Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giao tiếp là yếu tố quan trọng để giỏi ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Diễn thuyết bằng tiếng Anh là cơ hội tốt để sinh viên ngoại ngữ phát triển kỹ năng nói và tiếp nhận ngôn ngữ ảnh: XN

Trong thời buổi ngoại ngữ là công cụ chủ yếu để hội nhập thế giới, vậy mà vẫn còn nhiều sinh viên ở một số trường đại học chưa giao tiếp được thành thạo tiếng nước ngoài thì quả là đáng trách đối với người học.

Trên thực tế, một số bạn trẻ bây giờ chưa chịu học và thường thích đổ lỗi cho… hoàn cảnh. Nhiều sinh viên còn hồn nhiên biện minh cho việc chưa đọc thông viết thạo hay giao tiếp ngoại ngữ kém của mình là do từ bé trường mình không dạy, do cơ sở vật chất nghèo nàn hoặc đổ lỗi cho phương pháp dạy thiếu thực tế và phương tiện nghe nói chưa hiện đại v..v và v..v… Nhưng các cụ xưa đã dạy “Tiên trách cử, hậu trách nhân ”- họ chỉ biết kêu ca phàn nàn mà lảng tránh trách nhiệm chính là do bản thân mình chưa quyết tâm học và nỗ lực hội thoại, giao tiếp. Cô Bạch Thu Giang (giảng viên môn Tiếng Anh, Trường ĐH KHXH&NV- HN ) bức xúc: “Việc học là của các em, chúng tôi chỉ định hướng. Nhà trường vẫn tạo điều kiện để các em thực hành nghe nói trên lớp. Cơ sở vật chất nhà trường thì đương nhiên là chưa thể tốt. Song, trên thực tế internet, sách, báo, tạp chí, băng đĩa, ti vi đầy ra, các em phải tích cực tự học và giao tiếp chứ ?!…” Quả đúng là như vậy, học và nghiên cứu tiếng Anh không phải là việc tiếp thu một kiến thức, mà chủ yếu là thực hành và thể hiện. Sinh viên chúng ta phải thực sự nhận lấy "trách nhiệm học này. Không thể đến trường, chỉ có việc ngả lưng ra ghế, nghe giảng viên nói mà hy vọng sẽ giao tiếp tốt được, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.

Ngày trước, hoàn cảnh cuộc sống rất khó khăn, lấy đâu ra phương tiện nghe nhìn hiện đại như bây giờ, vậy mà nhiều người vẫn vượt lên tất cả, không những đọc thông viết thạo tiếng Pháp, tiếng Nga, mà đối thoại trực tiếp với bạn bè ở các nước phương Tây vẫn tốt. Tiến sĩ Đặng Dũng Chí- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người ( Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ) nhớ lại: “…Thời ấy, những ngày sơ tán, thầy trò chúng tôi về nông thôn, gạo chẳng có mà nấu cơm, toàn ăn mì không người lái với hạt bo bo thôi. Lấy đâu ra phương tiện nghe nhìn hiện đại mà học ngoại ngữ như bây giờ (?!) Nhưng đi đâu, trên tay mỗi đứa cũng có một quyển sổ từ nhỏ để bất cứ lúc nào cũng có thể liếc vào đó mà nhẩm đọc cho nhớ. Thế rồi, cứ chiều chiều, cả bọn lại rủ nhau ra bụi tre đầu làng ngồi hội thoại, nói đại với nhau những chuyện đời thường bằng tiếng Nga – vui và cười như pháo nổ! Vậy mà sau khi tốt nghiệp đại học vẫn có cậu đi phỏng vấn đạt điểm cao, được chọn đi tu nghiệp nghiên cứu sinh ở nước ngoài đấy…” Điều cốt yếu là người học phải quyết tâm vượt lên mọi hoàn cảnh (cho dù là khó khăn và thiếu thốn) để chăm chỉ học và thực hành giao tiếp thường xuyên bằng thứ ngoại ngữ mình học thì mới nhanh tiến bộ được.

Với bất cứ một môn ngoại ngữ nào, thì cái đích cuối cùng của người học cũng đều là đọc thông, viết thạo, nghe và nói chuẩn. Trong đó, giao tiếp là điều cơ bản nhất! Những kiến thức về từ vựng và ngữ pháp cũng chỉ là chất liệu để giao tiếp tốt hơn. Và mỗi bạn chúng ta phải học đến khi giao tiếp thành thạo mới gọi là biết một thứ tiếng.Các nhà tuyển dụng thường đề cao tiêu chí về kỹ năng giao tiếp với những bạn trẻ đến xin việc. Bởi trong thời buổi phải trao đổi, hợp tác thường xuyên với các đối tác nước ngoài, có những nhân viên biết thương thảo thành thạo một hoặc nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau là một yếu tố thuận lợi không nhỏ cho mỗi công ty. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều này. Có bạn nắm ngữ pháp rất chắc, nhưng khi đối thoại với đối tác nước ngoài thì lại gặp khó khăn – Họ không thể nghe hay nói chuyện bằng những thứ ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ của mình một cách thành thạo. Bạn Nguyễn Thu Trang (sinh viên năm cuối, Khoa Kinh tế đối ngoại – ĐH Ngoại Thương Hà Nội) cho biết: “Muốn nghe nói tốt, cứ tìm gặp những người bản xứ hoặc mạnh dạn nói chuyện với thầy cô dạy môn ngoại ngữ đó. Đừng sợ cũng đừng ngại ngần, dù lúc đầu có thể nói sai hay phát âm chưa chuẩn. Nhưng phải nói ra mới biết mình sai ở đâu để còn sửa chứ cứ giấu dốt thì bao giờ mới khá lên được.” Không gì bằng trải nghiệm, mỗi sinh viên chúng mình nên chủ động học và giao tiếp thì mới nhớ lâu được bởi một kỹ năng tốt là sản phẩm kết hợp giữa thực hành và sự nỗ lực của bản thân.

Lỗ Tấn từng viết “Người ta đi mãi cũng thành đường”- Học ngoại ngữ là phải chăm chỉ, kiên trì, đừng vội nản. Hãy tự tìm cho mình một “con đường đi” hay nói đúng hơn là cách học ngoại ngữ tốt nhất- Có thể bạn sẽ chưa đọc thông viết thạo ngay, đôi khi là… thất bại qua mỗi cuộc hội thoại, phỏng vấn hay cuộc thi tiếng Anh, Pháp, Đức , Trung… nào đó. Nhưng quan trọng là sau mỗi lần “thử sức” ấy, bạn sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình để cố gắng vươn lên. Và rồi, con đường mà bạn đem hết sức mình ra tìm tòi, tích luỹ ấy chắc chắn sẽ đưa bạn đến với niềm vui của sự thành công và chiến thắng! Khi ấy, thử hỏi còn gì tuyệt hơn khi bạn đã tự mình quảng bá được vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam thân yêu trên trường quốc tế.

Phạm Linh Chi (GD&TĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)