Kỳ 2: Ý kiến từ nhà trường
Nhiều ý kiến từ cơ sở GD cho thấy, việc bồi dưỡng GV về đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) đang được quan tâm và không ít trường học đã đặt vấn đề bồi dưỡng GV thành trọng tâm với những nội dung cụ thể, thiết thực. Nhiều cơ sở GD đã thấy rằng để bồi dưỡng có hiệu quả thì phải nâng nhận thức của lãnh đạo nhà trường, nhận thức của GV, hay tạo hiệu quả từ những mặt cụ thể như: Bồi dưỡng việc đổi mới PP nâng cao hiệu quả giờ học qua tích cực sử dụng thiết bị dạy học (TBDH), bồi dưỡng GV đổi mới ứng dụng CNTT và truyền thông, bồi dưỡng đổi mới PP từ cải tiến phương thức đánh giá HS… đến việc bồi dưỡng GV qua nâng cao hiệu suất giờ giảng từ việc trình bày bảng.v.v.
Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) Nguyễn Quang Thuấn rút ra kinh nghiệm: “Muốn làm tốt công tác bồi dưỡng GV để đổi mới PP thì bản thân GV phải tận tuỵ, thương yêu, thân thiện và vì HS”. Chỉ có tình yêu lòng nhân ái đích thực của GV đối với HS thì GV mới yêu nghề, có sáng tạo trong nghề nghiệp. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Thuấn còn cho rằng công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phải làm thường xuyên dưới nhiều hình thức, đáp ứng những vấn đề mà GV cần và phải thật cụ thể, tránh hình thức. Hiệu trưởng, hiệu phó phải thật gương mẫu trong tự học. Phải giảm bớt những công tác hành chính mất thời gian của GV để tập trung vào chuyên môn. Khen chê, động viên kịp thời đánh giá GV minh bạch. Tôn trọng ý kiến của HS và gia đình HS qua thông tin phản hồi.
Ông Nguyễn Duy Tuyên (Trường THPT Hoà Phú, huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang) thì cho rằng: “Ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của CNTT trong đổi mới PPDH, đổi mới công tác quản lý, từ đó sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch khả thi để bồi dưỡng GV và đưa việc tự học, tự bồi dưỡng GV thành phong trào mạnh mẽ”. Cần nâng cao nhận thức của GV; bồi dưỡng trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT cho GV; tạo điều kiện thuận lợi để GV có thể khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin nhờ tiện ích từ Internet. Ông Nguyễn Duy Tuyên cũng cho rằng, nhà trường cần tiến hành xây dựng kho tư liệu dùng chung như những thư viện nhỏ, gồm các phần mềm, tài liệu, thông tin liên quan đến từng môn học, từng lĩnh vực để chia sẻ cho đồng nghiệp trong và ngoài trường.
NGƯT, hiệu trưởng Trường THPT Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) Phạm Huy Hinh có ý kiến về hướng bồi dưỡng cho GV ở nhà trường: Xây dựng kế hoạch học tập lí luận cho GV trong 2 tháng hè; bồi dưỡng tin học, sử dụng các phần mềm cho đội ngũ cốt cán (tổ trưởng chuyên môn) trước sau đó bồi dưỡng GV toàn trường; xây dựng kế hoạch soạn giáo án điện tử với điều kiện mỗi môn chọn một người, sử dụng phần mềm để dạy thành thạo; tổ chức đợt giảng dạy, thao giảng theo nhóm môn cho toàn thể GV trong trường dự, sau đó bàn bạc, rút kinh nghiệm và dạy tương đối đủ các thể loại, các phương pháp.
Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) bà Đỗ Thị Mai Hương chú trọng “vấn đề bồi dưỡng định kỳ đầu năm học và bồi dưỡng thường xuyên trong năm học, bồi dưỡng theo chuyên đề, bồi dưỡng tập trung và tự bồi dưỡng hết sức quan trọng; đi sâu nội dung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới quản lý GD, đổi mới sinh hoạt tổ, khối chuyên môn, tăng cường thăm lớp dự giờ để đánh giá chính xác khách quan, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục những mặt tồn tại. Bà Mai Hương còn cho rằng cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ GV trẻ về kinh nghiệm giảng dạy, bồi dưỡng GV đứng tuổi về việc sử dụng TBDH hiện đại.
