Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi “Giải quyết tình huống giáo dục lần X”

Tạp Chí Giáo Dục

 

Thầy cô phải gương mẫu

Thầy cô phải là tấm gương để học sinh noi theo

Để xây dựng trường học thân thiện: Cô hiệu trưởng Bích Ngọc có sáng kiến làm hộp thư “Điều em muốn nói” gắn trước các lớp. Ngay trước phòng làm việc của cô cũng có hẳn một hộp thư ghi rõ: “Điều em muốn nói với cô hiệu trưởng”.
Đây là việc làm hoàn toàn hợp lý trong công tác quản lý giáo dục. Bởi lẽ “Hộp thư điều em muốn nói” chứa đựng những tâm tư, nguyện vọng của các em đối với thầy cô, bạn bè, đối với ngôi trường thân thương của mình. Chính nơi đây là nhịp cầu rút ngắn khoảng cách giữa thầy – trò; những tâm tư, tình cảm của các em sẽ được “mở ra”, sẽ không còn khép kín bằng sự rụt rè, nhút nhát của tuổi học trò. Qua hộp thư “Điều em muốn nói” cũng giúp cho thầy cô hiểu đúng tâm tư, tình cảm lẫn ước mơ của học trò; giúp cho cán bộ quản lý có cái nhìn đúng hơn về học sinh, về đội ngũ giáo viên nhằm có những bước điều chỉnh kịp thời, hiệu quả trong quá trình quản lí. Hộp thư “Điều em muốn nói” chính là động lực khách quan để giúp cho nhà trường thực hiện tốt khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Rõ ràng, khi đánh giá học sinh người thầy dựa vào kết quả rèn luyện hai mặt giáo dục: hạnh kiểm và học lực. Song song với dạy kiến thức cho các em, việc giáo dục đạo đức cho các em là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong nhà trường. Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, vấn đề ở đây là cách giáo dục của người lớn, của ông thầy như thế nào để đạt hiệu quả cao. Học sinh không có quyền phê bình như cô Bích Ngọc nhưng học sinh có quyền bày tỏ bức xúc của mình qua hộp thư “Điều em muốn nói”. Hằng ngày, thầy cô trong trường thường dạy học sinh chấp hành tốt Luật giao thông, nhưng thực tế thì cô hiệu trưởng cùng chồng vượt đèn đỏ dù là ở một ngã tư nhỏ. Lại một lần nữa người thầy không gương mẫu nhưng “cứ dạy” học sinh gương mẫu. Cũng có trường hợp thầy cô dạy cho học sinh không chạy xe trong trường nhưng thầy cô lại ung dung chạy trong sân trường, làm sao giáo dục được học sinh. Năm 2009 là năm tiếp tục làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trường nào cũng treo khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nếu tất cả thầy cô giáo thực hiện tốt khẩu hiệu này sẽ thực sự là tấm gương để học sinh noi theo hằng ngày. Ắt hẳn việc giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường sẽ hiệu quả hơn.
Nếu là cô Bích Ngọc trong tình huống trên, tôi sẽ giải quyết: trước hết là xem lại mình, sửa lại mình. Là cánh chim đầu đàn trong đơn vị, bản thân phải hết sức gương mẫu để đồng nghiệp và học sinh noi theo. Nói phải đi đôi với làm để dạy học sinh “học đi đôi với hành”. Gương mẫu trong nhà trường chưa đủ mà phải vận động, giáo dục người thân trong gia đình sống và làm việc theo pháp luật, không có hành vi làm trái với luật, với đạo đức lương tâm nghề nghiệp. Gặp tình huống như cô Bích Ngọc tôi thật bình tĩnh để nắm chắc nguyên nhân, xử lý đúng thông tin. Và tất nhiên rất cần đọc bức thư đó công khai trước hội đồng sư phạm để thầy cô rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Xem đây là bài học trong công tác giáo dục đạo đức học sinh. Cám ơn học sinh đã mạnh dạn bày tỏ bức xúc của mình qua “Hộp thư điều em muốn nói” nhằm giúp cho thầy cô điều chỉnh kịp thời cách giáo dục học sinh cũng như hoàn thiện những hành vi của mình.
Cô Bích Ngọc phê bình học sinh không hát quốc ca trong lúc chào cờ không phải là cách giáo dục tốt. Cái chính là các em có thuộc và hát đúng bài quốc ca lúc chào cờ? Nếu tất cả học sinh đều hát đúng bài quốc ca lúc chào cờ thì trường hợp hi hữu một học sinh không hát vì lý do cắt a-mi-dan cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hát quốc ca khi chào cờ. Việc cô Bích Ngọc cần làm là: nghe học sinh trường mình có hát tốt bài quốc ca chưa. Có phải chỉ có học sinh hát quốc ca khi chào cờ còn thầy cô thì không hát? Cô Bích Ngọc không hát quốc ca lúc chào cờ thì có ai phê bình cô, còn học sinh không hát thì bị cô phê bình. Học sinh sẽ suy nghĩ: “Người lớn nhất” trong trường chưa làm gương, chưa làm đúng.
Cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực rất thiết thực nhằm góp phần nâng cao việc giáo dục đạo đức học sinh. Đảm bảo hai mục tiêu: Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả. Để thực hiện tốt hai mục tiêu trên theo tôi cần thực hiện tốt những nội dung sau: Thầy cô giáo có phương pháp giảng dạy và hướng dẫn hấp dẫn nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên của học sinh, góp phần hình thành trong học sinh khả năng tự học, khuyến khích, đề xuất sáng kiến và cùng với các thầy cô giáo thực hiện các giải pháp để việc học có hiệu quả ngày càng cao. Động viên giáo viên giảng dạy các môn khoa học tự nhiên theo hướng lồng ghép việc giải thích các quy luật hóa học, vật lý, sinh học, toán học với việc giới thiệu các hoạt động văn hóa dân gian, di tích tài nguyên thiên nhiên phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhà trường. Nhà trường cần tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Bảo Anh
(Trường TH Lê Văn Thế, xã Trung Lập Hạ – Củ Chi)
* Tựa do tòa soạn đặt

