Biết yếu kém nhưng không thể khắc phục, càng nỗ lực khắc phục thì tình trạng học sinh bỏ học càng nhiều và số lượt giáo viên vi phạm lại tăng lên… đó là những nghịch lý được nêu ra tại Hội nghị giao ban công tác GD-ĐT vùng 1 được tổ chức hôm 20/3.
Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Tham dự có lãnh đạo của 15 Sở GD-ĐT của vùng 1 bao gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh và Bắc Giang.
Giáo dục vùng cao vẫn còn một khoảng cách rất lớn so với miền xuôi |
Biết yếu kém nhưng… không thể khắc phục
Theo đánh giá của các Sở, sở dĩ giáo dục của các địa phương nơi đây còn nhiều bất cập là do một bộ phận cán bộ quản lý yếu về năng lực nên việc tham mưu cho chính quyền cũng như điều hành, chỉ đạo các nhiệm vụ giáo dục chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề nên quá trình thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù biết những yếu điểm là vậy, nhưng với nguồn tài chính hạn hẹp, nguồn cán bộ có trình độ cao còn ít nên các địa phương vùng 1 đành phải “ì ạch” khắc phục với tâm lý chờ sự hỗ trợ từ phía Bộ GD-ĐT và Chính phủ.
Nỗ lực khắc phục thì học sinh lại bỏ học nhiều
Tại hội nghị, hầu hết các Sở GD-ĐT đều cho rằng, đã tích cực chỉ đạo việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các trường khảo sát chất lượng đầu năm, tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém ngay trong hè, từ những tuần đầu năm học mới.
Bên cạnh đó, các Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo tới các đơn vị trường học trong toàn tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao trách nhiệm đội ngũ nhà giáo, tăng cường các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Tuy nhiên, tình trạng học sinh bỏ học không có chiều hướng giảm mà tiếp tục tăng so với học kì 1 năm học 2008-2009.
Theo thống kê, số học sinh bỏ học tại các tỉnh đến hết tháng 2/2009 là 16.674 em, tăng so với giữa học kỳ 1 là 7.829 em, trong đó tiểu học 1.546 THCS 5.623 THPT 6.317, TTGDTX-DN 2.571em.
Tuyên truyền sâu rộng… vi phạm đạo đức nhà giáo “tăng”
Việc thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… đã được tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là công tác tuyên truyền, vận động rất tốt nhưng số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo lại không giảm.
Theo thống kê của các Sở GD-ĐT vùng 1, từ đầu học kỳ hai đến nay đã có 46 trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, tăng 17 trường hợp so với giữa học kỳ 1 (trong đó Điện Biên 19 trường hợp vi phạm, Hà Giang 18, Hoà Bình 5, Lào Cai 1, Phú Thọ 1, Lạng Sơn 1, Bắc Giang 1); biện pháp xử lý buộc thôi việc 8, cảnh cáo 5, hạ ngạch 1, hạ bậc lương 1, khiển trách 25, 1 chấm dứt hợp đồng, 5 trường hợp đang chờ xử lý.
Những “nghịch lý” của giáo dục vùng cao vẫn tiếp tục tồn tại cho dù ngành giáo dục đã nỗ lực hết mình. Đây cũng là một trong những rào cản lớn trong lộ trình rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục vùng cao và miền xuôi.
Nguyễn Hùng (Dan tri)
Bình luận (0)