Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đại học: Cơ hội cuối cùng để sửa lỗi?

Tạp Chí Giáo Dục

"Nếu dạy tiểu học không tốt thì ĐH chính là “cơ hội cuối cùng” để sửa lỗi. Có thể làm được hay không phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên trẻ" –  bạn Đàm Duy Long, giảng viên Khoa Du lịch (ĐH Huế), hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ ở Pháp đã khẳng định như vậy khi trăn trở "làm sao để có một đội ngũ giảng viên chất lượng, có thể đáp ứng "mộng mười năm".  

Chúng tôi đăng tải bài viết của bạn Long và mong nhận được ý kiến tranh luận của bạn đọc.

 


Mô tả ảnh.

Các chủ đề thường được đề cập nhất ở các bài báo khi bàn đến giảng viên trẻ là “lương”, “triển vọng nghề nghiệp”, “môi trường làm việc”. Có thể thấy, bất cập, thiếu sót trong điều kiện hiện nay phần lớn đều mang tính khách quan. Việc giải quyết cần có thời gian và cả sự vận động của chính đội ngũ giảng viên. Sẽ là phiến diện nếu nói là trách nhiệm thuộc về ai, giảng viên hay cơ chế. Vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ hiện nay chính là tự đào tạo, với sự giúp đỡ của nhà trường, địa phương và Bộ GD-ĐT.

 

Trong phạm vi bài góp ý này, tôi xin đề cập đến một khía cạnh tổng quát hơn: Xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ chất lượng.

Giáo dục Việt Nam có bằng nước ngoài được không?

Trong quá trình học tập ở Pháp, tôi nhận thấy, nếu so sánh tương quan thì chất lượng giảng viên Việt Nam chẳng kém bên này là bao.

Vì sao? Bóc tách lớp “cơ sở vật chất” ra khỏi chất lượng giáo dục, đưa chất lượng giáo dục về yếu tố con người thì có thể thấy, chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào người giảng viên. Ở đây (Pháp) cũng có những giảng viên dạy hay, sinh viên thích và tất nhiên cũng không ít giảng viên làm sinh viên ngủ gật, chán nản. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu có thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn không? Câu trả lời của bản thân tôi là có thể. Hãy bắt đầu từ đội ngũ giảng viên trẻ.

Dưới đây sẽ là một số định hướng để xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục Việt Nam:

“Dạy” cho giảng viên trẻ nhận thức bản thân

Giảng viên trẻ, các ông cụ bà cụ? Tôi viết như vậy vì ngoài các giảng viên tâm huyết với nghề, năng động sáng tạo thì còn một “đội ngũ” không nhỏ các giảng viên trẻ thụ động, đặc biệt là họ mang tư tưởng “ấm chỗ”. Họ phấn đấu với mọi nỗ lực học thật tốt để ở lại trường. Nhưng sau đó, khi đã ấm chỗ thì như các “ông cụ”, “bà cụ” có vẻ rất trí thức, rất kiểu cách mà quên mất rằng mình đang mang một trọng trách hết sức lớn lao. Họ chăm lo cho laptop với các bộ phim hay, chăm lo cho những chiếc áo đầm đắt tiền để cho bằng bạn bằng bè (đồng nghiệp), trong khi bài giảng thì sơ sài, “làm cho có”; nghiệp vụ sư phạm thì yếu kém. Nếu trong ngắn hạn, họ sẽ chỉ là những người kém năng lực, nhưng nếu đặt họ trong cái nhìn dài hạn, họ sẽ chính là những “tảng đá nặng” kéo con tàu giáo dục Việt Nam đi chậm như “rùa”. Tôi xin khẳng định, bộ phận này hiện nay chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Việc đầu tiên cần làm là “cài đặt” cho các giảng viên trẻ một tư duy chiến lược. Phải làm cho họ biết họ là ai, cần làm cái gì, cho họ biết giáo dục Việt Nam phát triển hay trì trệ một phần không nhỏ phụ thuộc vào họ. Điều này có thể làm được dựa vào các chương trình truyền thông, các khóa huấn luyện kĩ năng cho giảng viên trẻ.

Dạy ĐH là dạy “người lớn”. “Người lớn” chỉ nghe những điều mang tính trải nghiệm mà họ cho là đúng. Giảng viên chỉ có thể thuyết phục sinh viên khi chính họ phải trang bị một nền tảng nhận thức, thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn. Thật nguy hại nếu giảng viên truyền cho sinh viên những tư tưởng lệch lạc, méo mó chưa được gọt giũa của mình.

Đào tạo ngoại ngữ cho giảng viên trẻ

Cần phải nhìn nhận rằng, không ít giảng viên trẻ hiện nay rất yếu ngoại ngữ. Họ sớm hài lòng với chứng chỉ C. Trong khi nếu “quẳng” lên mạng, không ít người thậm chí còn quá ngây thơ. Nguyên nhân là vì “tiếng Anh nhiều quá, hoa mắt!?”. Chất lượng giảng dạy của giảng viên phụ thuộc vào chất liệu làm nên bài giảng. Mà chất liệu bài giảng không thể lấy từ các giáo trình “cũ mèm” mà phải “lục lọi” trên thế giới (Internet). Liệu giảng viên khai thác được bao nhiêu kiến thức nếu họ không có ngoại ngữ?

Việc đào tạo ngoại ngữ cho giảng viên trẻ cần phải làm có hệ thống và đặc biệt có các tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng sau các khóa học.

Tăng cường liên kết đào tạo và gửi giảng viên trẻ đi học nước ngoài

Tôi hoàn toàn tán thành với một số giáo sư về quan điểm đừng quá đặt nặng vấn đề “có trường lọt vào top 200” mà hãy quan tâm đến việc nâng cao chất lượng con người – giảng viên; để làm sao 70-80% SV ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc.

Nếu bóc lớp “cơ sở vật chất” ra khỏi chất lượng giáo dục thì tôi tin tưởng Việt Nam không thua kém các quốc gia khác.

Có thể thấy kết quả nghiên cứu, công trình khoa học được công nhận của họ một phần rất lớn nhờ vào hệ thống cơ sở vật chất “đồ sộ”. Vậy, việc của chúng ta là cho giảng viên trẻ một thời gian (1-2 năm) sống, học tập, nghiên cứu trong môi trường đó, trong cơ sở vật chất đó. Họ sẽ biết cần làm gì khi trở về.

Cũng cần công nhận rằng, một số giảng viên sau khi tu nghiệp một vài năm ở nước ngoài về nhưng chất lượng vẫn không tăng lên là mấy. Nguyên nhân, theo tôi, chính là việc chúng ta không làm tốt nhiệm vụ thứ nhất: Dạy cho họ cách nhận thức bản thân.

Tại sao có tiến sĩ 27 tuổi người Việt đang bắt tay vào thay đổi kinh tế thế giới? Tại sao có giảng viên trẻ làm chấn động ĐH Havard bằng đề tài luận án tiến sĩ của mình? Vì họ là người Việt Nam!

Theo GS Hồ Ngọc Đại, 2 cấp học quan trọng nhất chính là cấp Tiểu học và Đại học. Theo  tôi, nếu dạy Tiểu học không tốt thì ĐH chính là “cơ hội cuối cùng” để sửa lỗi. Có thể làm được hay không, phụ thuộc vào chúng ta, đội ngũ giảng viên trẻ

.Đàm Duy Long (Réunion, Pháp)

Theo Vietnamnet

Bình luận (0)