TS Trịnh Thanh Hải (Trường ĐH sư phạm- ĐH Thái Nguyên) nêu cụ thể rằng: Thời gian tập huấn thường vào tháng 12, vào thời gian này các trường THPT thường có rất nhiều hoạt động nên rất khó khăn bố trí cán bộ. “Thường trong các hoạt động thi GV giỏi, thi HS giỏi… lại tập trung các GV cốt cán của các sở, các trường THPT nên cơ sở đành cử GV chưa đủ năng lực và kinh nghiệm để có thể triển khai những gì tiếp thu ở tập huấn”. Theo TS Trịnh Thanh Hải, hầu hết các sở và trường đều đề nghị nếu có tập huấn thì nên tổ chức vào dịp hè. Các trường sư phạm cũng nên xác định nội dung tập huấn theo hướng mở, chẳng hạn có nhiều chuyên đề để tuỳ điều kiện cụ thể, các sở GD- ĐT hoặc từng GV THPT sẽ lựa chọn nội dung phù hợp và thiết thực với công tác chỉ đạo và giảng dạy. Cũng theo TS Trịnh Thanh Hải, nên dành thời gian để trao đổi kinh nghiệm, phân tích những vấn đề khó trong chương trình, SGK THPT. Dành nhiều thời gian để GV THPT thể hiện, thực nghiệm nội dung được tập huấn, trên cơ sở đó có những phân tích chiều sâu, nhiều chiều về việc vận dụng lý luận dạy học vào từng tình huống cụ thể. TS Hải đề nghị không chỉ “khoán” cho tổ bộ môn phương pháp dạy học mà cần huy động tối đa giảng viên vững về chuyên môn, có bề dày nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở trường ĐH và am hiểu, có kinh nghiệm giảng dạy ở các trường THPT.
Các trường sư phạm cần có thêm các thông tin về việc vận dụng kiến thức thu nhận được trong các đợt tập huấn vào thực tế giảng dạy của GV tham gia tập huấn. Theo TS Trịnh Thanh Hải, đây là những thông tin phản hồi rất quan trọng để khẳng định hiệu quả của tập huấn cũng như có những điều chỉnh hợp lý cho các đợt tập huấn sau. Đối với giảng viên các trường sư phạm, không nên dành quá nhiều thời gian để trình bày những vấn đề có tính chất lý luận hoặc những vấn đề GV có thể tự đọc và tìm hiểu qua tài liệu; phải dành thời gian nhất định để tìm hiểu thực tế nhà trường nói chung, thực tế giảng dạy bộ môn, từng nội dung cụ thể để có sự liên hệ giữa lý luận và thực tế một cách khoa học, chính xác, thuyết phục được người tham dự tập huấn. Với GV tham gia tập huấn, TS Trịnh Thanh Hải cho rằng cần phải mạnh dạn thảo luận và đề xuất những ý kiến của bản thân cũng như trao đổi những kinh nghiệm, những khó khăn trong thực tế giảng dạy. Đối với sở GD- ĐT cần cử đúng đối tượng, cử GV tham gia tập huấn đúng chuyên môn.
Chủ nhiệm khoa Xã hội (Trường CĐ sư phạm Yên Bái), Ths. Nguyễn Hiền Lương cho rằng: “Nội dung bồi dưỡng về đổi mới phương pháp không thể tiến hành một cách siêu hình”. Việc thực hiện các phương pháp tích cực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như điều kiện dạy học, CSVC, đồ dùng thiết bị, trình độ dân trí của các vùng miền. Bên cạnh chương trình chính khoá, bắt buộc có chương trình tự chọn, chương trình địa phương. Những chương trình này hầu như còn bị bỏ ngỏ cả về nội dung và phương pháp. Điều đó gây nhiều khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là các nhà trường và các GV trực tiếp giảng dạy. Vì vậy cần có sự bồi dưỡng về kĩ năng biên soạn nội dung và đặc biệt là phương pháp dạy học các nội dung này.
Về biên soạn tài liệu bồi dưỡng, Ths Nguyễn Hiền Lương đưa ra nhận xét: Trong những lần bồi dưỡng vừa qua, các tài liệu bồi dưỡng do các tác giả có uy tín biên soạn khá tốt, phục vụ tốt cho công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Theo Ths Nguyễn Hiền Lương, việc bồi dưỡng GV cần được tiến hành trực tiếp từ báo cáo viên cấp tỉnh tới 100% GV, không thông ra cốt cán cấp huyện, thị, tránh “tam sao thất bản”; thành phần báo cáo viên nên có giảng viên trường CĐSP các GV phổ thông có kinh nghiệp, như vậy sẽ tạo sự gắn kết giữa đào tạo và bồi dưỡng; bồi dưỡng về phương pháp dạy học không thể dừng ở việc bồi dưỡng lí thuyết mà cần có các tiết dạy thực hành, minh hoa.
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)