Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lịch sử 7: Địch bị tiêu diệt hoàn toàn… vẫn chạy thoát?

Tạp Chí Giáo Dục

Trang 93 có câu: "Nghe tin hai đạo viện binh Liễu Thăng, Mộc Thạnh bị tiêu diệt hoàn toàn, Vương Thông vô cùng khiếp đảm". Trong khi, ở cuối trang 92, viết: "… Mộc Thạnh trông thấy, biết Liễu Thăng đã bại trận nên vô cùng hoảng sợ, vội vàng rút chạy về Trung Quốc".

Chả lẽ quân của Mộc Thạnh đã bị tiêu diệt hoàn toàn, mà còn "vội vàng rút chạy" được hay sao?
Đấy chỉ là 1 trong nhiều chi tiết hết sức vô lí trong SGK Lịch sử 7.
Bìa SGK Lịch sử 7
Thoát Hoan "ngu" thế?
Các lỗi diễn đạt cứ lặp đi lặp lại. Có câu diễn đạt quá dài dòng, thừa chi tiết; có câu diễn đạt khó hiểu, thiếu chú giải… có thể sẽ khiến học sinh khó hiểu, hoặc hiểu sai về sự kiện, nhân vật… lịch sử. Chúng tôi có những kiến nghị sau:
Trang 27: Liệt kê danh sách 12 sứ quân. Theo chúng tôi, có thể bỏ danh sách này vì khó có học sinh nào nhớ được.
Sau khi liệt kê danh sách 12 sứ quân, có đoạn viết: "… tại đất Hoa Lư, Ninh Bình xuất hiện Đinh Bộ Lĩnh… nhà Ngô suy yếu,  Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng căn cứ ở Hoa Lư. Khi nhà Ngô sụp đổ, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi đánh dẹp các sứ quân". Viết như thế học sinh dễ hiểu lầm: Đinh Bộ Lĩnh cũng là một sứ quân; vậy thì phải gọi là "loạn 13 sứ quân" ?
Trang 31: Viết: "…Lê Hoàn vẫn sai sứ sang Trung Quốc trao trả một số tù binh", học sinh có thể hiểu: Lê Hoàn chỉ trả một số, chứ không trao trả hết.
Trang 33: Câu: "…Nho học đã xâm nhập vào nước ta", nên sửa thành: "Nho học đã du nhập vào nước ta.
Trang 43: Bỏ ba chữ "Lí Thường Kiệt" dưới kí hiệu chú giải "Quân nhà Lí phòng ngự" trong "Lược đồ trận chiến tại phòng tuyến Như Nguyệt". Bởi, các lược đồ khác không ghi tên người tổng chỉ huy phòng tuyến (ví dụ như trang 64).
Trang 45: Không nên liệt kê 6 năm được mùa: "Theo sử biên niên của nước ta ghi lại thì nhiều năm mùa màng bội thu như năm 1016…, năm 1030…". Chỉ nên diễn đạt bằng 1 câu khái quát: "nông nghiệp phát triển, mùa màng thường bội thu".
Trang 50: Câu "…nhường ngôi cho Trần Cảnh vào tháng 12 năm Ất Dậu (đầu năm 1226)" phải sửa thành "… nhường ngôi cho Trần Cảnh vào tháng Chạp năm Ất Dậu (đầu năm 1226)" hoặc "vào đầu năm 1226". Vì, Âm lịch không có tháng nào mang tên 1; 12.
Trang 52: Bỏ đoạn nói về quy định tuyển chọn "cấm quân và quân các lộ".
Trang 58: "… vua Trần mở Hội nghị Diên Hồng, mời các bậc bô lão có uy tín trong cả nước về Thăng Long  họp để bàn cách đánh giặc". Chữ "họp" có vẻ hơi hiện đại ?
Trang 61: Chi tiết Thoát Hoan "chui ống đồng, bắt quân lính khiêng chạy", khác biệt với phần Lịch sử 4, trang 41: "Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để thoát thân". Mặt khác, miêu tả như vậy có chân thực không? Nghe chuyện này, học sinh buồn cười và thấy Thoát Hoan ngu quá! 
Đọc Đại Việt sử kí toàn thư – NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1997, trang 369, dòng 1 chỉ thấy miêu tả: "…Tỳ tướng là Lí Quán dấu Thoát Hoan vào trong ống đồng, thu nhặt tàn quân chạy về châu Tự Minh…".
