Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giúp trẻ 3 – 4 tuổi làm quen với mặt chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Đỗ Minh Hoàng Đức trong giờ dạy vi tính tại Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu

Thầy Đỗ Minh Hoàng Đức, giáo viên tin học Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu – TP.HCM vừa cơ bản hoàn tất phần mềm với tên gọi “Vui học mầm non”. Phần mềm không chỉ giúp cho trẻ khiếm thị vui học mà còn giúp được trẻ từ 3-4 tuổi phát triển ngôn ngữ nói và làm quen với mặt chữ.
Chỉ sử dụng 4 phím cơ bản
Với phần mềm này trẻ chỉ cần sử dụng các phím cơ bản như lên (up), xuống (down), xóa lùi (backspace) và enter. Mục đích của việc sử dụng phím xóa lùi để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sử dụng web sau này. Phần khám phá có nhiều truyện đọc dành cho trẻ được chọn lọc bởi Viện nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam. Mỗi truyện đều có chữ hiện lên bên dưới để phụ huynh có thể tự đọc cho trẻ nghe. Trẻ khiếm thị chỉ cần rà chuột đến đâu (chủ đề nào) thì âm thanh của chủ đề đó sẽ phát ra, và rê chuột để tìm truyện đọc mình thích, nghe đúng tựa đề của truyện mình thích thì click chuột vào để nghe. Giọng đọc truyền cảm, xúc động được thu âm lại, thể hiện giọng của các tuyến nhân vật một cách rõ ràng, lôi cuốn trẻ.
Trong phần khám phá có mục giải trí gồm 2 chủ đề nhỏ: Bé làm ca sĩ và đố vui. Trong mỗi bài hát ở chủ đề bé làm ca sĩ (chỉ có nền nhạc) đều có hình ảnh động phù hợp với nội dung bài hát và chuyển động theo từng câu, từ (hình ảnh do tác giả phần mềm tự vẽ hoặc sưu tầm trên internet). Trong đó, nền nhạc do chính học sinh khiếm thị của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu thực hiện. Dự kiến sẽ đưa vào phần mềm hơn 100 bài hát của thiếu nhi. Giáo viên chưa có kỹ năng đàn thì cũng có thể sử dụng phần mềm này để luyện tập thêm hoặc phụ huynh cũng có thể cùng hát với con (có lời bài hát kèm theo).
Khám phá thế giới trẻ thơ
Phần đố vui đưa ra những câu hỏi liên quan, gần gũi với trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Sau khi nghe đọc chủ đề câu hỏi của đố vui, nếu chưa rõ sẽ click chuột lặp lại và rê chuột để chọn câu hỏi. Khi chọn đáp án nào thì âm thanh của đáp án đó sẽ phát ra, phím enter là chọn kết quả cuối cùng. Những lời chúc mừng (đáp án đúng) cũng như sự tiếc rẻ (đáp án sai) cũng lần lượt thay đổi, không lặp lại để tránh sự nhàm chán và kích thích trẻ khám phá. Đặc biệt, phần mềm sử dụng trên 3.000 hình ảnh động với màu sắc nhẹ nhàng, có tính giáo dục cao.
Trong phần mềm cũng thể hiện đầy đủ các chủ đề về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, đặc biệt là các loại nhạc cụ dân tộc. Cũng như các phần khác, cứ rê chuột vào tên gọi nhạc cụ nào thì hình ảnh của nhạc cụ, tiểu sử, nguồn gốc và âm thanh của nhạc cụ đó phát ra. Theo thầy Đức, việc đưa nhạc cụ dân tộc vào phần mềm là để giúp trẻ phân biệt được các loại âm thanh nhạc cụ, giáo viên và phụ huynh cũng có thể tìm hiểu thêm. Tiếng kêu của các loài động vật được đưa vào khá phong phú, đó là những âm thanh thật được thu âm rất chuẩn như tiếng chú lợn út ét, tiếng chim sẻ, chích chòe, tiếng động cơ xe máy, máy bay…

Giao diện của phầm mềm Vui học mầm non

 
Sở dĩ lấy tên phần mềm “Vui học mầm non” là vì tác giả không muốn người sử dụng hiểu đây là phần mềm dành riêng cho trẻ khiếm thị. Như vậy vô tình sẽ tạo khoảng cách, phân biệt giữa trẻ khiếm thị và trẻ bình thường. Hơn nữa, trẻ bình thường cũng có thể sử dụng, thỏa thích khám phá thế giới tuổi thơ của mình.
Thầy Đức cho biết: “Dự kiến vào ngày 3-1 sẽ cho trẻ khiếm thị sử dụng thử nghiệm và tổ chức những buổi tập huấn cho giáo viên, phụ huynh để việc ứng dụng phần mềm đạt hiệu quả cao. Khi có bản chính thức (khoảng tháng 5-2009) sẽ gửi tặng các trường, những cá nhân, tập thể trên toàn quốc có nhu cầu”.
Phần mềm này đã đạt giải nhất cuộc thi đồ dùng dạy học cho trẻ khiếm thị toàn quốc lần thứ 3-2008 do Viện khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT tổ chức (tổng kết và phát giải vào ngày 27-12-2008).
Trần Trọng Tri

Bình luận (0)