Đề án thí điểm dạy nghề theo cơ chế đặt hàng 2006-2008 vừa được Bộ LĐ-TBXH tổng kết. Đây là một hướng đi mới của ngành dạy nghề và là xu hướng tất yếu. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng ban.
Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng: Học sinh tìm được việc làm
Giai đoạn 2008-2011, trên cơ sở đề xuất nhu cầu lao động kỹ thuật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ LĐ-TBXH đã ủy quyền cho Tổng cục Dạy nghề ký hợp đồng đào tạo với các tập đoàn: Than và Khoáng sản Việt Nam, Dệt may, Công nghiệp tàu thủy; các tổng công ty: Lắp máy Việt Nam, Thép, Đường sắt Việt Nam; các địa phương: Lào Cai, Hậu Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng và 17 cơ sở dạy nghề.
Số nghề đặt hàng đào tạo là 21 nghề với tổng số chỉ tiêu đặt hàng dạy nghề là 6.400 người. Trong đó: 1.435 sinh viên hệ cao đẳng nghề, 4.725 học sinh hệ trung cấp nghề và 240 học viên sơ cấp nghề. Đến nay, sau thời gian thí điểm, tổng cục xác định dạy nghề theo đơn đặt hàng là một hướng đi mới, vừa chất lượng, hiệu quả vừa tiết kiệm được chi phí.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, chương trình đặt hàng dạy nghề giai đoạn 2008-2011 sẽ được triển khai tiếp ngay từ đầu năm 2009 với nhiều điểm mới.
Chương trình dạy nghề theo đơn đặt hàng này tập trung ưu tiên đào tạo những nghề xã hội cần, đáp ứng LĐ cho ngành mũi nhọn, KCN, khu kinh tế trọng điểm của đất nước, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu LĐ tại chỗ cho các địa phương.
Về cơ bản, chương trình tập trung vào một số nghề đặc thù như khai thác mỏ, cán kéo kim loại, vận hành máy xúc, đào… những nghề nặng nhọc độc hại khó tuyển sinh; những nghề cần cho sản xuất nhưng do chi phí đào tạo cao nên các cơ sở dạy nghề không muốn đào tạo.
Ngoài việc được hưởng chính sách học phí ưu đãi (tùy theo từng ngành nghề cụ thể), người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Theo hợp đồng đã ký, các trường nhận đặt hàng có trách nhiệm đảm bảo ít nhất trên 90% số học sinh sau khi tốt nghiệp trong vòng 3 tháng phải được bố trí việc làm phù hợp tại doanh nghiệp.
Đào tạo theo nhu cầu: Con đường tất yếu
Theo Bộ LĐ-TBXH, hiện nay cả nước có hơn 240.000 doanh nghiệp, thu hút khoảng 9 triệu lao động. Dự kiến đến năm 2010, nước ta sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp, tạo thêm 2,7 triệu việc làm mới cho NLĐ.
Hiện nay, ngoài việc tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề trên thị trường, các doanh nghiệp đang tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho NLĐ. Nhiều doanh nghiệp tự lập trường nghề để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ của mình.
Chương trình đào tạo được thiết kế linh hoạt, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Những năm qua, bình quân mỗi năm các trường nghề thuộc doanh nghiệp đào tạo khoảng 90.000- 100.000 học sinh hệ dài hạn và hàng trăm ngàn học sinh học nghề ngắn hạn.
Qua điều tra tại gần 3.000 doanh nghiệp, đa số lao động qua đào tạo nghề đang làm việc trong các doanh nghiệp đã được sử dụng có hiệu quả (khoảng 70% số học sinh học nghề tốt nghiệp được làm việc phù hợp với nghề và trình độ đào tạo).
Từ việc dạy nghề theo đơn đặt hàng đến phát triển đào tạo nghề của doanh nghiệp đã chứng minh: Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội là con đường ngắn nhất mà hiệu quả nhất trong đào tạo, sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế tối đa những lãng phí khổng lồ của việc đào tạo nghề “lấy được” như trước đây.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì việc tổng kết dạy nghề của các doanh nghiệp. Phó Thủ tướng đã kết luận: Các trường nghề của doanh nghiệp có thể đào tạo theo yêu cầu xã hội, và khi đó sẽ thực hiện cơ chế như trường tư thục.
Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng đề án thí điểm đào tạo liên thông giữa trung cấp nghề, cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Một khái niệm mới trong dạy nghề cũng đang dần được hình thành: dạy nghề theo kiểu “cắt may”: vừa khít, không thừa thãi.
QUANG PHƯƠNG (SGGP)
Bình luận (0)