“Đừng tháo xuống nụ cười” kể đầy đủ và chi tiết về những năm tháng tuổi trẻ bực dọc, kỳ lạ ngổn ngang mà cô gái 27 tuổi đã đi qua với 4 phần chính: Tuổi trẻ lộng lẫy, Người đi lạc, Không thể yêu mãi mãi, Con đường trước mắt. Khải Đơn bày tỏ: “Bạn sẽ không bao giờ trở nên mạnh mẽ nếu không đi. Vào tuổi 20, người ta chẳng có gì ngoài một đôi chân rất khỏe mạnh và một trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới”. Thế là Khải Đơn rời khỏi nhà, ra đi vì “ở tuổi trẻ đó, bất kỳ ai cũng điên rồ, dám sống cho điều mình yêu thật nhiều” và “không cần phải mang cõng bất cứ kỳ vọng nào của cha mẹ như đã tưởng suốt 2 năm dài mỏi mệt”.
Khải Đơn đã hăm hở mở cánh cửa cuộc đời, trải nghiệm với rất nhiều điều mới mẻ ở những nơi mình đi qua, va đập trong các mối quan hệ với mọi người xung quanh. Đó là một tuổi trẻ “không bình yên”, có niềm vui, hạnh phúc ngập tràn nhưng cũng đầy nỗi đau khó gọi tên trong từng khoảnh khắc. Đó là khi nhìn xuống quán cà phê thấy một người tuyệt vời mà ngại ngần đến mức không dám tỏ lời làm quen. Đó là khi chứng kiến những người lớn phán xét và làm đau những bạn bè trẻ tuổi quanh mình. Đó là sự giận dữ trước một điều tuyệt phần không đúng. Đó là lúc cáu lên vì thần tượng của mình bị người khác dè bỉu. Đó là khi lần đầu tiên nhận ra tình thân yêu sâu kín của những người ở bên cạnh mình từng ngày tháng. “Trong ánh sáng khôn lường của ngày thơ dại, mình đã lạc lối, yêu đương khôn xiết, đứng dậy không sợ hãi và điên cuồng từng trải qua chuyện đau đớn” – cô chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt sau khi đọc “Đừng tháo xuống nụ cười” đã nhận xét rằng đây là một cuốn sách đầy bi quan. Có lẽ đúng như vậy! Có cái gì đó đầy mâu thuẫn, giận dỗi, bi quan trong giấc mơ muốn tự mở cánh cửa cho cuộc đời mình nhưng lại không có cách nào thoát. Những trăn trở, băn khoăn, day dứt, phân vân, xung đột giữa chuyện đúng – sai, nên – không luôn bám riết lấy hành trình cô đi. Khải Đơn bảo có vài khoảng thời gian, cô không điều khiển được cảm xúc của chính mình, lúc thì tuyệt vọng không chịu được, khi thì u sầu tưởng chết hoặc nản chí và điên giận. “Có lúc tôi thật quá đà, nhiều khi u sầu như rơi xuống giếng đen. Viết là cách duy nhất tôi biết làm để giải phóng cái phần ngột ngạt nhất trong đầu óc ra” – cô bộc bạch.
“Đừng tháo xuống nụ cười” không dành cho những ai muốn đọc để giải trí nhẹ nhàng đầu óc. Nó thuộc về những ai muốn chạm tới những khát khao, mạnh mẽ, cô đơn, hoang mang, day dứt về thời tuổi trẻ của chính mình… Và tất nhiên, nó không thiếu những quãng thời gian, khoảnh khắc đẹp đẽ của của một tuổi trẻ lộng lẫy.
Theo Minh Nga (NLĐ)
Bình luận (0)