐT-KHCN về việc hướng dẫn nội dung hoạt động khoa học và công nghệ năm 2008, giao Trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn tổ chức Hội thảo khoa học “Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc khu vực Bắc Trung bộ giai đoạn 2008 – 2020”. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, vừa qua tại Thanh Hoá, Hội thảo đã được trường DBĐH Dân tộc Sầm Sơn tổ chức thành công với sự tham gia của đông đảo các đại biểu, gồm đại biểu đại diện Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các trường DBĐH trên toàn quốc, các trường phổ thông dân tộc nội trú, đại diện chính quyền địa phương khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ.
Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ giảng viên quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc khu vực Bắc Trung bộ. Tại hội thảo đã có 6 báo cáo khoa học được trình bày; có nhiều ý kiến phát biểu của các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo chính quyền địa phương khu vực Bắc Trung bộ. Hội thảo đã phân tích, chỉ rõ thực trạng kinh tế – xã hội, căn cứ vào đó để chỉ ra nhu cầu đào tạo nhân lực cho khu vực miền núi, vùng dân tộc khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ giai đoạn 2008 – 2020; qua đó đề xuất các giải pháp nghiên cứu đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho miền núi, vùng dân tộc khu vực này trong giai đoạn 2008 – 2020. Báo cáo đề dẫn chỉ rõ các tỉnh Bắc Trung bộ có khoảng 25 dân tộc, trong đó dân tộc ít người chiếm khoảng 9,4% dân số, chủ yếu phân bố ở phía Tây, đời sống nghèo, mù chữ nhiều, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chiếm tới 90% (toàn vùng 73,4%), trong khi đó lao động công nghiệp và dịch vụ chỉ có 10% (toàn vùng 26,6), năng suất lao động thấp. Dân cư chủ yếu sống ở nông thôn, tỷ lệ đô thị hoá 12%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước. So với các vùng khác thì đây là vùng kinh tế kém phát triển, trình độ học vấn không cao, thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặc biệt là tình trạng thiếu cán bộ cho khu vực miền núi, vùng dân tộc. Việc tạo nguồn cán bộ là khâu quan trọng, tiên quyết để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến tham luận đều đề xuất Bộ GD&ĐT tiếp tục đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống trường DBĐH trên phạm vi toàn quốc; có định hướng cho việc xây dựng nâng cấp trường DBĐH thành trường Đại học Dân tộc; trước mắt giao thêm nhiệm vụ đào tạo cho các trường DBĐH. Các ý kiến cũng kiến nghị Bộ cần tăng chỉ tiêu DBĐH, giảm chỉ tiêu cử tuyển tiến tới 100% HS diện cử tuyển được bồi dưỡng 01 năm DBĐH để HS cử tuyển đủ điều kiện vào học ĐH, CĐ… Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị lãnh đạo các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuyển sinh với các đơn vị đào tạo; thường xuyên cung cấp số liệu cụ thể, chính xác về nhu vầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương; có chính sách khuyến khích học tập đối với người dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với các dân tộc đặc biệt ít người; sắp xếp công việc phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn được đào tạo cho cán bộ người dân tộc thiểu số…
Có thể nói thành công của Hội thảo đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc khu vực Bắc Trung bộ, một vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn nói riêng và đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc trong cả nước nói chung.
Thành Chung
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)