Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần quan tâm việc tự học của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Từ trước đến nay, giáo viên (GV) chỉ quan tâm đến cách dạy mà “quên” đi cách học của học sinh (HS). Nếu HS từng bước hình thành năng lực tự học thì sẽ tự “làm giàu” kiến thức và có thêm ý thức học tập thường xuyên.

1. Những năm qua, việc học tập ngày càng nặng nề, phụ huynh “buộc phải” lao vào vòng xoáy cho con em đi học thêm rất sớm. Mẫu giáo đi học thêm để vào lớp 1, rồi bậc tiểu học cũng lo học thêm để lên THCS vào trường tốt, lớp chọn… Trong khi đó, nội dung SGK, việc thay đổi phương pháp giảng dạy của GV không đồng nhất, sách tham khảo nâng cao lại rất nhiều, không đi học thêm làm sao chen chân được vào ĐH. Như vậy, HS ngoài học chính khóa còn được phụ đạo, bồi dưỡng, học thêm…, nhưng kết quả trong một số HS chưa như mong muốn.

Điểm lại, tại một số nơi tuy xa đô thị, điều kiện học tập chưa tốt lắm nhưng nhiều em vẫn đạt thành tích cao trong học tập, giữ được phong độ học ở trường chuyên của tỉnh và cả khi vào ĐH. Một nguyên nhân cần được quan tâm đó là niềm tin bản thân, ý thức, thói quen và phương pháp tự học.

Có rất nhiều phương pháp giảng dạy được áp dụng trên thế giới để cùng hướng tới một mục tiêu giáo dục. Mong muốn của cả xã hội và những người làm công tác giảng dạy là làm thế nào để chuyển tải kiến thức một cách hiệu quả nhất để kỹ năng học tập, khả năng nghiên cứu, khám phá của một con người được hình thành sớm nhất, phục vụ cho tương lai một cách hữu ích nhất. Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, nhà trường và phụ huynh cần sớm rèn luyện kỹ năng tự học cho HS. Bởi vì tự học giúp các em có được những kiến thức cơ bản, nền tảng tạo nên học vấn của mình. Thế nhưng, để tránh việc mày mò đi lệch hướng, mất thời gian, việc tự học cần được sự hướng dẫn của người đã biết hay người đi trước tức ở người thầy. Đây là vấn đề mang tính quyết định nhất. Người thầy trên lớp phải biết gợi ý, tạo tình huống có vấn đề để HS buộc phải suy nghĩ. Việc này phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Học sinh một trường THPT ngoài công lập trong giờ tự học (ảnh minh họa).  Ảnh: Anh Khôi

2. Để HS tự nghiên cứu trước SGK ở nhà thì GV không nên chỉ đơn giản là nhắc các em đọc trước bài mới mà cần nêu cụ thể câu hỏi mà khi đọc xong bài mới có thể trả lời được. Đó là cách giao nhiệm vụ cụ thể giúp HS đọc SGK có mục tiêu cụ thể rõ ràng. Điều cốt lõi của tự học tức là hoạt động học hoàn toàn không có GV, HS không có sự tiếp xúc với GV, là hình thức học tập hoàn toàn không có sự tương tác thầy – trò, do đó HS phải tự lực thông qua tài liệu, qua hoạt động thực tế, qua thí nghiệm để chiếm lĩnh kiến thức.

Trước khi đề ra phương pháp tự học cho bản thân hiệu quả, người học phải nắm vững kiến thức, hiểu sâu bài giảng của thầy cô trên lớp để làm cơ sở nền. Vì thời lượng mỗi tiết học rất ngắn, chỉ có 45 phút, nên người học cần phải tập trung nghe giảng, suy nghĩ, mạnh dạn và hăng hái phát biểu bài ở lớp. Điều này giúp HS không những có thêm kiến thức mới mà còn học bài nhanh thuộc hơn. Với những phần chưa hiểu hoặc chưa rõ, người học nên mạnh dạn trao đổi trực tiếp với GV bộ môn và bạn bè ngay trong giờ học. Ở nhà, phụ huynh nên gợi ý các em có một kế hoạch học tập riêng phù hợp với điều kiện của gia đình. Điều quan trọng hơn cả trong tự học là người học phải có tính ham học hỏi, yêu thích khám phá, tìm hiểu kiến thức và xác định được mục đích, động cơ học tập của mình để phấn đấu. Bên cạnh đó, việc học với sách là một cách tự học thú vị và vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, trong điều kiện phương tiện thông tin phong phú như hiện nay, phương pháp tự học trên internet là một cách học phổ biến, thuận lợi. Trên nhiều trang web có tổng hợp rất nhiều đề thi, bài giảng hay của các thầy cô để người học có thể tải về, nghiên cứu, làm giàu kiến thức cho bản thân. Tuy nhiên, kiến thức trên mạng thường rất mênh mông, người học phải xác định được điều mình cần và chủ động tiếp cận có chọn lọc.

3. Tự học không những giúp HS không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn trang bị cho các em năng lực, hứng thú, thói quen, có phương pháp tự học thường xuyên và suốt đời. Qua đó giúp các em rèn luyện đức tính tự lập, ít phụ thuộc vào người khác, đặc biệt là thầy cô ở trường. Đặc biệt, nếu các em biết tự học thì không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội sẽ không còn đau đầu với vấn nạn dạy thêm – học thêm.

Lê Quang Huy

(GV Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)

Kiểm tra – khâu không thể thiếu trong dạy học

Kiểm tra bài cũ là một khâu không thể thiếu trong dạy học vì nếu không kiểm tra GV sẽ không nắm được tình hình học bài và chuẩn bị bài của HS, và nếu không đánh giá cho điểm, nhận xét khuyến khích thì không có động lực cho việc học bài đều đặn ở nhà. Với một số chương ngắn mà chưa có bài kiểm tra định kỳ, để HS có cái nhìn tổng quát hệ thống với một lượng kiến thức trong thời gian dài thì cần phải hướng dẫn các em tổng hợp, hệ thống kiến thức và các dạng bài tập. Trước khi kiểm tra GV phải xác định rõ cho HS đâu là kiến thức trọng tâm, đâu là kiến thức mở rộng để các em biết cách học, tránh giới hạn quá dài làm cho HS không biết học phần nào, dẫn tới lan man. Tốt nhất là hướng dẫn làm đề cương cho HS. Bên cạnh đó, việc ra đề quá khó hay quá dễ đều không có tác dụng thúc đẩy việc tự học của HS. 

 

Bình luận (0)