Những vụ việc đơn lẻ về lối sống không lành mạnh của giới trẻ đã bị một số kẻ lợi dụng thổi phồng, để biến thành một thứ trào lưu, tạo nên sự phản ánh lệch lạc về giới trẻ. Điều đó có thể vô tình sẽ đẩy giới trẻ đến gần hơn với những suy nghĩ không đúng về chính bản thân mình.
Tự tạo scandal cho mình
“Nhật ký của một gái bán hoa” là tiêu đề một bài viết trên blog của một bạn gái. Bài viết này sau đó được một blogger nổi tiếng về các chuyện giật gân của giới trẻ copy về blog của mình. Ở đó, nó đã nhận được hàng trăm lượt người xem và góp ý kiến.
“Gái bán hoa” là cụm từ thu hút được rất nhiều người. Đặc biệt, khi nó lại là lời tâm sự của một bạn gái trẻ. “Vào cái ngày mà những đứa con gái bình thường đều háo hức chờ đợi những bó hoa và những món quà đáng yêu thì mình lại quyết định đi làm cái chuyện đó… Mình đi làm cái việc mà rất ít đứa con gái nào có gia cảnh giống mình lại muốn làm…”, đó là lời cô gái trong blog.
Đọc đến đây chắc nhiều người đang nghĩ đến một cô gái con nhà lành, vì đua đòi hay vì một cái “ngông” lãng xẹt nào đó mà đi đứng đường làm gái mại dâm. Nhưng đây thực sự chỉ là một trò đùa.
Đọc hết blog và tìm hiểu kĩ thì thấy bạn gái trong blog này đang kể lại chuyện đi… buôn hoa vào dịp 8/3 của mình. Tất nhiên ở đây chính tác giả cố tình tạo ra sự hiểu lầm. Ý tưởng về trò đùa này có lẽ bắt nguồn từ một thực tế: người ta đang cố tạo nên scandal cho mình.
Trong các blog được gọi là “hot” của giới trẻ hiện nay, một phương thức “câu khách” phổ biến là tung tin về các scandal “ảo”. Chủ các blog này thường lợi dụng một số đoạn video clip và hình ảnh có thật về một góc khuất của giới trẻ, rồi thổi phồng sự việc, cố tình biến vụ việc cá biệt thành một trào lưu, một hiện tượng phổ biến. Việc này đã vô tình tạo nên những cú sốc về lối sống của giới trẻ.
Đọc những bài viết trên các blog này giới trẻ khó có thể tỉnh táo để tránh một cái nhìn lệch lạc về chính bản thân họ. Còn người lớn cũng dần nhìn giới trẻ bằng một gam “màu xám”.
Thể hiện bản ngã kiểu “teen”
Ph là học sinh lớp 11 của một trường dân lập ở Hà Nội. Ph để tóc kiểu “bờm sư tử”. Nhuộm vàng vài túm trước trán. Thời trang ưa thích của Ph là quần soóc bò ống cao đến sát đũng. Tức là không thể ngắn hơn được nữa. Cứ ngồi lên xe máy là Ph rồ ga phóng như bay. Ph khoe: “Em thích tốc độ cao. Em đã từng đi đua xe rồi đấy”.
Với Ph, việc học là một cực hình. “Cả năm lớp 10, em không được một chữ nào vào đầu. Đến lớp chỉ nói chuyện và ngủ. Thậm chí em còn bị cô dạy Hoá đuổi ra khỏi lớp, cấm học môn của cô”, Ph kể.
Ph rất thích kể về những chuyện ăn chơi của các bạn cùng trang lứa, chuyện lập nhóm đánh nhau, chuyện đi bar. Nhưng sau một hồi kể lể về những chiến tích bất hảo của bạn bè, Ph cũng phải tự nhận rằng: “Trong lớp cũng chỉ có vài người như thế. Cả trường cũng chỉ có một vài nhóm. Nhiều khi bọn nó không làm chuyện xằng bậy, cũng nhận làm cho… oai”.
Thời gian lớp 9, lớp 10 là thời kỳ “nổi loạn” nhất của Ph. Ph được coi là một học sinh cá biệt. Ph đã khiến mẹ mình đau đầu không ít, nhưng giờ thì Ph đã dần vào khuôn khổ. Không đi chơi quá 10h đêm. Không gặp người lạ mà không có người lớn đi kèm.
Nhưng Ph vẫn không bỏ được sở thích đi mua sắm và ăn uống. Tuy nhiên Ph chưa bao giờ phải xin tiền mẹ tiêu pha các khoản này. Em tự kiếm tiền được. Ph nhận rằng, mình có khiếu kinh doanh.
Ph kể: “Một lần em định mua kính áp tròng làm cho mắt trông to lên. Em lên mạng tìm được một người bán ở TP HCM. Giá hơn 160.000 đồng/cặp, nhưng nếu mua một lúc 15 cái sẽ được giảm giá. Thế là em mua liền 15 cái và về bán lại cho bạn bè. Mỗi cặp 210.000 đồng. Vụ đó em lãi to”.
Ph rất thích kinh doanh, không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để kiếm tiền, nhưng em cũng không muốn bỏ học. Lên lớp 11, Ph xin mẹ chuyển sang một trường công lập khác có môi trường học tập tốt hơn. “Em cũng muốn học lên đại học”, Ph nói.
Theo lời gia sư dạy kèm Ph ở nhà, hồi chị mới dạy, Ph đã học hết lớp 10 mà không biết công thức phân tử của nước là H2O. Nhưng em tiếp thu rất nhanh và càng ngày học càng chăm chỉ. Ph rất lễ phép và chưa bao giờ tỏ thái độ hỗn láo với chị.
Chị gia sư cho rằng, có nhiều thứ ở những học sinh thế hệ Ph khiến chị khó có thể chấp nhận. Nhưng cũng có những điều ở Ph mà thế hệ chị không thể có. Vẫn biết, luôn tồn tại một khoảng cách giữa các thế hệ. Nhưng đôi khi chỉ cần một cái nhìn điềm tĩnh, bao dung hơn của thầy cô, gia đình và xã hội, những học sinh cá biệt như Ph sẽ có cơ hội để thay đổi mình.
Đắc Kiên (giadinh.net)
Bình luận (0)