 

Bình luận (0)

Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi “Giải quyết tình huống giáo dục” lần X

Tạp Chí Giáo Dục

Để học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui như thế này (hình mang tính minh họa). Ảnh: T.TR

“Cảm ơn bức thư nhỏ nhắn của em”. Đó là suy nghĩ đầu tiên trong tâm trí tôi sau khi đọc đề thi “Giải quyết tình huống giáo dục” lần này. Những lời lẽ chân thành của em như một hồi chuông thức tỉnh những sai lầm của tôi, của các thầy cô khác. Từ đây, tôi có một cái nhìn thật cụ thể về thái độ, hành động của mình.
Hát quốc ca không chỉ thể hiện lòng tự hào dân tộc mà còn chứng tỏ rằng mình là công dân của một đất nước giàu truyền thống. Đã thành thông lệ, cứ mỗi sáng thứ hai thì tập thể giáo viên, học sinh nhà trường lại đồng thanh hát quốc ca. Thật là một sai sót lớn khi tôi chỉ biết dõi nhìn xem học sinh có hát hay không, hát to hay nhỏ, để rồi cứ nhận xét phê bình, mà ngay chính tôi và một số giáo viên vẫn chưa thực hiện tốt việc này.
Tôi lặng người đi khi chợt nhận ra mình là một “người mẫu” trong bức ảnh đẹp mà chẳng đẹp tý nào. Vượt đèn đỏ ư! Chẳng phải đó là điều tôi thường căn dặn học sinh không nên, nhưng bản thân tôi thì không dưới một lần làm như vậy? Không có gì có thể biện hộ cho sự thật ấy.
Bình tĩnh và suy nghĩ tỉnh táo, tôi sẽ đọc bức thư ấy trong bài phát biểu chào cờ của mình để mọi người cùng nhau rút kinh nghiệm hoàn thiện bản thân, để rồi từ đây tôi và các em học sinh cùng nhau xây dựng ngôi trường tốt đẹp hơn.
Trong cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực, tình huống trên thật sự có ý nghĩa. Những người có cương vị lãnh đạo phải thật sự là những tấm gương sáng. Có thế, những người cấp dưới mới khâm phục và tuân theo những quyết định của họ.
Để thực hiện thành công cuộc vận động thì nhà trường phải tạo ra một môi trường sống và làm việc thật sự thoải mái cho học sinh.
Nhà trường – nơi ấp ủ ước mơ cho các em học sinh – phải thật sự thấu hiểu, quan tâm đến nguyện vọng của các em, để từ đó không còn khoảng cách nào giữa nhà trường và học sinh. Nhà trường hãy thật sự là một tổ ấm hạnh phúc, thân thiện với các em. Học sinh là người tô điểm cho bức tranh vận động này thêm thành công. Tích cực học tập, tham gia các hoạt động phong trào, góp phần rèn luyện tư tưởng, kỹ năng sống. Sự phối hợp thật nhịp nhàng giữa nhà trường và học sinh là tất yếu để cuộc vận động thành công tốt đẹp.
Lê Công Tâm (Củ Chi)