Hơn nữa, xâm lược nước ta, nhà Nguyên huy động một đội quân kị binh hùng mạnh, làm gì đến nỗi Thoát Hoan "phải bắt quân lính khiêng chạy" ?
Trang 62: Phải chú giải ý nghĩa từ "thạch" trong "…chở hàng chục vạn thạch lương".
Trang 65:
– Viết: "Bạch Đằng là một sông lớn do sông Đá Bạc, sông Giá và nhiều sông khác đổ vào. Dòng sông rộng khoảng 1km (khi thuỷ triều lên)…" là quá sai lệch với trang 74, SKG Lịch sử 6: "Sông Bạch Đằng có tên nôm là sông Rừng…. Khi nước triều lên, sông rộng mênh mông đến hàng nghìn mét". Bởi, theo chúng tôi, "hàng nghìn mét" tức là phải rộng từ 2-3 nghìn mét trở lên.
– Bên cạnh đó, nếu nói: Sông Bạch Đằng "… chảy qua địa phận Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) rồi đổ ra biển…" thì phải chăng là sông chảy hết địa phận Yên Hưng (Quảng Ninh) rồi sang Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) trước khi đổ ra biển… ?
Trong Lịch sử và Địa lí 4, trang 21 cho rằng:  "Mũi tiến quân chính do Hoàng Tháo chỉ huy đã vượt biển, ngược sông Bạch Đằng (Quảng Ninh) tiến vào nước ta". Vì vậy, phải sửa thành: "Bạch Đằng đổ ra biển Đông nằm giữa địa phận hai huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng)" (theo Ngữ văn 10, tập hai, trang 3).
Trang 85: "…Bình Ngô sách (Kế sách đánh quân Ngô)" nên sửa thành "Bình Ngô sách (Kế sách đánh thắng quân Ngô)", chữ "bình" ở đây được hiểu là "đánh thắng".
Trang 99: Nói: "Đa số dân đều có thể đi học, đi thi" là một nhận xét không rõ ràng.
Trang 101: Một số bài báo đã nói rằng ảnh: "Tượng voi chầu bằng đá" chỉ là ảnh "Voi chầu bằng xi măng". Chúng tôi đề nghị kiểm tra lại. Qua đây, có thể thấy, không chú thích tác giả ảnh, có thể dẫn đến những phiền phức như thế này. 
Trang 126: Viết: "…Giữa năm 1786, Nguyễn Huệ đánh vào Thăng Long…" đâu phải cách nói của nhà khoa học lịch sử. Đó là diễn đạt của học sinh khi không nhớ thời gian sự kiện.
Trang 127: "Biện Sơn (cửa Bạng, Thanh Hóa)" nên sửa thành "Biện Sơn (cửa Bạng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Trang 129: Bổ sung lời nói của Quang Trung khi khao quân được trích từ đâu; lời văn này không thống nhất với Ngữ văn 9, tập một, trang 67.
Trang 130:
– Bỏ hai chữ "khiếp sợ" trong câu "…Sầm Nghi Đống khiếp sợ, thắt cổ tự tử". 
– Bỏ 4 chữ "bàng hoàng, mất vía" trong câu: "Tôn Sĩ Nghị bàng hoàng, mất vía, vội vã… vượt sông Nhị… sang Gia Lâm" .Vì, hạ thấp quân địch như thế thì chiến công của Quang Trung kém phần vẻ vang.
– Bổ sung xuất xứ của câu thơ: "Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến; Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh…" hoặc bỏ câu thơ này vì đây không phải là thơ hay…
Bất nhất và vô lí…
Không chỉ mâu thuẫn trong cách viết hoa, mà các tác giả còn mâu thuẫn về các mốc lịch sử. Mặt khác, nhiều chi tiết được đưa vào giảng dạy cho học sinh hết sức vô lý…
Cụ thể:
Trang 28: "Mùa xuân năm 970, vua Đinh đặt niên hiệu là Thái Bình…" sai lệch với: "Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất được giang sơn, lên ngôi Hoàng đế…, niên hiệu là Thái Bình" (Lịch sử và Địa lí 4, trang 26).
