Người thầy ngoài phương pháp giảng dạy phải luôn gần gũi để tìm hiểu tâm tư học sinh |
Đọc tình huống câu 1, bất chợt trong tôi lại liên tưởng câu chuyện của một thầy giáo mà được thầy ví như một “cái tát” vào mặt mình để rồi từ đấy lấy làm kinh nghiệm cho bản thân. Thầy giáo nhớ lại khi mình bất ngờ nhận được lá thư của một học sinh nữ với nội dung: “Thầy có nghĩ rằng có những lúc chúng em nghe mà không hiểu thầy đang nói gì cả? Đôi khi em cho rằng thầy đang nói với chính mình chứ không phải là đang giảng bài. Một bài giảng sẽ trở nên ít ý nghĩa nếu như nó không có sự đồng cảm giữa thầy và trò”. Ngay hôm sau thầy quyết định cho cả lớp làm kiểm tra để tìm chủ nhân của bức thư “bố láo” kia qua nét chữ. Nhưng rồi về nhà với bao suy nghĩ trăn trở, thầy đã quyết định đốt hết bài kiểm tra lần ấy với lời nhận xét làm bài chưa đạt yêu cầu. Rồi nhiều năm sau, vào ngày 20-11, thầy nhận được một tấm thiệp chúc mừng và một bức thư ngắn với nét chữ rất quen: “Có lẽ cho đến tận lúc này thầy vẫn chưa biết em là ai. Em tin chắc vào điều em nghĩ vì hồi đó khi thi vấn đáp thầy đã không đọc bất kỳ phần chuẩn bị nào của sinh viên nữ. Em hiểu thầy không muốn biết ai là kẻ đã hỗn xược dám viết những dòng chữ ấy. Thầy ơi, lần đó em “vượt” qua môn học của thầy với điểm 9. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. Từ khi em viết để bày tỏ ý kiến của mình, những bài giảng của thầy đã hay và dễ hiểu hơn rất nhiều. Vẫn chưa hết thầy ạ: thầy đã dạy cho em một bài học về sự cần thiết của cái đúng mức, về giá trị của lẽ phải, về lương tâm trong sáng của con người…”.
Thế đấy, người thầy trong tình huống trên đã cho ta thấy được một cách xử lý thật khéo léo. Tôi tưởng tượng lúc nhận được bức thư trên thầy ấy hay bất kỳ thầy cô nào cũng cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề. Một đứa học trò mà dám phát biểu ngang bằng hay nói đúng hơn là nó “bố láo” – cách dùng từ của tác giả – chê mình giảng dạy tệ thế ư? Nhưng rồi bằng cái tâm trong sáng của nhà giáo, những người chịu trách nhiệm và nghĩa vụ trồng người, thầy đã bình tĩnh nhìn nhận và âm thầm sửa sai để rồi kết quả thầy gặt hái được không chỉ là sự tôn trọng của học trò mà cả một biển trời kiến thức.
Lại nói đến cô hiệu trưởng Bích Ngọc, cô nổi tiếng là một hiệu trưởng nghiêm khắc. Cô luôn quan tâm đến hoạt động giáo dục đạo đức học sinh thì tức nhiên cô rất muốn lắng nghe ý kiến xây dựng không chỉ của giáo viên mà cả học sinh và cha mẹ các em nữa. Tuy nhiên, khi nhận được lá thư này, nếu tôi là cô Bích Ngọc thì chắc chắn tôi buồn lắm bởi các em là học trò mà bày tỏ suy nghĩ… vả lại còn đụng đến cả đời sống riêng tư của cô nữa chứ. Tôi đã nghĩ đến việc xé tan lá thư với tâm trạng nóng giận hay lặng lẽ đi tìm thủ phạm của lá thư bởi tôi biết mình phê bình những học sinh nào trong giờ chào cờ lần ấy kia mà. Hay là mình thể hiện là một người công bằng dám làm dám chịu đọc cho cả hội đồng cùng nghe để cùng rút kinh nghiệm sửa chữa. Nhưng… trước tiên tôi phải xét lại mình.
