Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những ngộ nhận về sự phát triển của trẻ 5 tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Thông qua website chính thức của Bộ GD-ĐT nhóm tác giả được mời tham gia xây dựng Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (CPTT) gồm TS Trần Lan Hương, TS Trần Thị Nga, Ths Nguyễn Thị Như vừa đưa ra những “Trao đổi về chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi và những ngộ nhận về sự phát triển của trẻ 5 tuổi Việt Nam”. Với mục đích  rộng đường trao đổi, HNMO lược trích trao đổi này:

"Khả năng của trẻ 5 tuổi Việt Nam bị một bộ phận người lớn đánh giá quá thấp"

Công phu, nghiêm túc, tâm huyết và còn… "sạn"
Xin khẳng định CPTT được xây dựng theo một qui trình khoa học, công phu và nghiêm túc với đầy tâm huyết và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ mầm non của đất nước; quá trình xây dựng CPTT có sự tham gia của đông đảo các thành phần xã hội ở các mức độ khác nhau, chứ không phải là sản phẩm duy ý chí của một nhóm người.
Trong quá trình xây dựng nhóm tác giả đã tham khảo, nghiên cứu, kế thừa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học uy tín về GDMN trong và ngoài nước, thành quả của GDMN nước nhà cũng như các chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ nhà trẻ và mẫu giáo (MG) mà Nhà nước đã ban hành từ những năm 90 của thế kỷ trước trở về đây. Đặc biệt đã tuân thủ các nguyên tắc được khuyến cáo sử dụng trong việc lựa chọn nội dung cho CPTT.  Nguyên tắc lựa chọn các chỉ số trong CPTT phải xuất phát từ chính bản thân trẻ, phù hợp với môi trường và bối cảnh trẻ đang sống.
Bên cạnh đó CPTT không chỉ giới hạn ở những gì trẻ đã và muốn biết mà còn phải phản ánh được những kỳ vọng, mong muốn của xã hội đối với trẻ hay nói các khác CPTT cần phải thể hiện được mục tiêu của GDMN nước nhà.
Cuối cùng, CPTT còn chứa đựng cả những nội dung đón đầu sự phát triển của trẻ, những kiến thức, kỹ năng và thái độ mà trẻ muốn biết và có thể biết trên nền tảng những gì trẻ đã biết.
Không phủ nhận trong văn bản dự thảo CPTT, đây đó còn có những “hạt sạn” và rất trân trọng những ý kiến và thái độ mang tính xây dựng nhằm giúp nhóm tác giả và Bộ GD-ĐT hoàn chỉnh, sớm ban hành bộ CPTT, góp phần nâng cao chất lượng GDMN.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có một số ý  kiến rập khuôn, áp đặt một cách cứng nhắc hay đánh tráo khái niệm. Theo chúng tôi có thể coi những ý kiến  như vậy là “sự ngộ nhận” về CPTT nói riêng và sự phát triển của trẻ em Việt Nam nói chung. Phần tiếp theo xin phép được bày tỏ đôi điều về những “ngộ nhận” này để rộng đường cho sự trao đổi.
4  “ngộ nhận”
Vấn đề đầu tiên đáng buồn nhất và cũng đáng  lo ngại nhất là khả năng của trẻ 5 tuổi Việt Nam bị một bộ phận người lớn đánh giá quá thấp. Ngay cả một số nhà tâm lý học cũng hoảng hốt cho rằng trẻ của chúng ta còn non lắm, chúng còn đang thơ bé quá, chúng chưa biết suy nghĩ, chưa biết làm gì cả; rằng CPTT này là quá “nặng”, “cao quá”, “không đúng tâm lý trẻ” và CPTT này chỉ có thể để dành cho trẻ “thần đồng và thiên tài”, “trẻ kiệt xuất”, “chỉ dành riêng cho đào tạo mũi nhọn với những trẻ em đặc biệt”…
Đây chính là một sai lầm đáng tiếc nhất, vì sai lầm này mà người lớn ở Việt Nam đang tự làm cho trẻ trở nên yếu ớt đi, thụ động trong mọi hoạt động, hình thành ở trẻ tâm lý mình không biết làm gì và không thể làm tốt được việc gì. Trẻ chấp nhận và có thói quen làm theo mọi sự chỉ dẫn của người lớn.
Nếu chúng ta nghĩ trẻ không biết gì chúng sẽ trở nên không biết gì, nhưng nếu chúng ta nghĩ trẻ có thể làm được nhiều thứ, chúng thật sự sẽ làm được nhiều thứ….
Cứ theo như cách suy luận của một số người  thì nếu như còn có người lớn không thực hiện được một chỉ số nào đó thì việc đặt mục tiêu phát triển cho trẻ chỉ số đó đồng nghĩa với việc lấy “tư duy của người lớn áp đặt vào trẻ con”, là “do bệnh thành tích sinh ra”.
Lại một lần nữa người lớn đã không đánh giá được hết khả năng của trẻ. Chúng ta thấy quá nhiều điều trẻ 5 tuổi “không thể” thông qua những biểu hiện bên ngoài của trẻ hiện nay mà không suy xét thấu đáo về những ứng xử ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ của người lớn.
Vấn đề thứ hai là một số nhà khoa học và dư luận xã hội đã áp đặt nội hàm các tiêu chí phát triển của trẻ theo chuẩn của người lớn. Có người còn cho rằng Chuẩn này còn “cao hơn cả Chuẩn tiến sĩ” và lại có người đặt câu hỏi: “Trẻ 5 tuổi biết làm gì mà bảo thực hiện đến cùng công việc được giao?”