Trang 29: Bổ sung quê hương Lê Hoàn. Viết về một nhân vật như Lê Hoàn sao lại quên giới thiệu quê hương ? Cho dù có tài liệu khác nhau về nội dung này, thì vẫn phải giới thiệu.
Trang 35: 
– Đoạn trích "Chiếu dời đô" chỉ ghi xuất xứ từ "Đại Việt sử kí toàn thư". Khi đối chiếu với một số bản Chiếu dời đô phổ biến – kể cả  với văn bản trong Đại Việt sử kí toàn thư – NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1997, trang 193 cũng thấy rất nhiều câu chữ sai lệch.
– Cũng ở trang này, viết: "…Triều thần chán ghét nhà Tiền Lê…" là một nhận xét chưa chính xác, vì nhà Tiền Lê bao gồm cả thời gian Lê Đại Hành ở ngôi.
Trang 59:  Viết: Giặc Nguyên huy động  "khoảng 50 vạn quân…" sang xâm lược Đại Việt, thế mà ở trang 61 cho rằng: nhà Trần đã "…đánh tan tành hơn 50 vạn quân Nguyên". Viết mâu thuẫn thế có nên sửa lại ?
Trang 79: Trong bài "Nhà Hồ và cải cách của Hồ Quý Li" có đoạn viết: "Hồ Quý Li …  cho dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm dạy cho vua Trần và phi tần, cung nữ". Viết thế học sinh sẽ cho rằng khi đã lên làm vua, Hồ Quý Li vẫn "dạy cho vua Trần" ?!
Trang 91:
– Viết: "đầu tháng 10-1427, 15 vạn viện binh từ Trung Quốc chia làm hai đạo kéo vào nước ta…" là sai lệch với Lịch sử 10, trang 99: Cuối năm 1427, 10 vạn quân cứu viện của giặc ồ ạt tiến vào nước ta…
– Viết: "Đạo thứ hai do Mộc Thạnh chỉ huy, từ Vân Nam tiến vào theo hướng Hà Giang", nhưng trên "Lược đồ trận Chi Lăng – Xương Giang" (trang 92) không thể hiện mũi tiến quân này. Hơn nữa, sự kiện trên có phần chưa thống nhất với "Bình Ngô đại cáo":
"Bị ta chẹn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật
Thua quân ta ở Cần Trạm, quân Mộc Thạch xéo lên nhau chạy để thoát thân".
Lê Hoa là Lào Cai ngày nay – bên kia là Vân Nam (Trung Quốc), vì vậy nói quân Mộc Thạch tiến vào theo hướng Hà Giang thì… vô lí.
Trang 93: "Nghe tin hai đạo viện binh Liễu Thăng, Mộc Thạch bị tiêu diệt hoàn toàn, Vương Thông vô cùng khiếp đảm". Theo chúng tôi, nếu nói "bị tiêu diệt hoàn toàn" là một nhận xét thiếu chính xác, vì ở cuối trang 92, viết: "… Mộc Thạch trông thấy, biết Liễu Thăng đã bại trận nên vô cùng hoảng sợ, vội vàng rút chạy về Trung Quốc". Chả lẽ quân của Mộc Thạch đã bị tiêu diệt hoàn toàn, mà còn "vội vàng rút chạy" được hay sao?
Trang 127:
– Chi tiết: "Cuối năm 1788, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân… tiến vào nước ta" sai lệch với  "… vua Thanh sai tướng đem 29 vạn quân và dân công…" (Lịch sử 10, trang 117).
Trang 128: Sao lại nhầm lời dụ của vua Quang Trung (Đánh cho để dài tóc, Đánh cho để đen răng…) là thơ khi viết: Bài thơ này nói lên ý chí đánh tan quân xâm lược…
Trang 134: "Năm 1806" Nguyễn Ánh "lên ngôi Hoàng đế" sai lệch với "Năm 1082… Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế" (Lịch sử và Địa lí 4, trang 65).
Viết hoa… vô tội vạ!
Có vẻ như các tác giả đã viết hoa một cách "vô tội vạ", bởi tên người, tên địa danh…. trong cùng một cuốn SGK, và giữa các cuốn khác nhau lại có cách viết… khác nhau.