Là một người đứng đầu của một đơn vị lại là trường học, một nơi ươm mầm những chủ nhân tương lai của đất nước, là thuyền trưởng của một con tàu, nếu thật sự nhận xét của em học sinh ấy là đúng (nghĩa là bản thân cô chưa bao giờ hát quốc ca, tham gia lưu thông vi phạm luật) thì tôi chưa thực sự xứng đáng là một hiệu trưởng. Lỗi ấy của tôi chứ không phải của em học sinh kia. Vì thế tôi sẽ giải quyết như sau:
– Ngay trong giờ chào cờ tiếp, tôi sẽ hát quốc ca và nhắc nhở mọi người trong trường cùng thực hiện. Như thế học sinh có ý kiến đóng góp ấy sẽ nhận ra ý kiến của mình đã đến với cô và được cô rất trân trọng
– Sinh hoạt trong hội đồng sư phạm, tôi khéo léo nhắc nhở giáo viên của mình cách cư xử đối với người xung quanh và nhất là đối với các em học sinh của mình. “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” nhưng “mất lòng trước, được lòng sau”. Đồng thời, trong cuộc sống bản thân tôi cũng phải tự rèn luyện lại mình dù muộn còn hơn không.
Thưa các bạn, thầy giáo trong câu chuyện sư phạm tôi kể trên có hành xử là im lặng và âm thầm sửa lỗi của mình bằng cách thổi hồn vào từng bài giảng. Để từ đấy học sinh của mình cũng nhận ra ý kiến đóng góp của chúng không phải là hỗn xược mà chúng đã góp phần xây dựng, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú tìm tòi và sự không ngừng học tập của người thầy – người dẫn dắt chúng đi tìm tri thức. Cô Bích Ngọc cũng vậy. Càng là người đứng đầu mình càng phải hành xử đúng. Chẳng ai mà không có cái sai nhưng quan trọng là biết nhận ra cái sai để sửa cho đúng mới là người tốt.
Cách giải quyết trên đây là tôi giả sử em học trò hoàn toàn đúng.
Câu 2: Khi cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực thì Trường Kim Đồng, nơi tôi đang công tác, cũng đã thực hiện hơn 6 năm rồi.
Người thầy luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Từng hành động, từng cử chỉ, từng lời nói đều là hình ảnh trực quan sinh động nhất đối với học trò. Tôi cho phép mình nhận xét đánh giá hành vi của người khác mà không tự nhận thấy hành động của mình thường sai… |
Chính thầy hiệu trưởng cũ đã sáng kiến lập ra hộp thư “Điều em muốn nói” ở các lớp và ngay tại phòng của thầy. Các em học sinh có rất nhiều ý kiến. Có những ý kiến các em không muốn học không dám nói trực tiếp với thầy cô với bạn bè nhưng khi có hộp thư các em tha hồ bày tỏ. Chúng tôi là những người thu thập thông tin rồi cứ cuối tuần lại trả lời hoặc “giải quyết” các ý kiến đó. Nhiều ý kiến thú vị đóng góp cho thầy cô cả về phương pháp giảng dạy, hay mối quan hệ bạn bè hoặc thậm chí cả chuyện gia đình các em cũng tâm sự với thầy cô. Tôn trọng và hướng các em tới những ý kiến đóng góp đúng đắn là nghệ thuật của các thầy cô. Ở đấy các em được bày tỏ ý kiến của mình nhưng trên tinh thần tôn trọng và lễ phép. Thân thiện nhưng không phải là “cá mè một lứa”. Các em chủ động trong mọi hoạt động của mình. Hiểu được bạn và thầy cô mình các em tự giác và tích cực hoạt động. Và trong những năm gần đây cùng với việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp giáo dục, phát huy tính tích cực là đúng đắn, hợp thời đại. Học sinh không chỉ tích cực học tập mà các em còn tích cực trong mọi phong trào của trường lớp nữa.
Tại sao mỗi lần nghe bọn trẻ nói chuyện với nhau chúng ta lại bảo: “Sao giờ trẻ con nó khôn thế, già trước tuổi mất rồi”? Có lẽ các em được tiếp cận nhiều phương tiện hiện đại hơn ta lúc còn nhỏ và các em được giáo dục với những phương pháp phát huy được tính chủ động, sáng tạo và tích cực. Ngôi trường học thân thiện thì các em sẽ sẵn sàng thổ lộ: “… cô dạy dễ hiểu và vui tính nhưng thực sự con yêu cô Ngọc hơn”. Như ý kiến của đứa học trò nhỏ đã tâm sự với tôi như thế.
Trần thị Tuyết Mai
(Trường TH Kim Đồng – Gò Vấp)
* Tựa do tòa soạn đặt
Bình luận (0)