Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ngôi trường từ căn nhà bỏ hoang

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi buổi sáng, ba phòng học từ căn nhà bỏ hoang ở L3A lô J, cư xá Tân Cảng (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại ngân lên tiếng đọc bài ê a của những HS lớp 1, tiếng nói cười vui vẻ của cô trò lớp 3, 5…

Hàng trăm trẻ bán vé số, bán thuốc lá dạo, phụ quán, lượm bóng ở sân tennis… đã biết đọc, biết viết nhờ theo học ở Trường phổ cập tình thương phường 25.
Các em HS trong một giờ sinh hoạt tập thể. Niềm vui sẽ đưa các em đến lớp và không bỏ học giữa chừng – Ảnh: H.B.
Trường học, trường đời…
Mới hơn 6g đã thấy một nhóm học sinh (HS) ngồi xổm trước cổng trường chưa mở cửa. Kê cuốn vở bài tập toán 5 lên đầu gối hí hoáy, một bạn nam tên Hưng, 14 tuổi, mắt vẫn còn ngái ngủ nói như phân bua: “Hằng đêm em lội bộ từ phòng trọ ở đường Ung Văn Khiêm (P.25, Bình Thạnh) đến khu du lịch Bình Quới lượm banh cho một sân tennis. Làm xong về đến phòng đã tối hù, mệt phờ người nên em lăn ra ngủ. Sáng phải đến sớm nhờ bạn chỉ bài”. Quê Hưng ở Rạch Giá (Kiên Giang). Năm Hưng học lớp 2 thì bốn mẹ con dắt díu nhau lên TP.HCM vì ở quê “làm hoài hổng đủ ăn”.
Bốn mẹ con ở trong một phòng trọ “như cái nùi giẻ” (lời của một bạn cùng lớp với Hưng) trên đường Ung Văn Khiêm. Hưng được bạn làm cùng tên Bảnh dẫn đến trường xin học từ đó đến nay. Năm trước, mẹ Hưng chuyển ra quốc lộ 50 (Q.Thủ Đức) giúp việc nhà nhưng cậu học trò nhỏ ở lại cùng chị để bám lớp bởi “ra ngoài đó sẽ không được đi học”.
Bạn khác tên Hoàng, học sinh lớp 3. 12 tuổi nhưng cậu bé có mái tóc râu ngô này đã có “thâm niên” ba năm trong nghề bán vé số. Học buổi sáng, chiều Hoàng rảo bước khắp các con đường ở quận 2 với xấp vé số trên tay. Đến lớp, trông Hoàng tươm tất hẳn với áo sơmi trắng, quần xanh bỏ vào quần. Khá già dặn so với tuổi 12 của mình, Hoàng nói: “Con phải học vì mẹ con không biết chữ, đi xin việc người ta hổng nhận”. Hoàng kể trong lớp còn có Mừng “đen”, chị em Kim Thoa, Kim Hương…cùng là “đồng nghiệp” của Hoàng. Mới 10, 11 tuổi nhưng đôi chân bé nhỏ của các em đã chai sần sau những ngày rong ruổi trên đường phố cùng gánh nặng mưu sinh.
14 tuổi, nếu học đúng tuổi thì đã là lớp 8 nhưng Tiến (khu phố 5) mới tập đánh vần và viết những nét chữ đầu tiên. Cùng lớp với Tiến còn có bạn Phương, Út, 13 tuổi, một buổi học một buổi đi bán thuốc lá dạo… Cô Đoan, giáo viên của trường, cho hay: “Các em ở trường đều có hoàn cảnh khá đặc biệt: mồ côi, người dân tộc Khơme, không có giấy khai sinh, tự đi làm nuôi bản thân và đều quá tuổi đến trường theo quy định”.
Chuông reo tan lớp, các bạn nhỏ xếp vội sách vở tất bật trở về với “trường đời”…