Xin thưa rằng, nội hàm của các chỉ số cần được hiểu theo các nét đặc thù trong cuộc sống của trẻ nhỏ. Trong trường mầm non các nhiệm vụ và công việc trong lao động, học tập và sinh hoạt là rất muôn hình muôn vẻ. Đó là nhiệm vụ của người trực nhật, là cất dọn đồ chơi sau khi chơi, là cắt dán một họa tiết hay một hình nào đó, là kê bàn ghế để ăn cơm…. Bắt đầu từ 5 tuổi tất cả trẻ em đều cố gắng hoàn thành công việc. Khả năng kiên trì mục đích của trẻ MG phụ thuộc trực tiếp vào độ khó của nhiệm vụ và sự hỗ trợ của người lớn trong việc hướng dẫn phương thức hoàn thành nhiệm vụ cho trẻ.
Nếu đến hết 5 tuổi trẻ không có khả năng tiếp nhận và hoàn thành những nhiệm vụ được giao thì trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc sống. Cùng là “giải quyết mâu thuẫn”, “sáng tạo”, nhưng kỹ năng ở người lớn và trẻ em là hoàn toàn khác hẳn nhau. Điều này ai cũng phải biết. Lại có quan điểm cho rằng, phàm những gì mà tất cả người lớn còn chưa làm được thì không thể dạy cho trẻ. Có người còn lập luận rằng nếu như “trong khi bố nó, ông nó còn hút thuốc lá” thì làm sao lại phải dạy trẻ rằng” hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe”. Như vậy chắc phải đợi cho đến khi tất cả người lớn trên đất nước Việt Nam này tốt hết rồi thì chúng ta mới được dạy trẻ???
Vấn đề thứ ba là quan niệm về CPTT. Có người hỏi “liệu có được đến 90% trẻ đạt” Chuẩn không? Nếu có đến 90% trẻ đạt được các chỉ số thì CPTT không còn được gọi là CPTT nữa. Thường thì người ta lựa chọn các chỉ số mà có khoảng từ 40 – 60% trẻ thực hiện được để xếp vào CPTT. Khi có khoảng 80% trẻ đạt được các chỉ số thì CPTT đã phải điều chỉnh nâng lên mức cao hơn.
Như vậy, đối với từng trẻ có thể có những chỉ số ngày hôm nay trẻ không đạt được nhưng không có nghĩa là trẻ không thể. Trách nhiệm của người lớn là phải tìm nguyên nhân tại sao và điều chỉnh các tác động giáo dục của mình để trẻ phát triển tốt hơn chứ không bắt buộc phải đạt yêu cầu của chỉ số (chỉ số là mức trung bình của trẻ nên trên thực tế có trẻ đạt mức cao hơn hoặc thấp hơn).
Có nhà khoa học còn mạnh dạn tuyên bố “Khoảng trên 70 chỉ số (trong số 125 chỉ số) không thể thực hiện được”. Chúng tôi cho rằng đây là một nhận định chủ quan và thiếu cơ sở khoa học vì những nhận định này không dựa trên bất cứ một khảo sát đáng tin cậy nào.
Vấn đề thứ tư là về phương pháp giáo dục trẻ.  Có TS cho rằng chuẩn này chỉ có thể thực hiện được nếu người lớn áp đặt cho trẻ “một chế độ giáo dục khắt khe đặc biệt”. Chúng tôi kinh ngạc liệu TS này có nhầm lẫn không khi đưa ra một nhận định phi khoa học đến như vậy trong phương pháp giáo dục trẻ nhỏ.
Hơn nữa, với đặc điểm tâm lý của trẻ nhỏ nếu càng ép, càng khắc nghiệt thì kết quả phải là càng ngược lại. TS cũng đã tự mâu thuẫn với chính mình khi lại cho rằng “trẻ trong độ tuổi mẫu giáo thì nên được phát triển tự nhiên”. Vậy thì kỳ vọng quốc gia về mục tiêu giáo dục trẻ không còn nữa sao?  Xã hội, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non không cần có tác động gì nữa chăng?
CPTT nếu được sử dụng đúng đắn với đúng các mục đích của nó thì sẽ giảm sự khác biệt lớn  giữa các vùng miền chứ không thể nói là làm tăng khoảng cách giữa vùng, miền như một số người lo ngại. Xã hội, cộng đồng, cha mẹ, nhà trường, giáo viên mầm non sẽ phải tạo điều kiện về vật chất, cải thiện phương pháp để giảm bớt khoảng cách đó, đảm bảo công bằng trong giáo dục cho mọi trẻ em Việt Nam.
Chuẩn phát triển trẻ chỉ đảm bảo tốt hơn quyền cuả trẻ em. Chỉ khi áp dụng Chuẩn không đúng mới “vi phạm quyền trẻ em”. Cuối cùng cần phải nói thêm rằng, chúng tôi được mời tham gia xây dựng Chuẩn với tư cách là những người làm chuyên môn vềGDMN, còn việc ban hành văn bản và lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong sử dụng Chuẩn thuộc về công tác quản lý.
Như vậy, liệu có thể yên lòng không nếu như chúng ta vẫn mãi nhìn trẻ em yếu đuối và bất lực như hiện nay? Người lớn vẫn dứt khoát làm ngơ trước những khả năng tiềm tàng to lớn của trẻ chỉ bởi sự lạc hậu và sức ỳ quá lớn trong tư duy? Sự thiệt thòi không đáng có này của trẻ Việt Nam sẽ thuộc về trách nhiệm của ai? Chúng tôi nghĩ vấn đề không nằm ở chỗ trẻ có khả năng hay không mà là người lớn có biết tạo cho trẻ các cơ hội để phát triển hết khả năng hay không. Người lớn có chịu thay đổi hay không? Quả bóng đang ở trong chân của người lớn.
T.Hoa (Vietnamnet)

Bình luận (0)