Tổng thống Pháp đến thăm một trường học. Ảnh: I.T |
“Trường trung học phổ thông nếu được quy hoạch và điều hành đúng hơn sẽ có hiệu quả giáo dục tốt hơn”. Đó là nội dung cơ bản trong ý kiến của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Không có gì đáng ngạc nhiên! Tổng thống vốn như vậy, ông không chịu nổi sự bất công xã hội, nhất là trong phạm vi nhà trường.
Công bằng cho giáo dục
Tổng thống Pháp là một người tâm huyết với nền giáo dục của đất nước, khi có một điều gì đó không ổn về giáo dục, ông không đi lòng vòng, mà đi trực diện để giải quyết tận gốc vấn đề. Ông hứa bãi bỏ “bản đồ” các trường (ý nói là phân biệt giữa những trường điểm, trường bình thường), và việc đó không thể kéo dài. Từ hơn 40 năm nay, mọi người phải đăng ký cho con học trong một trường bắt buộc để đảm bảo sự hòa đồng xã hội, và sự bình đẳng, là những điều mà lý tưởng của nền cộng hòa chủ trương nhất quán. “Bản đồ” các trường đã thực sự trở thành một cái “muôi có đục lỗ” (ý muốn nói không có tác dụng, như cái muôi có đục lỗ chẳng giữ được nước khi múc-TG). Trong chiến dịch tranh cử ông nói thẳng: “Một công cụ cũ kỹ không có tác dụng gì mà không ai dám nói”. Chỉ bằng những cú đẩy và mưu mẹo, các gia đình được thông tin đầy đủ tránh những trường “xấu”, cuối cùng con em nhà nghèo bị dồn vào trường yếu còn con em nhà khá giả lại được học ở trường tốt hơn. Đơn giản nhất, để giải quyết vấn đề, Tổng thống bãi bỏ cái gọi là “bản đồ” các trường.
Từ tháng 5 năm 2007, mới ở trong dự kiến, Bộ trưởng Giáo dục Xavier Darcos đã báo cho phụ huynh biết là “đã đến lúc phải làm lại”. Tất cả đã được sắp xếp lại cho kỳ khai giảng tiếp theo. Có một điều chắc chắn là sẽ gây ra một sự xáo trộn, phản đối, hỗn loạn trong nhiều cơ sở giáo dục, nhưng không thể để tình trạng bất công kéo dài hơn nữa. Một bài báo trong thời kỳ vận động tranh cử viết: “Bản đồ” các trường gây phẫn nộ nhiều nhất cho tất cả các tầng lớp trung bình hay cao, những người gắn liền với trường công và không có điều kiện sống ở những khu phố sang trọng. Theo lời giải thích của nhà xã hội học Agnes Van Zanten, chuyên gia về vấn đề này, bà vừa xuất bản một tài liệu bàn về “Sự lựa chọn của phụ huynh”. Ba kỳ khai giảng qua rồi, tình hình bây giờ như thế nào? Tự do và bình đẳng đã đi đến đâu? Trong diễn văn nhân dịp năm học mới, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục mới Luc Chatel chỉ đề cập vài dòng cho vấn đề đó. Thực tế là cho đến năm thứ ba kế hoạch “xóa bản đồ”, ý định đó còn lâu mới đạt mục đích đề ra!
Vẫn chỉ là… chính sách
Tự do? Nhiều cha mẹ tin ở lời hứa của Chính phủ, đã rất thất vọng khi thấy rằng việc khoanh vùng vẫn có hiệu lực như cũ. Lần đầu tiên ở Paris, hè này (2009) cha mẹ học sinh nổi giận tập thể chống lại việc bố trí chỗ học cho con em họ. Dù các ông bộ trưởng cũ và mới, kể cả Tổng thống có hứa gì đi nữa, thì việc khoanh vùng vẫn là “luật” như thường. Việc đăng ký học nơi khác phải vấp vào những “quy định” của ban giám hiệu, và chỉ được giải quyết “trong giới hạn của những điều kiện có thể được”. Lý do là “tất cả các vị cha mẹ đều muốn cho con em học trường này…”. Sau khi mở thêm vài lớp tượng trưng bổ sung ở Trường Charlemagne và vài trường tương tự, chẳng có sự thay đổi gì. Thế là kế hoạch đầu tiên dẹp bỏ “bản đồ” các trường vào 2010 không còn nghe nói gì nữa. Chỉ những trường mà áp lực tuyển sinh không quá lớn mới giải quyết được một phần yêu cầu của học sinh.
Thế còn chuyện bình đẳng và hòa đồng xã hội thì sao? Ông Philippe Tournier, Thư ký Công đoàn Nhân sự Bộ Giáo dục nói: “Bộ nói rằng “bản đồ” các trường có linh động hơn, nhưng chẳng đưa ra được con số nào chứng minh. Tôi thì thấy ngược lại. Học sinh khá muốn rời khỏi các trường nghèo phải chạy chọt, làm tình hình căng thẳng hơn”. Các gia đình thiếu thốn rất ngại gửi con vào các trường “điểm” vì cảm thấy khó khăn, họ chỉ dám làm khi con học thật xuất sắc. Chưa kể tiền di chuyển và tiền căng tin cũng cao quá, làm họ sợ.
Nhà xã hội học Marie Duru-Bella nói: Chính phủ chỉ đánh vào hiện tượng (học sinh tránh một số trường) mà không đánh vào chỗ yếu là chất lượng kém của các trường đó. Hy vọng rằng khi lập trường mới thì tình hình sẽ tốt hơn.
Phan Thanh Quang
(Theo tạp chí Người quan sát mới của Pháp)
Bình luận (0)