Tình thương và trách nhiệm
Cô Khánh, phụ trách lớp 3, nói rằng bí quyết để đưa các em đến lớp và không bỏ học giữa chừng là “phải nói gì làm đó, không được thất hứa, gần gũi, quan tâm và yêu thương các em như con”. Cô kể chuyện em Kim Thoa: 11 tuổi, cha chết, mẹ bán bánh tiêu. Thoa bán vé số và ở cùng mẹ trong phòng trọ chỉ đủ trải một chiếc chiếu. Năm trước, trường tặng một HS chiếc xe đạp để động viên em đến lớp do nhà quá xa. Nghĩ rằng “cô thương bạn hơn thương mình”, Thoa đòi mẹ mua xe đạp mới chịu đi học.
Hứa với em nhiều lần nhưng mẹ Thoa vẫn không thể thực hiện lời hứa với con. Thoa nghỉ học. Biết chuyện, cô Khánh tặng em chiếc xe đạp cũ của mình. Cô nói: “Tôi không cho như vậy là chiều trẻ. Vấn đề là lời hứa của người lớn đã xây cho em một niềm hi vọng, một mong ước lớn. Đến khi chúng ta không thực hiện được thì mong ước ấy sụp đổ hoàn toàn và các em sẽ mất dần niềm tin vào người lớn, thậm chí ở cuộc sống. Tôi chỉ muốn tạo niềm tin cho em”.
Còn cô Đoan, người gắn bó với trường từ những ngày mới thành lập, cho rằng phải tạo cho các em niềm vui khi đến lớp bởi “không thể hứng thú và học tốt khi các em nghĩ rằng ở trường quá chán”. Cô tâm sự: “Còn nhỏ, lại lam lũ kiếm miếng ăn ngoài xã hội quá sớm nên ít em ý thức được tầm quan trọng của việc học. Bên cạnh đó, các em thường xuyên tiếp xúc nhiều thành phần ngoài xã hội nên rất dễ sa ngã. Chúng tôi muốn tạo một môi trường cho các em vui chơi và hướng dẫn những điều đúng sai, nên và không nên làm trong cuộc sống cũng như công việc. Tôi thường nói HS của mình cứ rủ bạn bè đến trường chơi. Thấy vui thì các em sẽ tự động xin vào lớp”.
Mỗi năm một lần, ba cô chia nhau đến từng nhà thăm hỏi, ghi chú cẩn thận hoàn cảnh gia đình của từng HS để “biết rõ hoàn cảnh sẽ dễ chia sẻ hơn” – cô Trang, giáo viên lớp 5, nói.
Những tấm lòng thầm lặng
Các em HS khóa đầu tiên bắt tay xây dựng trường từ một căn nhà bỏ hoang – Ảnh tư liệu trường
Trường phổ cập tình thương phường 25 khai giảng khóa đầu tiên ngày 1-6-1999 với 170 HS. Đó là thành quả sau sáu tháng len lỏi vào từng con hẻm ở phường 21, 25 “dụ” HS đến lớp của cô Phạm Thị Ngọc Đoan, khi ấy là một giáo sinh mới ra trường. Những HS khóa đầu tiên ấy hiện có 6 em đang học lớp 12 và năm nay sẽ dự thi vào ĐH. Trường có năm lớp từ 1-5 và được ba cô giáo Phạm Thị Ngọc Đoan, Nguyễn Thị Đoan Trang, Kim Khánh phụ trách. Mỗi năm, trường có khoảng 100 HS theo học. HS ở trường được phát miễn phí tập vở, một bộ đồng phục. Giờ ra chơi các em được uống sữa đậu nành, ăn trái cây, nhiều hôm có sữa chua, sinh tố do các cô trò cùng làm… Mọi kinh phí hoạt động ở trường do một nhóm mạnh thường quân và khu phố 2, P.25 bảo trợ.
HÀ BÌNH (TTO)

Bình luận (0)