Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TPHCM : 9 trường xin thực hiện mô hình của THPT Nguyễn Thái Bình

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 13-2, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi khảo sát và nghiên cứu mô hình không thu tiền tăng tiết của Trường THPT Nguyễn Thái Bình và mô hình học phí cao của THPT Lê Quý Đôn.
Báo cáo với đoàn ĐBQH, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình Lê Xuân Dũng, cho biết: Năm 2007, trường bắt đầu thí điểm mô hình không thu học phí tăng tiết (một tuần tăng 12 tiết đối với các bộ môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh). Trường thu học phí 110.000 đồng/HS/tháng như các trường công lập tự chủ tài chính (CLTCTC) (gốc trường bán công) nhưng được hưởng 80% ngân sách nhà nước so với trường công lập thuần túy. Từ khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, thu nhập của giáo viên tăng 200.000 – 500.000 đồng/tháng, cơ sở vật chất được nâng cấp.
Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết thêm: Hiện có 9 trường THPT CLTCTC đang xin được thực hiện mô hình như THPT Nguyễn Thái Bình. Ông Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn ĐBQH đánh giá cao mô hình này và khuyến khích tiếp tục thực hiện tại trường nhưng ngành GD-ĐT cũng cần tổng kết những ưu, khuyết điểm trước khi nhân rộng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP băn khoăn: Ban Văn hóa – Xã hội chưa thống nhất việc nhân rộng mô hình của THPT Nguyễn Thái Bình. Bởi lẽ, mô hình này không đúng quy định, thu học phí như bán công nhưng lại được hưởng ngân sách giống trường công, sẽ dẫn đến sự so bì giữa các trường.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Hiệu trưởng của trường Phạm Văn Phiệt báo cáo: Sau 3 năm thí điểm mô hình học phí cao (850.000 – 890.000 đồng/tháng/HS), HS của trường năng động, tự tin, chủ động trong học tập. Học kỳ 1 năm học 2008 – 2009 trường có hơn 80% HS khá giỏi, không có HS kém. Kết quả thi tốt nghiệp, ĐH sắp tới sẽ là thước đo hiệu quả của mô hình. 
HG.LIÊN (SGGP)

Bình luận (0)