Cụ thể:
Trang 25: Viết: "Ngô Quyền… bỏ chức tiết độ sứ", trong khi trang 72, 73, SGK Lịch sử 6 viết: "Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ"; "Bấy giờ ở Quảng Châu có viên Tiết độ sứ là Lưu Ẩn; Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ ".
Hơn nữa ở trong đoạn: "Đinh Công Trứ làm Thứ sử châu Hoan… Kiều Công Hãn làm Thứ sử châu Phong…", chức danh "Thứ sử" được viết hoa thì sao "tiết độ sứ" không viết hoa ?
Ngoài ra, trang 25 viết: Kiều Công Hãn làm thứ sử châu Phong, nhưng trong lược đồ 12 sứ quân ở trang 26 lại chú thích: Phong Châu (Kiều Công Hãn).
Trang 27: "…Loạn 12 sứ quân" viết hoa không thống nhất với Lịch sử 6 trang 25 ("loạn 12 sứ quân").
Trang 30: "thái sư (quan đầu triều) và đại sư" nên viết "Thái sư (quan đầu triều) và Đại sư".
Trang 32 và các trang khác "lễ cày tịch điền" nên viết "lễ Cày tịch điền".
Trang 34: Viết "chùa Bà Ngô; chùa Tháp, chùa Nhất trụ", trong khi chữ "chùa" trong trang 48; 49 lại được viết hoa: Chùa Một Cột…
Trang 41: Viết: "… Bờ Nam sông Như Nguyệt… bờ Bắc sông Như Nguyệt", trong khi ở trang 55, không viết hoa chữ "nam" (từ dùng để chỉ phương hướng): phía nam Trung Quốc; hay trang 59: phía bắc sông Nhị…
Trang 47: Cách viết: "Văn miếu", "Quốc tử giám" sai lệch với Lịch sử 6, trang 4: "Văn Miếu", "Quốc Tử Giám; Bia Tiến sĩ" …
Trang 72: Viết: "… định lệ thi thái học sinh", nhưng ở trang 74, "Thái học sinh" được viết hoa:  "… đỗ Thái học sinh thời Trần".
Trang 91: Viết "…Thượng thư bộ binh Lí Khánh phải thắt cổ tự tử", sai lệch so với Lịch sử 8, trang 125: "Tôn Thất Thuyết (Thượng thư Bộ Binh)".
Trang 94: Câu "Lê Thánh Tông bãi bỏ một số chức vụ cao cấp như tướng quốc, đại tổng quản, đại hành khiển…", viết hoa chức vụ không thống nhất với các sách giáo khoa khác. Nên viết :Tướng quốc, Đại tổng quản, Đại hành khiển…"; "Bộ Lại"…
Trang 100: Nên viết hoa các học vị Tiến sĩ ,Trạng nguyên.
Trang 102: Trong câu: "Nguyễn Trãi không những là… một anh hùng dân tộc mà còn là danh nhân văn hoá thế giới" phải viết hoa chữ "Anh" và chữ "Danh" để thống nhất với các cuốn sách giáo khoa khác.
Trang 103: "Lê sơ" có nên viết hoa cả hai chữ để thống nhất với cách viết: "Tiền Lê; Hậu Lê" ?
Trang 114: Nhiều lần viết hoa "chữ Quốc ngữ" là không thống nhất với các sách Ngữ văn hiện hành (một vài trang Ngữ văn đã chỉnh sửa lỗi này).
Trang 129: "Tết Nguyên Đán" nên viết "Tết Nguyên đán".
Trang 130 : Sai lỗi viết hoa trong: "Đêm 30 tết"; "Mờ sáng mồng 5 tết"… Phải viết hoa chữ "Tết". Ngay trong trang này, chữ "Tết" được viết hoa với trường hợp: "Trưa mồng 5 Tết Kỉ Dậu". Ngữ văn 9, tập một, trang 67 cũng viết "sửa lễ cúng Tết trước đã".
Trang 144: "Khuê văn các" phải sửa thành "Khuê Văn Các".
Trang 145: "Hình 68 – Ngọ môn (Huế)" viết hoa sai lệch với trang 144: "Cố đô Huế…, mỗi công trình có chức năng riêng biệt, được xây cất và trang trí độc đáo: Ngọ Môn, điện Thái Hoà, sân Đại Triều…".
 Thanh Huyền – Văn Hiến (Vietnamnet)

Bình luận (0)