Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Quản lý dạy thêm – học thêm: Băn khoăn tìm thuốc đặc trị

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy thêm – học thêm (DT-HT) thực chất là việc giáo viên (GV) bổ trợ kiến thức cho HS, giúp các em học khá hơn, bởi thế, bản chất của DT-HT không phải là xấu. Tuy nhiên, ở đâu đó, những biểu hiện không lành mạnh của DT-HT đã làm dư luận không ngớt phàn

Các em cần có thêm thời gian để vui chơi và sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: Ngân Hạ

nàn, thậm chí có cái nhìn không mấy thiện cảm với thầy, cô giáo. Đặc điểm, phương thức của tiêu cực trong DT-HT đã được ngành GD-ĐT mổ xẻ không ít, vấn đề nan giải là phải tìm ra liều thuốc hiệu nghiệm để đặc trị "căn bệnh" khó chữa này.
Căn nguyên của câu chuyện dài…
Hơn một năm sau khi thực hiện quy định về DT-HT của Bộ GD-ĐT, cùng những văn bản hướng dẫn cụ thể của địa phương, việc triển khai DT-HT ở Hà Nội và Hà Tây cũ được đánh giá là cơ bản đi vào nền nếp. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những nhóm, lớp phụ đạo HS yếu kém đã giúp cho mặt bằng chất lượng học tập ở các lớp đồng đều và tiến bộ hơn. Những bài giảng ngoài giờ, thậm chí ở ngay tại nhà HS khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt của các thầy, cô giáo đã giúp cho không ít HS bớt đi nguy cơ phải nghỉ học vì không theo kịp bạn bè, thêm phần vững tâm khi tới lớp. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, những biểu hiện tiêu cực của DT-HT vẫn tồn tại, dù không phổ biến, song lại gây nhiều bức xúc.
Một trong những căn nguyên sâu xa của tình trạng DT-HT – một câu chuyện dài chưa có hồi kết ấy được cho là từ sự mâu thuẫn trong giáo dục phổ thông hiện nay: mặc dù lên án bệnh học vẹt, hô hào đổi mới phương pháp dạy học, nhưng lại vẫn duy trì cách thức thi cử lạc hậu, chưa nghiêm túc và gây áp lực nặng nề. Điều này dẫn tới thực trạng khá phổ biến ở nhiều HS là học chỉ để thi và muốn thi tốt, đương nhiên phải cố gắng đi học thêm!
Điều đã và đang bị dư luận lên án gay gắt khiến DT-HT biến tướng tràn lan là tình trạng GV dạy trên lớp thì lơ là, "để dành" kiến thức, nhưng dạy thêm lại hăng hái; hoặc xuất hiện sự khác biệt trong kết quả làm bài kiểm tra giữa những em có học thêm với những em không đi học thêm. Thực tế ấy khiến không ít HS không muốn cũng phải đi học thêm, gây áp lực cho gia đình và cả HS.
Theo GS Hoàng Tụy, để quản lý chặt chẽ việc DT-HT tràn lan hiện nay thì vấn đề cốt lõi là phải tạo ra sự bình đẳng về cơ hội học tập thành công cho mọi người. Theo GS, với chế độ học tập như hiện nay, HS buộc phải học thêm ngoài giờ rất nhiều (kể cả làm bài tập ở nhà và học thêm có trả học phí), như vậy thì con em các gia đình nghèo làm sao có được cơ hội học tập bình đẳng với con em các gia đình khá giả.
Băn khoăn tìm giải pháp 
Với quan điểm quản lý việc DT-HT theo hướng tích cực, tạo cơ hội để GV được góp công sức, trí tuệ nâng cao chất lượng học tập cho HS, giúp các thầy cô sống bằng chính nghề của mình một cách chính đáng, Hà Nội đang xây dựng dự thảo quy định mới về vấn đề này. Những điều chưa thống nhất giữa hai văn bản của Hà Nội và Hà Tây cũ trước khi sáp nhập đã nhiều lần được bàn bạc nhằm đi đến những quy định chung, phù hợp trong điều kiện mới và áp dụng thống nhất trên địa bàn TP trong thời gian sớm nhất. Chọn giải pháp nào để điều trị tận gốc những căn nguyên của DT-HT vẫn là điều khiến các cấp quản lý băn khoăn.
Trước hết, dự thảo hiện nay đã quy định rất rõ tiêu chuẩn GV trong ngành tham gia dạy thêm, song chưa có yêu cầu cụ thể về chuyên môn, kỹ năng sư phạm, sức khỏe… với những người đã nghỉ hưu và ở ngoài ngành. Họ có thể là những kỹ sư, những nhà nghiên cứu giỏi, có lòng yêu nghề, muốn được tham gia cống hiến. Nhưng lại có người đặt câu hỏi, tại sao phải làm chặt chẽ đến vậy trong khi số sinh viên làm gia sư ngày càng nhiều, vô tư quảng cáo mà không hề bị một ràng buộc nào về quản lý nhà nước?
Việc phân cấp quản lý như thế nào cho phù hợp là vấn đề vướng nhất hiện nay. Theo dự thảo, Sở GD-ĐT cấp phép đối với các đơn vị trực thuộc. Việc chịu trách nhiệm của Sở GD-ĐT là đúng thẩm quyền, song lại có một thực tế rằng, Sở GD-ĐT không thể đủ lực lượng, thời gian để đi thẩm tra hàng trăm, hàng nghìn địa chỉ có tổ chức DT-HT trên toàn TP để cấp phép, chưa kể tới việc phải quản lý GV sau khi được cấp phép. Trong khi ấy, hiệu trưởng nhà trường là người trực tiếp quản lý GV, nắm rõ thông tin hơn cả, nhưng nếu phân công cho hiệu trưởng thì lại chưa phù hợp với quyền hạn.
Vấn đề nhạy cảm nhất và cũng dễ gây tai tiếng nhất là việc thu phí. Văn bản của Hà Tây cũ từng quy định mức học phí cho từng tiết học ở từng vùng, song lại gặp khó khi gặp biến động của thị trường. Phương thức thỏa thuận được chọn lựa, song vẫn có ý kiến phản hồi: thỏa thuận mà không có trọng tài thì cũng chỉ là hình thức, mà có ai đi mặc cả chuyện học hành bao giờ?
Vấn đề lúc này có lẽ phải xác định rõ các nguyên tắc của DT-HT, để việc thỏa thuận được theo đúng nghĩa, bớt đi những ngại ngần hoặc bức xúc khi phản ánh về chuyện DT-HT ở bất cứ nơi nào…
Thống Nhất (HNM)

Bình luận (0)